Trả 240 triệu tiền vé để về nước, vẫn phải bay vòng qua Campuchia
Trong khi máy bay các hãng đang nằm không thì người Việt tại các quốc gia phải bỏ số tiền vài trăm triệu để hồi hương hoặc "đi nhờ" qua đường Campuchia.
TS. Lương Hoài Nam có người bạn mới từ Hoa Kỳ về Việt Nam, người này phải chi trả một gói “combo về nước” có giá 150 triệu. Trước đó, một người quen khác của ông đã phải bỏ ra số tiền 240 triệu để được hồi hương.
Đây là thông tin được ông Nam chia sẻ tại Tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế” sáng 7/12.
Ông cho biết thêm, giai đoạn tháng 3-4/2020, Vietnam Airlines mở các chuyến bay giải cứu từ châu Âu về Việt Nam có chi phí là 1.200 USD từ Mỹ và từ Canada là 1.600 USD, sau khi về nước, người dân cách ly tại các cơ sở quân đội.
Từ mức giá bay giải cứu quy đổi chưa đến 40 triệu thì giờ người Việt đang phải bỏ ra 80 triệu - 150 triệu - 170 triệu - 240 triệu. Đó là gói combo mà khách phải trả tiền cho các đại lý. Đại lý trả tiền cho hãng hàng không bao nhiêu? Khách sạn bao nhiêu? Tiền đi vào túi ai?
“Khi chúng ta so sánh sự chênh lệch với giá bay giải cứu của Vietnam Airlines thì thừa hiểu câu chuyện. Những biểu hiện này đang tàn phá ngành hàng không, tàn phá ngành du lịch và chặn hết cơ hội mở cửa. Phải vì lợi ích của hàng không, của du lịch, của nền kinh tế chứ không thể vì lợi ích của một số đường dây chặt chém như vậy”, ông Nam nhấn mạnh.
Một nhóm hành khách về nước tháng 11/2021 qua Campuchia, đang chờ đi cách ly ở cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh)
|
Một diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về nước qua Campuchia hiện đang có hơn 9.000 thành viên tham gia
|
Cùng với đó, trên rất nhiều diễn đàn, bà con người Việt ở nước ngoài lại đang chia sẻ kinh nghiệm về nước “nhờ” qua đường Campuchia. Bay về Phnôm Pênh từ châu Âu giá 630 Euro, rồi từ Phnôm Pênh đi ô tô rồi đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), đưa hộ chiếu Việt Nam thì chắc chắn được nhập cảnh và cách ly một tuần ở cửa khẩu trước khi về nhà.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ông Võ Huy Cường cũng thừa nhận, việc đưa hành khách đến Việt Nam đang gặp quá nhiều rào cản, các trình tự thủ tục. Nếu dỡ bỏ được các rào cản, thì mới tính đến chuyện đón các chuyến bay quốc tế thường lệ.
Đại diện Cục Hàng không khẳng định, nhiều người Việt Nam có hộ chiếu nhưng đi học tập, lao động, chữa bệnh, đi du lịch mắc kẹt cũng về không được. Công dân Việt Nam về nước phải được tạo điều kiện chứ hiện chịu xét duyệt quá nhiều. Tạo điều kiện cho bà con về tức là tạo điều kiện cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Khi khách quốc tế nhìn vào làn sóng về nước sẽ hiểu Việt Nam đã chống dịch thành công và sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19 chứ không phải chỉ đóng cửa, "be bờ đắp đất" như trước.
"Trong ngày 7/12, Thủ tướng sẽ nghe báo cáo của Bộ GTVT và các Bộ, ngành về kế hoạch mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ đón khách đến Việt Nam", ông Cường thông tin.
TS. Lương Hoài Nam kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện ngay lập tức cho mọi công dân Việt Nam từ nước ngoài về và không thông qua bất kỳ thủ tục phê duyệt nào hết. Bởi, đây là Tổ quốc, đây quê hương và đây nhà của họ. Họ có quyền và họ cần được hỗ trợ.
Trước mắt, khi các hãng hàng không chưa có các chuyến bay thường lệ thì có thể cho công dân về trên chuyến bay của các hãng hàng không nước ngoài. Người dân chỉ cần có Thẻ xanh Covid và test Covid-19 một lần ở sân bay. Chính sách này cần được quyết sớm vì Tết Nguyên đán sắp đến. Tết mang ý nghĩa đoàn viên, thiêng liêng đối với người Việt trong khi nhiều công dân đã không được đoàn tụ với gia đình từ năm 2020.
Trần Chung
Vietnamnet
|