Chứng khoán toàn cầu lại rớt mạnh, Dow Jones tương lai sụt hơn 550 điểm
Từ châu Á, châu Âu cho tới Mỹ, thị trường chứng khoán các nước đều đang đỏ lửa khi sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron thôi thúc nhiều quốc gia tái áp đặt biện pháp kiểm soát dịch.
Tính tới lúc 17h ngày 20/12 (giờ Việt Nam), chỉ số Stoxx 600 giảm 2.22% vào đầu phiên, trong đó cổ phiếu du lịch và giải trí dẫn đầu đà lao dốc với mức giảm 2.6%. Trong khi đó, chỉ số DAX của Đức sụt 423 điểm (tương đương 2.73%), FTSE MIB lao dốc 708 điểm (tương đương 2.66%), còn CAC giảm 2.02%.
Trước sự gia tăng mạnh về số ca nhiễm Covid-19, Hà Lan đã tiến hành phong tỏa toàn quốc vào ngày 19/12 cho tới giữa tháng 1/2022. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia châu Âu có khả năng họ sẽ áp đặt biện pháp kiểm soát chặt hơn trong dịp lễ Giáng sinh và Tết dương lịch.
Từ ngày 20/12, chỉ người dân Đức và hành khách quá cảnh mới được phép đi từ Anh vào Đức, trong đó tất cả du khách nội địa buộc phải cách ly 14 ngày dù có tiêm vắc-xin hay chưa.
Trong khi đó, Áo chỉ cho phép nhập cảnh đối với du khách đã tiêm vắc-xin từ ngày 20/12.
Dow Jones tương lai sụt 550 điểm
Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ nhuốm sắc đỏ trong phiên giao dịch châu Á ngày 20/12, khi nhà đầu tư tiếp tục vật lộn với sự bùng phát Covid-19 và sự xoay chuyển chính sách tiền tệ của Fed.
Hợp đồng tương lai Dow Jones giảm 550 điểm (1.57%), hợp đồng tương lai S&P 500 và Nasdaq 100 sụt hơn 1.6%.
Tại Mỹ, số ca nhiễm bắt đầu tăng mạnh, với New York ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trong nhiều ngày liên tiếp.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ vừa trải qua giai đoạn giảm điểm trong tuần trước, với S&P 500 sụt 1.9% và Dow Jones hạ 1.7%. Nasdaq Composite lao dốc gần 3% trong tuần trước khi nhà đầu tư bán tháo các cổ phiếu tăng trưởng có định giá quá cao, vì dự báo lãi suất sắp tăng.
“Nhiều thành phần trên thị trường đã rơi vào vùng quá bán”, Adma Crisafulli, nhà sáng lập tại Vital Knowledge, cho biết trong báo cáo. Tuy nhiên, “tâm lý bắt đáy quyết liệt – vốn đã mang lại lãi lớn cho nhà đầu tư trong hơn 1.5 năm qua – diễn ra dựa trên làn sóng bơm gói kích thích, nhưng hãy nhớ làn sóng này đang rút dần”.
Tuần trước, Fed thông báo kế hoạch đẩy nhanh quá trình giảm mua tài sản, đồng thời dự báo nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022.
“Các diễn biến kinh tế và sự thay đổi trong triển vọng kinh tế buộc chính sách tiền tệ phải thay đổi, nhưng vẫn sẽ cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho nền kinh tế”, Chủ tịch Jerome Powell cho biết trong cuộc họp báo sau khi Fed đưa ra tuyên bố.
Nikkei 225 sụt hơn 600 điểm
Chứng khoán Trung Quốc nhuốm sắc đỏ, trong đó Shanghai Composite giảm 1.07% và Shenzhen Component sụt 1.4%. Ở Hồng Kông, chỉ số Hang Seng giảm 447 điểm (tương đương 1.93%).
Ngày 20/12, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hạ lãi suất cho vay chuẩn (LPR) kỳ hạn 1 năm từ mức 3.85% xuống 3.8%, nhưng giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn kỳ hạn 5 năm ở mức 4.65%. Lần gần nhất mà PBoC giảm lãi suất cho vay chuẩn kỳ hạn 1 năm và 5 năm là vào tháng 4/2020, theo dữ liệu từ Wind Information.
Sự thay đổi lãi suất cho vay chuẩn sẽ tác động tới lãi suất đối của các khoản vay doanh nghiệp và hộ gia đình. Tuần trước, NHTW Trung Quốc đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ 2 trong năm 2021.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 607 điểm (tương đương 2.13%), còn Topix sụt 2.06%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1.81%.
Hòa chung vào đà giảm, chỉ số ASX 200 của Australia lùi nhẹ 0.16%. Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 1.51%.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|