Biến thể Omicron làm gia tăng nguy cơ lạm phát trên toàn cầu
Kế hoạch cắt giảm những biện pháp kích thích của các ngân hàng trung ương - nhằm kìm hãm lạm phát - có thể bị cản trở bởi biến thể virus mới.
Theo Bloomberg, sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể tạo ra thách thức đối với các ngân hàng trung ương. Bởi biến thể mới có khả năng đe dọa tăng trưởng kinh tế và gia tăng áp lực lạm phát.
Theo giới quan sát, những hạn chế di chuyển mới có thể làm gia tăng sự mất cân bằng cung - cầu và đẩy giá lên cao, đồng thời làm chệch hướng kế hoạch cắt giảm các gói kích thích kinh tế của ngân hàng trung ương.
Chỉ vài tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết có thể đẩy nhanh việc cắt giảm quy mô của chương trình mua tài sản. Ngân hàng Anh có khả năng sắp tăng lãi suất, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng lên kế hoạch giảm mua trái phiếu khẩn cấp của khu vực đồng euro.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể đe dọa tăng trưởng kinh tế và gia tăng áp lực lạm phát trên toàn thế giới. Ảnh: Reuters.
|
Bất ổn gia tăng
Hôm 29/11, Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng Omicron tạo ra "rủi ro đối với việc làm và tăng trưởng". Cùng với đó là "tình trạng bất ổn gia tăng" của lạm phát.
"Bài toán đối với các ngân hàng trung ương là thời điểm và mức độ nâng lãi suất. Câu hỏi đặt ra là điều này có thể trì hoãn quá trình tái khởi động của nền kinh tế tới mức nào", ông Alex Brazier - chiến lược gia tại Viện đầu tư BlackRock - bình luận.
Các nhà hoạch định có thể đối mặt với nhiều vấn đề hơn khi biến thể mới dẫn đến những hạn chế ở các trung tâm sản xuất như Trung Quốc. Điều này sẽ khiến tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng càng trở nên trầm trọng, đồng thời gia tăng tình trạng thiếu hụt lao động do người lao động không thể trở lại làm việc.
Những vấn đề này có thể tiếp tục thúc đẩy lạm phát. Trong vài tháng qua, giá cả đã tăng cao vì nhu cầu phục hồi mạnh mẽ, trong khi nguồn cung không thể theo kịp.
Bài toán đối với các ngân hàng trung ương là thời điểm và mức độ nâng lãi suất. Câu hỏi đặt ra là điều này có thể trì hoãn quá trình tái khởi động của nền kinh tế tới mức nào.
Ông Alex Brazier, chiến lược gia tại Viện đầu tư BlackRock
|
"Nếu các quốc gia tái áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt, tăng trưởng kinh tế sẽ bị đe dọa. Nhưng mức độ ảnh hưởng không rõ ràng như lạm phát", ông Jordan Rochester - chiến lược gia tại Nomura International Plc - nhận định.
Theo Bloomberg, ngay từ trước khi biến thể mới xuất hiện, tỷ lệ lạm phát đã tăng vọt ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tại Mỹ, giá tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1990. Ở Trung Quốc và Nhật Bản, chỉ số giá sản xuất vượt xa dự báo của giới quan sát.
Theo quan điểm của FED, phần lớn lạm phát được thúc đẩy bởi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng do những hạn chế liên quan đến dịch Covid-19.
Theo các nhà hoạch định chính sách Mỹ, khi đại dịch dịu đi, những vấn đề này sẽ tự được giải quyết, mà không cần đến các biện pháp can thiệp mạnh tay như nâng lãi suất.
Tình hình càng tồi tệ
Nhưng tính đến thời điểm này, "lạm phát nhất thời" đã tồn tại lâu hơn rất nhiều dự báo của FED. Chuỗi cung ứng toàn cầu đang chao đảo vì chi phí tăng cao.
Tình trạng khan hiếm chất bán dẫn đã cản trở hoạt động sản xuất và thu hẹp biên lợi nhuận. Các tập đoàn như Apple Inc. và Amazon.com Inc. gặp khó vì chi phí lao động tăng cao và sản xuất trì trệ.
Hôm 10/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đang thực hiện các bước để kìm hãm lạm phát. "Lạm phát làm tổn hại đến túi tiền của người Mỹ. Việc đảo ngược xu hướng này là ưu tiên hàng đầu đối với tôi", ông nhấn mạnh.
Bức tranh lạm phát đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Hôm 29/11, Đức báo cáo giá cả tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 11. Tây Ban Nha cũng ghi nhận mức tăng chi phí sinh hoạt nhanh nhất trong gần ba thập kỷ.
Một thách thức khác đối với các nhà hoạch định chính sách là so với năm ngoái, họ sẽ có ít dư địa để tung ra những biện pháp kích thích kinh tế hơn.
Ngay từ khi biến thể mới chưa xuất hiện, tình trạng lạm phát tăng cao đã làm chao đảo các nền kinh tế và thị trường trên toàn cầu. Ảnh: Reuters.
|
"Trong trường hợp biến thể mới không gây ra bất cứ tác động tiêu cực nào, FED sẽ tăng tốc kế hoạch cắt giảm quy mô chương trình mua tài sản", ông Mickey Levy - chuyên gia kinh tế tại Berenberg Capital Markets - nhận định.
"Nhưng sự không chắc chắn do biến thể mới gây ra có thể khiến FED trì hoãn kế hoạch", ông nói thêm.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu Luis de Guindos cho rằng “những tác động lên nền kinh tế sẽ ít hơn so với năm ngoái”. Tuy nhiên, theo giới quan sát, sự xuất hiện của biến thể Omicron là một lời cảnh báo đối với nền kinh tế toàn cầu.
"Có một điều chắc chắn là sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu sẽ còn tăng cao hơn nữa. Các nhà kinh tế cần cẩn thận hơn trong việc đưa ra dự báo kinh tế trong năm 2022", ông Subbaraman cảnh báo.
Thảo Phương
ZING
|