Alibaba, Tencent tuột khỏi top 10 công ty vốn hóa lớn nhất thế giới
Trung Quốc không còn đại diện nào trong danh sách này...
Người sáng lập Alibaba Group Holding, Jack Ma, ăn mừng sự kiện niêm yết trên sàn chứng khoán New York vào tháng 9/2014 - Ảnh: Getty Images
|
Theo dữ liệu mới nhất từ QUICK-FactSet, hai “đại gia” công nghệ Trung Quốc Tencent Holdings và Alibaba Group Holding không còn nằm trong danh sách 10 công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới. Theo đó, danh sách này không còn đại diện nào của Trung Quốc.
Trong danh sách năm 2020, Tencent đứng thứ 7 còn Alibaba giữ vị trí thứ 9. Tới tháng 2/2021, Tencent thậm chí thăng hạng lên vị trí thứ 6, trước khi giá cổ phiếu lao dốc 40%.
Tính tới ngày 22/12/2021, Tencent, giao dịch trên sàn chứng khoán Hồng Kông, có vốn hóa 4.250 tỷ USD, là công ty có vốn hóa lớn thứ 11 trên thế giới. Theo sau là Alibaba với vốn hóa 4.247 tỷ USD.
Thống trị top 10 hiện tại là các hãng công nghệ Mỹ gồm Apple, Microsoft và Alphabet với 3 vị trí đầu tiên. Theo sau là hãng dầu khí Saudi Aramco của Saudi Arabia. Amazon và Meta (công ty mẹ Facebook) lần lượt xếp vị trí thứ 5 và thứ 6. Các vị trí còn lại trong top 10 thuộc về hãng chip Nvidia, Berkshire Hathaway và TSMC.
Năm 2007, Chỉ số Shanghai Composite trên sàn chứng khoán Thượng Hải lập kỷ lục mọi thời đại nhờ những kỳ vọng lớn vào nền kinh tế Trung Quốc. Khi đó, Trung Quốc có tới 4 đại diện trong top 10 công ty vốn hóa lớn nhất thế giới. Trong đó, hãng dầu khí PetroChina đứng số 1.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty công nghệ với vốn hóa tăng thần tốc nhờ mô hình kinh doanh mới và được tiếp cận thị trường khổng lồ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bên cạnh căng thẳng với Mỹ, hàng loạt động thái siết quản lý với lĩnh vực công nghệ của Chính phủ Trung Quốc đã “thổi bay” vốn hóa của các hãng công nghệ nước này.
Top 10 công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới không còn đại diện nào của Trung Quốc đại lục - Nguồn: QUICK-FactSet/Nikkei Asia
|
Didi Global, công ty mẹ nền tảng gọi xe lớn nhất Trung Quốc, ngày 3/12 thông báo quyết định hủy niêm yết khỏi Sàn chứng khoán New York – chỉ 5 tháng sau khi lên sàn. Bắc Kinh gần đây liên tục siết chặt giám sát với những công ty niêm yết ở nước ngoài do lo ngại rằng các nhà chức trách sở tại có thể tiếp cận những thông tin nhạy cảm của người dùng Trung Quốc.
Mặt khác, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang gia tăng áp lực với doanh nghiệp Trung Quốc. Tuần trước, Washington thông báo áp cấm vận với hãng sản xuất máy bay không người lái DJI và hàng chục thực thể khác của Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền hoặc có mối liên hệ với quân đội.
“Triển vọng của chứng khoán Trung Quốc phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các động thái ngăn chặn dòng tiền đầu tư chảy vào Trung Quốc của phía Mỹ”, Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Phòng Nghiên cứu Kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, nhận định.
Đức Anh
VnEconomy
|