Tiền mã hóa: Thành tại cộng đồng, mà bại cũng tại cộng đồng
Với cộng đồng tiền mã hóa, hơn một tháng qua là giai đoạn hoàng kim với hàng loạt thông tin tốt nối tiếp nhau.
Khi tiền mã hóa trở thành “dòng chính” trong giới đầu tư
Quỹ ETF Bitcoin đầu tiên chính thức ở Mỹ ra mắt trên sàn NYSE. Tân thị trưởng New York nhận lương bằng bitcoin. Trường kinh doanh nổi tiếng thế giới Wharton nhận học phí bằng bitcoin. Commonwealth Bank, một trong những ngân hàng lớn nhất của Úc cung cấp nền tảng đầu tư tiền mã hóa cho hơn 6,5 triệu người dùng của nước này.
Với cộng đồng tiền mã hóa (crypto currencies), hơn một tháng qua là giai đoạn hoàng kim với hàng loạt thông tin tốt nối tiếp nhau. Dòng tiền chính thống đổ vào mạnh trên nhiều phương diện. Quỹ đầu tư ETF Bitcoin đầu tiên ở Mỹ là quỹ ETF có lượng giao dịch ngày đầu tiên lớn thứ hai trong lịch sử với gần 1 tỉ đô la Mỹ.
Đối với giới quản lý tài sản trên thế giới, làn gió mới thật sự là khi các quỹ hưu trí vốn rất thận trọng cũng sở hữu tiền mã hóa trong danh mục đầu tư một cách trực tiếp hay gián tiếp. Tiêu biểu là một trong những quỹ hưu trí lớn nhất của Úc Queensland Investment Corporation đã “đầu tư một khoản nhỏ” vào tiền mã hóa từ giữa tháng 10 vừa rồi. Đây là động thái tiếp theo sau khi một vài quỹ hưu trí ở Mỹ và quỹ hưu trí lớn thứ hai của Canada đầu tư vào lĩnh vực tiền mã hóa.
Sự tin cậy và lớn mạnh của một cộng đồng người chấp nhận, sử dụng, và quảng bá quyết định sự thành bại của một đồng tiền mã hóa.
|
Với cả những người vẫn nghi ngờ về tiền mã hóa, họ cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi. Jamie Dimon, CEO và Chủ tịch của Ngân hàng JPMorgan Chase là một người như vậy. Một mặt, ngân hàng này mở các dịch vụ mua bán và lưu giữ tiền mã hóa cho khách hàng. Mặt khác, những người theo dõi tin tức tài chính quốc tế cũng biết rằng ông Jamie là người luôn nghi ngờ bitcoin, và thường xuyên bảo rằng nó không đáng giá gì. Ông ví von nó như thuốc lá, không có lợi nhưng “khách hàng của tôi muốn sở hữu nó”.
Khi người nghi ngờ cũng nhảy lên tàu vì sợ nhỡ một chuyến tàu kiếm tiền, con tàu càng lướt càng nhanh. Giá nhiều đồng tiền mã hóa chủ chốt như bitcoin, ETH tăng bằng lần, còn những đồng nhỏ hơn có đồng tăng vài trăm lần. Những đồng vốn hóa cực nhỏ thì không cần nói, có người đùa là nhiều số 0 quá, đếm không nổi. Cá biệt, có đồng từ vốn hóa nhỏ như Shiba Inu tăng 40 triệu phần trăm (40.000.000%!) lên hẳn trong số 11 đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn nhất thị trường trong cái lắc đầu của cả những dân chơi tiền mã hóa kỳ cựu.
Dường như chuỗi tin tốt đối với tiền mã hóa đang liên tục, với hầu như mỗi ngày là một tin mới về việc một tổ chức nào đó của thế giới thực chấp nhận tiền mã hóa, đầu tư vào tiền mã hóa hay những ứng dụng có liên quan.
Nếu kết hợp tiền mã hóa với một thế giới liên quan mật thiết với nó là NFT (Non-fungible token), thì có thể nói từ tháng 6 trở lại đây, có một sự bùng nổ về một nền kinh tế không gian mạng với sự vận hành của tiền mã hóa, chơi game NFT (NFT gaming), và các sản phẩm NFT khác (gần nhất là Nike đã theo gót các thương hiệu thời trang đình đám khác để “bán đồ mã hóa” thương hiệu Nike giá trên trời).
Có một mối liên hệ hữu cơ giữa các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực “đồ mã hóa”, từ chơi game tới khái niệm metaverse mà ông chủ Facebook (đã đổi tên công ty thành Meta) đang tích cực lăng xê. Các ông bà chủ của các công ty khởi nghiệp này nhận được chục triệu đô la Mỹ đầu tư thì đã đem một phần tiền để “cắm” vào các nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi), các đồng crypto rồi lại lấy đó chiêu dụ nhân tài đam mê thế giới này gia nhập.
Rất nhiều người thành đạt từ lĩnh vực chứng khoán, bất động sản ở Việt Nam trước nay thờ ơ với tiền mã hóa cũng nhảy vào lĩnh vực này. Từ tháng 6 đến nay, tôi đã phải làm người hướng dẫn bất đắc dĩ cho hơn 10 người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, thậm chí đang giữ những vị trí lãnh đạo cao của một số tập đoàn lớn trong nước để tìm hiểu về thế giới này và rất nhiều người trong số họ đã bỏ cả tỉ đồng ra “chơi thử”.
Những quỹ đầu tư hoạt động trong lĩnh vực “cày game NFT”, đầu tư tiền số, DeFi… do chính những bạn trẻ có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính mở ra đã thu hút được nhiều khoản đầu tư lớn. Có những tổ chức chỉ thành lập mấy tháng mà đã vượt mốc vài ngàn thành viên và đã thu hút được gần triệu đô la Mỹ tiền đầu tư.
Cái gì “nóng” thì có lừa đảo
Dường như mọi việc đang suôn sẻ với giới đầu tư tiền số?
Không hoàn toàn. Câu chuyện của đồng Squid Game mà dân trong nghề gọi là “bể hụi”, tiền số về 0 chỉ trong tích tắc là một cảnh báo. Và rủi thay, rất nhiều người mất tiền đã “nướng” vào đó tiền tiết kiệm của cả đời. Tờ CNBC kể rằng có người ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã bỏ toàn bộ tiền tiết kiệm cả đời trị giá 28.000 đô la Mỹ vào đó.
Nếu mọi thứ là minh bạch như vậy thì lấy đâu ra những sự cố lừa đảo và những vụ rút tiền bỏ trốn kiểu rug pull? Hợp đồng thông minh hóa ra cũng không thông minh lắm khi có nhiều lỗi bị hacker lợi dụng đánh cắp tiền của nhà đầu tư dự án.
|
Tận dụng đợt tăng giá mạnh của Shiba Inu và việc tuyên truyền khái niệm các tổ chức tự quản trị và phi tập trung DAO (Decentralized Autonomous Organization), điều mà một số công ty tư vấn toàn cầu lẫn một số học giả đang hô hào sẽ trở thành hình mẫu công ty mới, một dự án là AnubisDAO đã ra đời. Sử dụng hình ảnh Shiba Inu và khái niệm DAO, dự án này đã lừa 60 triệu đô la Mỹ của những người bỏ tiền vào dự án.
Đây là thứ mà dân trong nghề gọi là “rug pull”, nghĩa là một số người sáng lập dự án lừa các thành viên tham gia bỏ tiền vào một dự án tài chính phi tập trung nào đó, hứa hẹn an toàn, bảo mật và tự động, rồi một ngày đẹp trời họ thấy tiền mình biến mất.
Điều đáng nói là có nhiều người đã mất tất cả tiền tiết kiệm vào cuộc chơi này, như người ở Thượng Hải kể trên đã mất hết tiền tiết kiệm vào canh bạc đồng Squid Game.
Một nhà đầu tư là Brian Nguyen đã kể với CNBC rằng anh bị mất khoản đầu tư trị giá gần 470.000 đô la Mỹ vào AnubisDAO. Điều thú vị là anh cho rằng trong thế giới tiền mã hóa, nhà đầu tư thường chọn cách “mua trước, nghiên cứu sau” (buy first, do research later). Đây chắc hẳn không phải cách làm của nhiều nhà đầu tư tiền mã hóa mà tôi biết, nhưng không thể phủ nhận một số trong cộng đồng này có cách làm như vậy.
Tham gia các cộng đồng tiền mã hóa, xem các đồng được cho là “sẽ nổi”, rồi mua trước khi điều tra xem dự án đó như thế nào. Trong trường hợp của AnubisDAO, kẻ lừa đảo còn không buồn mở một trang web, mà chỉ dựa vào các công cụ mạng xã hội như Discord và Twitter.
Thành tại cộng đồng, mà bại cũng tại cộng đồng
Năm 2019, tôi có dịp đọc được một nghiên cứu của Siddharth Bhambhwani của Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST) và đồng sự về các yếu tố ảnh hưởng đến các đồng tiền mã hóa có thể “đào” được. Bài nghiên cứu thực nghiệm này cho thấy rằng đó là năng lực tính toán và “cộng đồng” (network) – được đo lường bằng số người tham gia dự án (có thể là sở hữu, tham gia “đào”, thảo luận trên các cộng đồng mạng xã hội).
Đây là một trong những nghiên cứu bài bản đầu tiên tôi đọc nhắc đến khái niệm gần nhất với giới “chơi coin” từ 10 năm trước đã nhận ra. Sự tin cậy và lớn mạnh của một cộng đồng người chấp nhận, sử dụng, và quảng bá quyết định sự thành bại của một đồng tiền mã hóa.
Và công thức thành công nhờ cộng đồng này được áp dụng bài bản hơn bao giờ hết trong các dự án tiền mã hóa mới. Mở một tài khoản Discord, Telegram để quảng bá dự án, thúc đẩy trên Twitter, Facebook là điều cốt lõi mà dự án tiền mã hóa, NFT đều đang làm. Nó thậm chí còn quan trọng hơn đầu tư vào nền tảng công nghệ cốt lõi đằng sau.
Trong một vài dịp đánh giá một số dự án tiền mã hóa hoặc trò chơi NFT đang gọi vốn, tôi và vài người bạn mỉm cười khi nghe một vài nhà sáng lập cho biết sẽ dùng chủ yếu tiền để đầu tư vào việc “tạo cộng đồng mạnh” và do đó sẽ khiến dự án của họ “nổi”, nhiều tiền sẽ đổ vào, thay vì tập trung vào đầu tư cho mảng “bếp núc” đằng sau là nền tảng công nghệ và mô hình kinh doanh. Chúng tôi không đầu tư cho những dự án như vậy vì không phù hợp với tiêu chí của nhóm, nhưng chúng tôi biết có một số quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực tiền mã hóa chuyên rót vốn vào những dự án có cách làm “đánh nhanh, thắng nhanh” như vậy.
Và không khó nhận ra một trong những vị trí được tuyển dụng phổ biến nhất với hứa hẹn lương thưởng hấp dẫn trong lĩnh vực tiền mã hóa được đăng trên cộng đồng chính là những vị trí liên quan đến việc tạo lập, chăm sóc cộng đồng.
Ở khía cạnh nào đó, thế giới đầu tư tiền mã hóa dường như đang có một công thức là tạo dự án dựa vào một cái gì nghe hay hay, một khái niệm đang nổi nhưng lại đủ mờ ảo và nhiều người không hiểu rõ (mà bạn tôi gọi là yếu tố dễ gây nhầm lẫn, “confusing factor”), ví dụ thế giới siêu thực metaverse, trò chơi trên nền tảng blockchain, các nội dung được số hóa gắn với NFT…, rồi sau đó tạo cộng đồng, thực hiện nhiều vòng bán token của dự án và cứ thế mọi thứ lại quay vòng, có khi tạo ra một dự án phụ hay một dự án khác.
Một công thức chế tạo ngôi sao, tạo cộng đồng người hâm mộ và hy vọng nó thành công. Còn tệ hơn nữa là ngay từ đầu những người tạo ra dự án đã định lừa người khác. Một cách nào đó, thế giới tiền mã hóa đang là một thế giới showbiz của cộng đồng những người lớn lên với mạng xã hội, với trò chơi điện tử, và trong đó có nhiều thế hệ, mà tôi có lẽ trong thế hệ đời đầu 8X. Thế hệ những người mới sau này đang dẫn dắt cuộc chơi với một cách làm cộng đồng khác, hiệu quả hơn, nhanh hơn, và tất nhiên độ rủi ro cũng cao hơn.
Cộng đồng mới và khoảng trống pháp lý cần được quan tâm
Đây có thể là một sự phản hồi của một thế hệ mới lại với tình trạng bất bình đẳng về tài sản trong xã hội. Giới trẻ tay trắng mới khởi nghiệp không thể nào bắt kịp những đại địa chủ với nhà đất bạt ngàn, hay những người sở hữu cổ phiếu với quy mô vài trăm, vài ngàn tỉ đồng trước họ. Với vài chục triệu hay vài trăm triệu đồng trong tay, thế giới tiền mã hóa là một cộng đồng mà họ có thể vừa kiếm tiền vừa chia sẻ những gì mình nghĩ với những người có cùng sở thích, quan điểm.
Một thế hệ mới, với những mối quan tâm khác, góc nhìn khác và cộng đồng riêng của mình, cũng giống như những người trong thế hệ trước có cộng đồng đánh golf, bàn chuyện trong những bữa ăn. Người trẻ cảm thấy đầu tư cổ phiếu vào các công ty là chuyện của những người có quan hệ, có tin nội bộ, còn họ cảm thấy đầu tư vào tiền mã hóa minh bạch hơn, có thể nhìn thấy những di chuyển dòng tiền trên blockchain của dự án, có những hợp đồng thông minh, và có những trao đổi công khai trên cộng đồng.
Thế nhưng nếu mọi thứ là minh bạch như vậy thì lấy đâu ra những sự cố lừa đảo và những vụ rút tiền bỏ trốn kiểu rug pull? Hợp đồng thông minh hóa ra cũng không thông minh lắm khi có nhiều lỗi bị hacker lợi dụng đánh cắp tiền của nhà đầu tư dự án.
Bất cứ thế giới đầu tư nào cũng vậy mà thôi. Chỉ là người tham gia vào một cộng đồng thì sẽ ra sức bảo vệ cộng đồng của mình.
Và như vậy, muốn hiểu được tiềm năng của một dự án tiền mã hóa, NFT hay bất cứ cái gì có liên quan, phải hiểu được cộng đồng của dự án đó. Mà để một nhà đầu tư lão luyện và lâu năm của thế hệ trước hiểu được ngôn ngữ và suy nghĩ của một cộng đồng trẻ trên Discord hay Telegram là một điều không đơn giản. Giống như một người luôn bài xích chơi game mà phải đầu tư vào nền tảng game tỉ đô Axie Infinity thì là một cái gì đó không phù hợp. Nếu chạy theo trào lưu mà không thật sự là một phần của nó thì sẽ rất khó thành công.
Nói cách khác, muốn tồn tại được trong cuộc chơi tiền mã hóa này, cũng như nhà đất hay cổ phiếu, phải hòa nhập thành công và dấn thân vào cộng đồng của nó. Nếu không phù hợp thì tốt hơn vẫn là nên tìm một tổ chức chuyên nghiệp quản lý tài sản tiền mã hóa cho mình và bỏ một ít tiền vào đó theo kiểu đa dạng hóa danh mục.
Đến đây thì xuất hiện một nhu cầu có thực: cần có những tổ chức chuyên nghiệp quản lý tài sản tiền mã hóa. Đây là một khoảng trống về luật cần được lấp đầy. Đang có những hợp đồng ủy thác đầu tư tiền mã hóa được ký kết mà tính pháp lý của nó là một câu hỏi. Người ta vẫn đang vận hành hệ thống này dựa trên niềm tin là chính.
(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh
Hồ Quốc Tuấn
TBKTSG
|