Lạm phát cao thôi thúc nhà đầu tư tìm tới các tài sản rủi ro cao
Sự sốt sắng dành cho những tài sản rủi ro trên thị trường đã đẩy các chỉ số chứng khoán và tiền kỹ thuật số lên kỷ lục mới. Các thành phần tham gia thị trường cho rằng yếu tố chính đằng sau đó là đà tăng mạnh của lạm phát và sự kém hấp dẫn của trái phiếu Chính phủ.
Tuần trước, lợi suất thực – loại trừ lạm phát – chạm tới một trong những mức thấp nhất trong lịch sử. Một thước đo về lợi suất thực, trái phiếu bảo vệ lạm phát kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức 1.2%, theo Tradeweb.
Về cơ bản, với lợi suất thực âm, sức mua của phần tiền đã bỏ vào trái phiếu sẽ giảm dần trong suốt vòng đời của các trái phiếu đó.
Lợi suất thực đã giảm vì nhiều yếu tố như lạm phát Mỹ cao nhất trong 30 năm, lợi suất danh nghĩa của trái phiếu chỉ tăng nhẹ khi các NHTW tại các thị trường phát triển chưa muốn nâng lãi suất.
Triển vọng lợi suất âm của các trái phiếu phòng ngừa lạm phát đã đẩy nhà đầu tư tìm tới các tài sản rủi ro hơn.
“Giữa bối cảnh lợi suất trái phiếu âm, lợi suất càng thấp, càng thúc đẩy tình trạng đầu cơ”, Lorenzo Di Mattia, Giám đốc đầu tư tại quỹ phòng hộ Sibilla Capital, cho hay. Khi tiền mặt bị lạm phát bào mòn sức mua, nhà đầu tư càng có thêm động cơ để tìm kiếm lợi suất cao hơn, ông nói.
Một trong những dấu hiệu về tình trạng đầu cơ là đà nhảy vọt 29% của startup xe điện Rivian Automotive trong phiên chào sàn chứng khoán ngày 06/11. Cổ phiếu này tiếp tục tăng trong 2 ngày kế đó và vốn hóa hiện còn lơn hơn cả một trong những cổ đông chủ chốt của Rivian – Ford Motor, mặc dù startup này chỉ mới bắt đầu giao xe trong tháng 9/2021.
Các đồng tiền kỹ thuật số tăng vọt. Bitcoin chạm kỷ lục trong ngày 05/11 ở mức gần 69,000 USD. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán chính trên Phố Wall suy giảm trong tuần trước, chỉ cách 2% so với mức cao nhất mọi thời đại.
Lạm phát là mối quan ngại chính trên thị trường trong vài tháng gần đây, khi nhà đầu tư lẫn chuyên viên phân tích đang tự hỏi liệu tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động có phải chỉ tồn tại trong thời gian ngắn hay không.
Các NHTW ở thị trường phát triển tiếp tục khẳng định rằng đà tăng của lạm phát chỉ tạm thời. Các quan chức Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ thấp khả năng nâng lãi suất trong vài tuần gần đây. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng cho biết khả năng nâng lãi suất vào năm 2022 rất thấp.
Lợi suất thực của trái phiếu Đức giảm xuống mức âm 2.2%, gần mức thấp kỷ lục.
Shaniel Ramjee, Chuyên gia quản lý quỹ tại Pictet Asset Management, đã mua mạnh các cổ phiếu tăng trưởng như các công ty về công nghệ xanh và chấp nhận thêm rủi ro khi mua các cổ phiếu vốn hóa nhỏ.
“Lợi suất thực âm đã khuyến khích tâm lý chấp nhận thêm rủi ro”, ông Ramjee cho biết. Khi lạm phát ngày càng bào mòn giá trị của danh mục, nhà đầu tư rót vốn vào các khoản đầu tư rủi ro hơn với tỷ suất sinh lời tiềm năng cao hơn để bù đắp cho lạm phát, ông nói. “Tôi thực sự nghĩ lạm phát là yếu tố thúc đẩy đà tăng gần đây của chứng khoán”.
Khi lợi suất thực suy giảm, cổ phiếu công nghệ - vốn có triển vọng tăng trưởng trong tương lai - hưởng lợi nhiều nhất. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng khoảng 10% trong tháng qua, gần gấp đôi mức tăng của chỉ số Dow Jones - vốn đặt tỷ trọng cao cho các công ty tài chính và công nghiệp truyền thống.
Đối với các đồng tiền kỹ thuật số, thành tích của chúng trong môi trường lạm phát cao thật sự không rõ ràng. Nhà đầu tư và chuyên viên phân tích tỏ ra bất đồng: Liệu giá trị của tiền kỹ thuật số đến từ phần rủi ro nhà đầu tư nhận thêm hay vai trò kênh phòng ngừa lạm phát. Trước đó trong năm nay, Bitcoin bị bán tháo giữa lúc lo ngại về lạm phát ngày càng tăng.
“Môi trường lợi suất thấp hơn và tâm lý chấp nhận rủi ro gia tăng thật sự có lợi cho tiền kỹ thuật số”, Joel Kruger, Chiến lược gia tiền tệ tại sàn giao dịch tiền tệ lẫn tiền ảo LMAX Group, cho hay. Tuy nhiên, nếu lạm phát tăng tới điểm mà Fed cần phải nâng lãi suất, giảm bớt tín dụng cho nền kinh tế, điều này có thể tác động tới tâm lý chấp nhận rủi ro nói chung, ông nói.
Vũ Hạo (Theo WSJ)
FILI
|