Dầu giảm nhẹ khi đồng USD mạnh hơn
Giá dầu ổn định giảm vài xu vào ngày thứ Năm (11/11), khi thị trường đối mặt với đà tăng của đồng USD cùng với lo ngại về sự gia tăng lạm phát tại Mỹ, và sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hạ dự báo nhu cầu dầu trong năm 2021 do giá cả leo cao.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent lùi 8 xu xuống 82.56 USD/thùng, sau khi giảm trước đó xuống 81.66 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 2 x còn 81.32 USD/thùng sau khi chạm mức đáy trong phiên là 80.20 USD/thùng.
Vào ngày 10/11, dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ trong tháng 10 vọt 6.2% so cùng kỳ năm ngoái, tốc độ nhanh nhất trong 30 năm, phần lớn do giá năng lượng leo thang. Kỳ vọng rằng dữ liệu sẽ thúc đẩy Mỹ nâng lãi suất đã đưa đồng USD tăng cao và khiến dàu Brent và dầu WTI lần lượt giảm 2.5% và 3.3%.
Vào ngày thứ Năm, đồng USD tăng lên gần mức đỉnh 16 tháng so với đồng Euro và các đồng tiền khác do kỳ vọng vào việc nâng lãi suất.
Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch and Associates LLC, nhận định: “Giao dịch dầu vào ngày hôm nay cho thấy xu hướng đồng USD có thể sẽ được ưu tiên hơn so với khẩu vị rủi ro trong tương lai”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã yêu cầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC) làm việc để giảm chi phí năng lượng và Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) để đẩy lùi hành vi thao túng thị trường trong lĩnh vực năng lượng trong một nỗ lực làm giảm lạm phát.
OPEC cho biết trong một báo cáo định kỳ hàng tháng, dự kiến nhu cầu dầu trung bình đạt 99.49 triêu thùng/ngày trong quý 4/2021, giảm 330,000 thùng/ngày so với dự báo tháng trước.
“Tốc độ phục hồi chậm lại trong quý 4/2021 hiện được cho là do giá năng lượng tăng cao”, OPEC cho biết trong báo cáo, cũng cho hay nhu cầu suy giảm ở Trung Quốc và Ấn Độ.
OPEC nhận thấy mức tiêu thụ thế giới sẽ vượt mốc 100 triệu thùng/ngày trong quý 3/2022, chậm hơn 3 tháng so với dự báo hồi tháng trước. Tổ chức này cho biết sự bất định về nhu cầu là lý do chính khiến họ không nâng nguồn cung để đáp ứng lời kêu gọi bơm thêm dầu nhiều hơn từ Mỹ.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|