Rà soát, chấn chỉnh để thị trường đi tiếp quỹ đạo an toàn, minh bạch
Mặc dù cho thấy nhiều chuyển biến tích cực, nhưng để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển vẫn còn nhiều việc phải làm. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai nhiều giải pháp để thị trường này minh bạch, an toàn, bền vững hơn. Đây là chia sẻ của ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi trao đổi với chúng tôi về một số vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
PV: Thưa ông, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã cho thấy sự tăng trưởng tích cực, nhưng cũng là một chủ đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông có thể cho biết đánh giá của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về thị trường này?
Ông Trần Văn Dũng: Thị trường TPDN đã có sự phát triển khá tích cực trong những năm gần đây, khi khối lượng phát hành thành công và chất lượng phát hành cũng có sự chuyển biến theo chiều hướng tốt hơn. Điều đó cho thấy thị trường TPDN đang dần chứng minh được vai trò huy động vốn cho DN, đồng thời cũng là một kênh đầu tư hiệu quả được nhiều nhà đầu tư (NĐT) quan tâm.
Ông Trần Văn Dũng
|
Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật DN năm 2020; tiếp đó là Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (NĐ 153) và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP (NĐ 155) đã được ban hành, tạo ra khung khổ pháp lý đồng bộ cho phát hành TPDN, trong đó quy định chỉ NĐT chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ, trái phiếu phát hành ra công chúng phải được UBCKNN cấp giấy đăng ký chào bán và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm theo lộ trình.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 9 tháng năm 2021, khối lượng TPDN riêng lẻ tăng, đạt 357.000 tỷ đồng (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020); khối lượng phát hành TPDN ra công chúng là 17.375 tỷ đồng. Cùng với đó, lãi suất phát hành TPDN riêng lẻ cũng có chiều hướng giảm và có sự tham gia tích cực hơn của các NĐT tổ chức, NĐT chứng khoán chuyên nghiệp.
Chúng tôi cho rằng, đó là những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thị trường TPDN cũng đã bộc lộ một số vấn đề cần tăng cường sự giám sát, quản lý của nhiều cơ quan nhà nước, cũng như tính tuân thủ của tổ chức phát hành, tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ và NĐT trên thị trường.
PV: Thị trường TPDN đã có những chuyển biến tích cực, nhưng rõ ràng cũng đang tồn tại không ít vấn đề cần tăng cường quản lý, giám sát. Vậy thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước đã có biện pháp gì, thưa ông?
Ông Trần Văn Dũng: Việc nâng cao chất lượng phát hành, tăng tính minh bạch, công khai, bền vững của thị trường TPDN là vấn đề được Lãnh đạo Bộ Tài chính đặt ra và đặc biệt quan tâm. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Lãnh đạo Bộ, UBCKNN, Vụ Tài chính ngân hàng, cùng các đơn vị hữu quan của ngành Tài chính đã có nhiều biện pháp đối với thị trường TPDN. Mục tiêu của cơ quan quản lý là phải có giải pháp phù hợp để vừa tăng quy mô, tăng chất lượng phát triển của thị trường TPDN; vừa đảm bảo tính minh bạch, an toàn và bảo vệ các chủ thể tham gia thị trường.
Theo đó, như đã chia sẻ ở trên, thời gian qua, các quy định pháp lý đã liên tục được hoàn thiện, trong đó, việc tách bạch điều kiện phát hành, các quy định liên quan giữa TPDN phát hành ra công chúng và TPDN riêng lẻ đã cho thấy hiệu quả bước đầu.
Đối với TPDN phát hành ra công chúng, theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019 và NĐ 153, NĐ 155, UBCKNN có thẩm quyền xét duyệt hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng của tổ chức phát hành; đồng thời, thực hiện giám sát nghĩa vụ thực hiện báo cáo và công bố thông tin về hoạt động chào bán, niêm yết, đăng ký giao dịch và báo cáo sử dụng vốn. Do đó, đối với hình thức này, tính an toàn của trái phiếu phát hành cao hơn và thực tế cũng đang cho thấy sự quan tâm của NĐT nhiều hơn.
Đối với TPDN phát hành riêng lẻ, hiện nay, theo quy định tại Nghị định 153, UBCKNN sẽ quản lý, giám sát công ty chứng khoán trong việc cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán TPDN phát hành riêng lẻ. Đồng thời, trên cơ sở giám sát của Sở Giao dịch chứng khoán, UBCKNN sẽ tiếp nhận và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ theo quy định.
Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, các đơn vị chức năng và UBCKNN đã chủ động tuyên truyền về tình hình thị trường, đồng thời liên tục thông tin cảnh báo để các chủ thể tham gia thị trường tuân thủ nghiêm các quy định, cũng như nghiên cứu kỹ càng lợi ích và rủi ro trước khi tham gia.
Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu tăng trường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành trái phiếu DN, cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ về TPDN. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng, UBCKNN đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, lập các đoàn kiểm tra đột xuất các tổ chức kinh doanh chứng khoán có thị phần cung cấp dịch vụ TPDN lớn và một số tổ chức phát hành. Riêng với các công ty chứng khoán, UBCKNN trước đó cũng đã có công văn yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về cung cấp dịch vụ, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện quy định về NĐT chứng khoán chuyên nghiệp và chào mời mua TPDN đúng đối tượng. Chúng tôi hy vọng qua đợt kiểm tra này sẽ có thêm nhiều thông tin để đánh giá thực trạng, kiến nghị các giải pháp phù hợp để củng cố, phát triển thị trường TPDN một cách minh bạch, an toàn và bền vững hơn.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường TPDN tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Ông có thể cho biết, đâu là giải pháp để Nhà nước vừa quản lý chặt chẽ, nhưng vừa tạo được động lực cho thị trường phát triển an toàn, bền vững?
Ông Trần Văn Dũng: Chúng ta đều biết rằng, một thị trường vốn bền vững và hiệu quả cần có một cơ cấu hợp lý giữa thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, giữa thị trường vốn dài hạn với thị trường vốn ngắn hạn. Hiện tại, thị trường tín dụng và vốn hóa thị trường cổ phiếu đều có quy mô trên 100% GDP, còn quy mô thị trường TPDN vẫn còn thấp, nên chúng tôi đánh giá vẫn còn nhiều tiềm năng và sẽ duy trì tăng trưởng tích cực trong thời gian tới. Do vậy, để thị trường này phát triển ổn định, bền vững, trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả, an toàn, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, trong thời gian tới, UBCKNN sẽ phối hợp với Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng, các sở giao dịch chứng khoán,… sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo đó, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát các quy định, kết hợp với thực tiễn phát triển của doanh nghiệp để báo cáo, đề xuất Bộ, Chính phủ kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho DN phát hành, đồng thời cũng tạo khuôn khổ pháp lý để quản lý việc phát hành, quy định TPDN được chặt chẽ hơn và hướng đến việc tổ chức một thị trường TPDN chuyên biệt.
Như đã chia sẻ, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, với vai trò và chức năng của mình, UBCKNN đã, đang và sẽ phối hợp với nhiều đơn vị chức năng tổ chức nhiều đoàn kiểm tra về vấn đề này. Hiện tại, các đoàn kiểm tra vẫn đang làm việc tại các DN. Chúng tôi cũng đã quán triệt tinh thần chỉ đạo là tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường.
Mặt khác, để tăng tính công khai, minh bạch và tăng cường quản lý, giám sát hoạt động giao dịch thứ cấp TPDN riêng lẻ, dưới sự chỉ đạo của Bộ, UBCKNN đang phối hợp với các đơn vị khẩn trương xây dựng Thông tư và chuẩn bị thiết lập thị trường TPDN riêng lẻ cho NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, đồng thời nâng cấp chuyên trang thông tin về TPDN.
Bên cạnh đó, thị trường TPDN vẫn còn khá mới và đang phát triển mạnh ở Việt Nam, do đó, các cơ quan quản lý cũng sẽ tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền tới NĐT, đặc biệt là NĐT cá nhân về các rủi ro có thể gặp phải trên thị trường TPDN, để NĐT có thể cân tính được lợi ích – rủi ro khi tham gia.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thêm động lực để thị trường phát triển
“Chúng tôi cũng vui mừng nhận thấy, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này, sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành liên quan cũng được tăng cường và hiệu quả hơn. Bộ Tài chính cũng đang chỉ đạo quyết liệt để sớm hình thành hệ thống công ty định mức tín nhiệm cho chất lượng. Đây sẽ là những động lực quan trọng để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn tới”. - Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
|
Duy Thái
TBTCVN
|