Những con số 'biết nói' trong chuyến công du Anh, Pháp của Thủ tướng
Gần 60 bản ghi nhớ với giá trị hơn 30 tỷ USD đã được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với Vương quốc Anh và Pháp trong chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
“Đây là kết quả ấn tượng của các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong chuyến đi”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn báo chí sau chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Vương quốc Anh và Pháp.
Theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, đây là chuyến đi mang lại nhiều kết quả và ý nghĩa.
Cam kết mạnh mẽ về ứng phó biến đổi khí hậu
- Với sự tham gia của 120 nguyên thủ, thủ tướng các nước cùng 36.000 đại biểu, COP26 là diễn đàn quốc tế rất lớn. Việc đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tham gia sự kiện này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
- COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu) là sự kiện quốc tế lớn quan trọng hàng đầu, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn cầu.
Hội nghị đã thu hút sự tham gia của gần 200 quốc gia thành viên, trong đó có 120 nguyên thủ và thủ tướng các nước cùng khoảng 36.000 đại biểu. Chính vì vậy, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam tham gia hội nghị mang nhiều ý nghĩa quan trọng và đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng. Ảnh: Báo Quốc tế.
|
Đây là bước triển khai cụ thể ở cấp cao chủ trương, đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Với việc tham gia COP26, Việt Nam tái khẳng định thông điệp mạnh mẽ về sự trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý thách thức toàn cầu là biến đổi khí hậu.
Với thông điệp từ phát biểu của Thủ tướng, đặc biệt là cam kết liên quan đến việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, cộng đồng quốc tế thấy rõ hơn chủ trương, quyết tâm, nỗ lực và cam kết chính trị của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Lãnh đạo các nước coi Việt Nam là hình mẫu về một nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu trong ứng phó với biến đổi khí hậu
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng
|
Lãnh đạo các nước cũng coi Việt Nam là hình mẫu về một nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu về lĩnh vực này. Các đề xuất của Thủ tướng được nhiều nước hoan nghênh, ủng hộ, mở ra nhiều cơ hội tăng cường hợp tác về tài chính, chuyển giao công nghệ với các nước.
Hơn nữa, sau gần 2 năm dịch bệnh làm ảnh hưởng đến các hoạt động đối ngoại và giao lưu quốc tế, nhân dịp tham dự COP26, Thủ tướng và đoàn Việt Nam đã có hơn 20 cuộc gặp, tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao các nước ở tất cả châu lục, trong đó có đối tác chiến lược, đối tác lớn và lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế, năng lượng mới, môi trường...
Sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 tái khẳng định thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm, sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong tham gia xử lý thách thức toàn cầu là biến đổi khí hậu. Ảnh: Reuters.
|
Đây cũng là dịp chúng ta triển khai ngoại giao vaccine, ngoại giao y tế, vận động thu hút nguồn lực phục vụ phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, xanh, tăng cường khả năng chống chịu.
Nhiều kết quả nổi bật
- Với lịch trình dày đặc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Vương quốc Anh cũng như chuyến thăm chính thức Pháp, theo ông đâu là những kết quả nổi bật đã đạt được?
- Vương quốc Anh và Pháp đã dành cho Thủ tướng cùng Đoàn Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, nồng hậu. Dù phải tập trung cao cho Hội nghị COP26, tiếp đón hàng trăm nguyên thủ, cả Hoàng gia và Chính phủ Anh đều coi trọng sự tham dự của Việt Nam.
Thủ tướng Boris Johnson, Thái tử Charles, Thủ hiến ba vùng Scotland, Wales và Bắc Ireland đều dành thời gian, kể cả ngày nghỉ, để hội kiến và tiếp xúc riêng với Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng các lãnh đạo cấp cao của Pháp dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính sự tiếp đón trọng thị và nồng hậu. Ảnh: TTXVN.
|
Pháp dành cho Thủ tướng và Đoàn Việt Nam các nghi lễ hơn cả thông lệ, trọng thị và rất thân tình: Cả Tổng thống, Thủ tướng hội đàm và chiêu đãi trọng thể, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Thượng viện đều hội kiến với Thủ tướng.
Kết quả ấn tượng của hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong chuyến đi là với sự chứng kiến của Thủ tướng, gần 60 bản ghi nhớ hợp tác đã được doanh nghiệp Việt Nam và các nước thoả thuận, tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến hơn 30 tỷ USD.
Hợp tác này tập trung trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, kinh tế số, chuyển đổi số, môi trường, phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch, công nghiệp hàng không vũ trụ, y tế và phòng chống dịch, giáo dục, nông nghiệp, du lịch… là những định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của Việt Nam.
Gần 450 doanh nghiệp hàng đầu của Anh, Pháp và châu Âu tham dự trực tiếp và trực tuyến 2 diễn đàn doanh nghiệp ở Anh và Pháp bày tỏ được khích lệ bởi thông điệp của Thủ tướng là Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh dài hạn ở Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Pháp Jean Castex chứng kiến VietJet và Safran ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá 10 tỷ USD. Ảnh: TTXVN.
|
Lãnh đạo các tập đoàn cảm ơn Chính phủ đã có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất trước tác động của Covid-19. Họ khẳng định cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, dành các nguồn vốn và công nghệ cao để đồng hành với Việt Nam đưa kinh tế khởi sắc và đón bắt các xu thế phát triển mới.
Với sự chứng kiến của Thủ tướng, gần 60 thỏa thuận hợp tác đã được doanh nghiệp Việt Nam và các nước ký kết với tổng giá trị đầu tư hơn 30 tỷ USD
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng
|
Ngoài ra, Thủ tướng đã có gần 40 cuộc tiếp xúc, trao đổi với hơn 60 lãnh đạo các tập đoàn, ngân hàng, trường đại học hàng đầu của Anh, Pháp và châu Âu. Lãnh đạo các bộ cũng đã làm việc riêng với khoảng gần 50 tập đoàn, doanh nghiệp lớn để trao đổi về các dự án đầu tư cụ thể và phương hướng hợp tác trong thời gian tới.
- Chuyến công du của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp. Kết quả về ngoại giao vaccine đạt được trong chuyến đi này được nhìn nhận thế nào?
- Hợp tác y tế và công tác ngoại giao vaccine, vận động các đối tác hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh cũng là một trọng tâm của chuyến thăm lần này.
Các nước chia sẻ khó khăn và đáp ứng tích cực đề nghị của Việt Nam. Trong đó, Pháp công bố viện trợ thêm gần 1,4 triệu liều vaccine Covid-19 qua kênh song phương và cơ chế COVAX; Anh khẳng định sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực y tế, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine; Công ty cổ phần vaccine Việt Nam và Astra Zeneca ký hợp đồng mua 25 triệu liều…
Hợp đồng mua 25 triệu liều vaccine của AstraZeneca đã được xúc tiến ký kết ngay trong cuộc làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và tập đoàn này. Ảnh: TTXVN.
|
Ngoài ra, để triển khai Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng đã có cuộc gặp với gần 100 kiều bào Anh, Ireland và hơn 200 đại diện kiều bào tiêu biểu Pháp, châu Âu.
Bà con rất xúc động khi Thủ tướng nhấn mạnh kiều bào là bộ phận không thể tách rời và là động lực của dân tộc. Đảng, Nhà nước và Chính phủ có trách nhiệm chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bà con.
Với chương trình làm việc dày đặc, tiếp xúc trên cả kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, bạn bè và kiều bào, chuyến công tác lần này của Thủ tướng và đoàn đại biểu cấp cao đã thành công rất tốt đẹp, đạt kết quả toàn diện, thực chất và cụ thể.
Hoài Thu
Zing.vn
|