Giá dầu WTI sụt hơn 10%, rớt ngưỡng 70 USD trong ngày giao dịch tệ nhất năm 2021
Giá dầu WTI rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tháng giữa lúc biến chủng Covid-19 mới làm dấy lên nỗi lo về nhu cầu dầu ngay khi nguồn cung đang tăng lên.
Đà giảm diễn ra trong bối cảnh làn sóng bán tháo đang diễn ra trên thị trường chứng khoán, trong đó Dow Jones giảm hơn 800 điểm. Các quan chức thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đang giám sát biến chủng mới với “rất nhiều đột biến”. Biến chủng B.1.1.529 có 32 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết các loại vaccine sử dụng để tạo ra hệ thống miễn dịch chống nCoV. Các đột biến protein gai có thể ảnh hưởng tới khả năng nhiễm bệnh và tốc độ lây lan của virus, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.
Hợp đồng tương lai dầu WTI giảm 8.46 USD (tương đương 10.8%) xuống 69.93 USD/thùng trong ngày giao dịch tệ nhất kể từ tháng 4/2020. Hợp đồng tương lai dầu Brent sụt 9.9% xuống 73.85 USD/thùng.
Cả hai hợp đồng đều sắp ghi nhận chuỗi 5 tuần giảm liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020. Sự suy giảm của hoạt động đi lại và khả năng tái phong tỏa diễn ra ngay khi nguồn cung dầu sắp tăng mạnh.
“Dường như việc xuất hiện biến chủng Covid-19 mới ở Nam Phi đang gây hỗn loạn trên diện rộng. Đức đang hạn chế đi lại từ một vài quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến chủng mới”, John Kilduff, đối tác tại Again Capital, cho hay. “Điều quan ngại với thị trường dầu ngay lúc này là mối đe dọa tới sự hồi phục của hoạt động đi lại bằng đường hàng không”.
Trước đó, chính quyền Mỹ công bố kế hoạch giải phóng 50 triệu thùng dầu từ dự trữ chiến lược. Động thái này là một phần trong nỗ lực kìm hãm đà tăng của giá dầu từ các quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng. Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh cũng sẽ giải phóng dự trữ dầu chiến lược.
“Làn sóng bán tháo này xuất phát từ mối lo về tình trạng dư cung vào đầu năm 2022 vì động thái giải phóng dự trữ chiến lược từ Mỹ và các quốc gia khác, cộng với sự xuất hiện của biến chủng mới”, các chuyên viên phân tích tại Commerzbank cho hay. “Hơn nữa, việc xuất hiện biến chủng mới với tốc độ lây lan nhanh hơn khiến nhà đầu tư né tránh rủi ro”.
OPEC và đồng minh sẽ nhóm họp vào ngày 02/12 để bàn về chính sách sản lượng cho tháng 1/2022 và sau này.
Trước nguy cơ từ biến chủng mới, các quốc gia lập tức đưa ra biện pháp kiểm soát đi lại. Israel, Singapore hạn chế đi lại với các nước châu Phi, trong khi Ấn Độ, Australia cảnh báo theo dõi chặt chẽ biến chủng mới B.1.1.529 tại khu vực này.
Chính phủ Israel hôm 25/11 thông báo cấm công dân tới các quốc gia miền nam châu Phi và cũng cấm người từ khu vực này nhập cảnh, do lo ngại về biến chủng B.1.1.529 mới được phát hiện tại đây.
Israel liệt Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini vào danh sách đỏ, chỉ khu vực có nguy cơ Covid-19 cao. Người Israel bị cấm đến các nước trong danh sách đỏ, trừ khi được Bộ Y tế chấp thuận.
Người nước ngoài đến từ 7 quốc gia này không được phép nhập cảnh vào Israel, trong khi công dân Israel trở về từ những nước này phải cách ly 7-14 ngày trong khách sạn khi về nước.
Bộ Y tế Singapore hôm nay cũng thông báo áp lệnh hạn chế nhập cảnh với du khách đã đến Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe trong vòng 14 ngày qua. Người đến từ những nước này cũng bị hạn chế quá cảnh ở Singapore. Công dân Singapore và thường trú nhân nước này nếu trở về từ 7 quốc gia châu Phi trên sẽ phải cách ly 7 ngày.
Cho đến nay, Nam Phi, Botswana, Hồng Kông và Bỉ là những nơi đã ghi nhận các ca dương tính với chủng virus mới. Nếu B.1.1.529 thực sự có khả năng kháng vaccine hay có tốc độ lan truyền nhanh hơn biến chủng Delta, biến chủng này sẽ gây ra mối đe dọa lớn khi thế giới dần bước ra khỏi đại dịch.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|