ĐBSCL đang chìm nhanh vì sụt lún, có nơi lún gấp gần 20 lần nước biển dâng
Sụt lún đất đang là vấn đề cấp bách nhất với ĐBSCL khi có nơi sụt lún trung bình lên tới 5,7cm/năm, tức là gấp gần 20 lần so với nước biển dâng.
Các chuyên gia nhận định, nếu tình trạng sụt lún tiếp tục diễn ra với tốc độ trầm trọng hiện nay, phần lớn diện tích của ĐBSCL có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ 21. Đình Tuyển
|
Đây là thông tin cảnh báo đưa ra tại hội thảo hội thảo chia sẻ thông tin về dự án Quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực ĐBSCL diễn ra tại Cần Thơ ngày 26.11. Dự án này do Chính phủ Hà Lan tài trợ và Bộ TN-MT hợp tác thực hiện với mục tiêu tăng cường quản trị về quản lý nước ngầm và sụt lún đất tại các tỉnh ĐBSCL; ghi nhận những khó khăn trong việc thực hiện Nghị định 167 của Chính phủ trong quản lý khai thác nước ngầm và đề xuất giải pháp.
Phần lớn diện tích ĐBSCL có thể chìm
4 địa phương trọng điểm về sụt lún ở ĐBSCL gồm Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang được chọn để thực hiện dự án. Ths Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái vùng Mê Kông, người trực tiếp tham gia dự án cho biết, hiện tại có thể nhận diện 3 loại thách thức với ĐBSCL. Thứ nhất là biến đổi khí hậu, nước biển dâng; thứ hai là thách thức đến từ phát triển thượng nguồn Mê Kông như El Nino, La nina, phát triển thủy điện thượng nguồn… Nhóm thách thức thứ ba là sạt lở, sụt lún là ghê gớm nhất đang đe dọa ĐBSCL.
Khai thác nước ngầm, phù sa suy giảm cộng với tình trạng khai thác cát quá mức đã khiến tình trạng sụt lún đất ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Đình Tuyển
|
“Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sụt lún đất là vấn đề cấp bách ở ĐBSCL. Sụt lún gây ra thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, mất đất và gia tăng lũ lụt”, ông Thiện, nói và cho rằng, các nguyên nhân chính gây sụt lún ở ĐBSCL là do tốc độ bồi lắng phù sa suy giảm nghiêm trọng. Lượng phù sa hạn chế do việc xây dựng đập ở thượng nguồn, không bù lại được với tốc độ sụt lún, mức độ và tần suất lũ giảm cùng với đó là tình trạng khai thác cát dọc theo các con sông. Cạnh đó là hiện tượng lún tự nhiên, tác động từ hoạt động phát triển như gia tăng tải trọng công trình, nhà cửa…
Số liệu đo lún chính thức của Bộ TNMT, sử dụng 287 mốc chuẩn quan trắc trên khắp vùng ĐBSCL cho thấy, tốc độ sụt lún trung bình từ năm 2005 đến 2017 lên tới 5,7 cm/năm, gấp gần 20 lần hiện tượng nước biển dâng mỗi năm (3mm). Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, phần lớn diện tích của đồng bằng có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ 21.
Nước ngọt mênh mông nhưng không sử dụng
Các chuyên gia cũng đề cập, mặc dù có nguồn nước ngọt dồi dào từ lưu vực sông Mê Kông, nhưng một nghịch lý là nguồn nước mặt sử dụng tại ĐBSCL rất hạn chế. Việc khai thác nước ngầm vẫn tăng theo cấp số nhân từ cuối những năm 1990, với thể tích hơn 2,5 triệu m3/ngày ở ĐBSCL. Sự gia tăng phụ thuộc vào nước ngầm ở ĐBSCL chủ yếu là do giảm chất lượng nước mặt do thâm canh nông nghiệp, tăng cường sử dụng hóa chất và giảm khả năng tự làm sạch của các kênh, do các công trình cản trở, làm yếu dòng chảy. Do đó nguồn nước sử dụng được không phải lúc nào cũng đủ, đặc biệt là vào mùa khô. Điều này dẫn đến việc khai thác nước ngầm quá mức.
Nước ngầm hiện đang được khai thác quá mức tại ĐBSCL nhất là các địa phương ven biển càng khiến tình trạng sụt lún đất trầm trọng hơn. Đình Tuyển
|
Dữ liệu của Cục quản lý tài nguyên nước về khai thác nước ngầm cho thấy hiện 40% tổng lượng nước ngầm được khai thác tại ĐBSCL sử dụng cho sinh hoạt, 40% cho canh tác nông nghiệp và 20% cho sản xuất công nghiệp.
Quản lý nước ngầm chưa hiệu quả
Trong bối cảnh khai thác nước ngầm quá mức, năm 2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định 167 nhằm đưa ra các quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Bộ TNMT cũng đã thúc đẩy việc thực hiện Nghị định 167 việc lập kế hoạch phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất ở ĐBSCL. Các kế hoạch phân vùng cấp tỉnh cũng đang được triển khai nhằm xác định nơi nào được khai thác nước dưới đất với số lượng bao nhiêu.
Cụ thể có 4 vùng gồm: Vùng 1, sẽ phải dừng toàn bộ mọi hoạt động khai thác nước ngầm (nếu có); đây là các vùng thường xảy ra sự cố liên quan đến nước dưới đất. Vùng 2, hạn chế khai thác nước dưới đất dựa trên mực nước động trong giếng khai thác vượt quá mực nước động cho phép. Vùng 3, hạn chế khai thác nước dưới đất dựa trên thời hạn hiệu lực của giấy phép khai thác. Vùng 4, hạn chế khai thác nước dưới đất với lưu lượng trên 10.000 m3/ngày trở lên. Vùng hỗn hợp, trường hợp có các khu vực hạn chế từ vùng 1 đến 4, bị chồng lấn nhau, thì phần diện tích chồng lấp được khoanh định vào Vùng hạn chế hỗn hợp.
Các chuyên gia từ ĐBSCL và Hà Lan đều đề xuất phải có giải pháp khôi phục nước mặt và hạn chế tối đa khai thác nước ngầm tại ĐBSCL. Đình Tuyển
|
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế tức 4 tỉnh trong dự án, việc thực hiện Nghị định 167 tại ĐBSCL rất trắc trở, khó áp dụng. Nước ngầm được phân bổ liên tịch dưới các tầng ngầm nên việc quản lý theo địa giới hành chính là không phù hợp. Ngoài ra, Nghị định 167 dù đưa ra các quy định trong khai thác nước ngầm nhưng lại không có những quy định về xử lý vi phạm cũng như chế tài.
Dự án từ đối tác Hà Lan cũng đưa ra giải pháp, trước hết việc khai thác nước ngầm cần phải được giảm xuống mức bền vững, các nguồn nước ngầm phải bảo đảm cho các thế hệ tương lai. Đồng thời có các giải pháp cải cách nông nghiệp tránh làm ô nhiễm hơn nguồn nước mặt, các giải phải trữ nước vùng ven biển, sử dụng các công nghệ xử lý nước mặn thành nước ngọt... Đặc biệt dự án nhấn mạnh cần phải quy hoạch tổng thể trong quản lý nước ngầm cho cả khu vực ĐBSCL thay vì quản lý theo từng tỉnh như hiện nay.
Đình Tuyển
Thanh niên
|