Đầu tư công: “Cú đấm” kích cầu phục hồi kinh tế
Thúc đẩy đầu tư công là một trong những trụ cột chính, từ đó tạo tác động lan tỏa tới các ngành, nghề lĩnh vực liên quan hồi phục và phát triển trong thời gian tới.
Thi công san lấp mặt bằng dự án cao tốc bắc - nam 3 (Ảnh: Bộ GTVT cung cấp).
|
Để phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh COVID-19, Chính phủ đang tính các gói hỗ trợ kinh tế lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm, thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động. Trong đó, thúc đẩy đầu tư công là một trong những trụ cột chính, từ đó tạo tác động lan tỏa tới các ngành, nghề lĩnh vực liên quan hồi phục và phát triển trong thời gian tới.
Đó cũng chính là nhóm giải pháp thứ tư được đề xuất trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 vừa được Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương thông tin. Theo đó, nhóm giải pháp này có ý nghĩa "kép", tức là vừa kích thích chi tiêu đầu tư công trong ngắn hạn để kích thích tăng trưởng, vừa có ý nghĩa dài hạn tạo ra các kết cấu hạ tầng hiệu quả cho nền kinh tế.
Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, một trong những trọng tâm quan trọng được xác định là định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, cơ bản là hạ tầng lớn, hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu thì tập trung vào hạ tầng Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chia sẻ:"Giải pháp về đầu tư công là giải pháp khó. Đây là vấn đề trong ngắn và dài hạn, để thực hiện trong thời gian ngắn, công tác chuẩn bị phải rất tốt, dự án phải sẵn có, năng lực của nhà thầu thực hiện phải tốt. Nhưng trên thực tế khi chuẩn bị dự án có rất nhiều thủ tục cần nhiều thời gian. Còn đối với năng lực nhà thầu, hiện nay giá cả nguyên liệu đầu vào cho đầu tư công đang ở mức cao, không phải nhà thầu nào cũng chịu được sức ép này."
Theo đó, giải pháp này sẽ kích thích đầu tư phục vụ tăng trưởng trong ngắn hạn. Về dài hạn, giải pháp này sẽ phục vụ cho tăng trưởng của giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là phấn đấu hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Trên thực tế, chỉ còn hơn 1 tháng rưỡi nữa là hết năm 2021, như vậy kế hoạch để hoàn thiện giải ngân vốn đầu tư công cho một số Bộ ngành, địa phương rất gấp rút. Dù có quyết tâm đẩy mạnh đến đâu đi chăng nữa thì khoảng thời gian này là quá ngắn để hoàn tất nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch. Do đó, đã đến lúc cần bàn kế hoạch đầu tư công 2022, không để năm sau lặp lại như năm trước.
Các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu xây dựng (xi măng, đất cát, sắt thép, gạch, nội thất…) cũng sẽ có nhiều việc làm hơn trong năm tới.
|
Theo nhận định của ông Đặng Xuân Quang - Phó giám đốc NCIF cho biết tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp vừa diễn ra, dư địa để thúc đẩy đầu tư công năm 2022 đang rất lớn, đây là cơ hội để huy động nguồn lực đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, năng lượng...). Trong đó, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bố trí vốn cho các dự án đầu tư quan trọng quốc gia, có khả năng triển khai ngay, mạnh đến phát triển các ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội, môi trường của vùng, địa bàn động lực tăng trưởng.
Theo đó, ông Đặng Xuân Quang nhận định rằng, hiệu ứng của việc triển khai có hiệu quả nguồn lực đầu tư công sẽ kéo theo 5 nhóm ngành dẫn đường.
Có thể thấy rõ nhất là đầu tư công - “vốn mồi” sẽ kích thích đầu tư tư nhân phát triển vào các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo phát triển kỹ thuật số. Từ đó tạo công ăn việc làm cho nhà thầu xây dựng, làm tăng nhu cầu mua sắm nguyên vật liệu xây dựng. Vì thế, các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu xây dựng (xi măng, đất cát, sắt thép, gạch, nội thất…) cũng sẽ có nhiều việc làm hơn trong năm tới.
Tiếp đó là nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn như điện tử, dệt may, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, cao su, sắt thép… Cùng với sự phục hồi nhu cầu thế giới, đặc biệt là do sự giảm cung từ Trung Quốc, xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Cùng với sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong nước, và được kích thích phát triển thông qua việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, thích ứng với dịch bệnh, doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống, bán lẻ và hàng không… sẽ hưởng lợi lớn.
Đại dịch đã làm thay đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng, mua sắm trực tuyến của người dân trong bối cảnh dịch bệnh cũng gia tăng mạnh mẽ, sẽ là lực đẩy khiến thương mại điện tử và logistics tiếp tục bùng nổ trong năm 2022. Với tác động tích cực của các Hiệp định FTA đã ký kết, cùng với sự phục hồi của hoạt động sản xuất, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nước gia tăng, thương mại quốc tế của Việt Nam sẽ được kỳ vọng sẽ có tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, kéo theo các “toa tàu” là các ngành phụ trợ như thương mại điện tử, logistics… phát triển.
Nhận định cơ hội luôn đến từ khủng hoảng, TS. Nguyễn Đức Khương - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng, một số công ty vẫn có thể giành được lợi thế. Do đó, doanh nghiệp cần xác định cơ hội tăng trưởng và xem xét lại mô hình kinh doanh, trong đó, kết hợp con người với máy móc, công nghệ để đáp ứng yêu cầu mới từ khách hàng, thị trường và tăng khả năng kháng cự với những cú sốc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa ký Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, nhất là các đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân cao như ngành GTVT và sẽ công khai kết quả giải ngân vốn đầu tư công hàng tháng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Đối tượng, phạm vi, thời gian kiểm tra, đôn đốc là các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/10/2021 dưới 60% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; các dự án đang triển khai thực hiện trong năm 2021 và một số dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm năm 2022. Thời gian kiểm tra từ ngày 22/11/2021 đến hết ngày 10/12/2021; đồng thời, xem xét trách nhiệm người đứng đầu lãnh đạo trong xử lý điểm nghẽn giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương.
|
Linh Nga
Diễn Đàn Doanh Nghiệp
|