Dệt may dưới áp lực 'xanh hóa' từ các nhãn hàng quốc tế
Nếu doanh nghiệp không thay đổi theo hướng sản xuất bền vững và sạch hơn, tiết kiệm năng lượng và có trách nhiệm hơn với môi trường thì các nhãn hàng may mặc trên thế giới sẽ rời bỏ, và bản thân doanh nghiệp cũng không thể cạnh tranh khi xuất khẩu sản phẩm.
Thông tin này được ghi nhận tại hội thảo “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam – 3 năm nhìn lại và định hướng phát triển” do Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cùng tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF) tổ chức trực tuyến vào chiều ngày 25-11.
Theo các diễn giả, xu hướng hiện nay, các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới – đối tác đặt đơn hàng của ngành dệt may Việt Nam – đang chuyển sang ưu tiên các “doanh nghiệp xanh”. Những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên… có nguy cơ bị ngừng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đặt hàng.
Đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa trong sản xuất”. Ảnh minh họa: vietnamtextile.org.vn.
|
Ông James Phillips, Tổng Giám đốc Công ty may mặc TAL Việt Nam, cho biết hơn 250 nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường với các nhà cung cấp.
Do đó, yêu cầu các doanh nghiệp may mặc Việt Nam cung cấp và gia công cho các nhãn hàng này cần phải thực hiện sản xuất theo hướng “xanh hóa” một cách có hiệu quả, có lợi nhuận và phát triển. Theo đó, nhà máy của doanh nghiệp sản xuất phải tiết kiệm năng lượng, nước; sử dụng nguyên liệu thân thiện và an toàn với môi trường; doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm với môi trường và xã hội…
Ông Trần Như Tùng, Trưởng ban Phát triển bền vững của Vitas, cho rằng hiện nay, đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa trong sản xuất” như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải. “Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng các mặt hàng ra thị trường quốc tế”, ông Tùng nói, và cho rằng doanh nghiệp cần phải cải tiến và tuẩn thủ thực hiện.
Theo ông Tùng, việc tuân thủ những quy tắc của các thương hiệu về trách nhiệm xã hội và môi trường là một trong những yêu cầu cơ bản, nền tảng mà các nhà máy khi tham gia vào chuỗi cung ứng đều phải cam kết.
Trước mắt, việc thực hành các tiêu chuẩn phát triển bền vững có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp vì khoản đầu tư lớn và cần nhân sự triển khai, nhưng về lâu dài, theo ông Tùng thì uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ ngày càng tốt hơn, và có thể nhận được sự hỗ trợ từ các nhãn hàng, các tổ chức quốc tế và tổ chức tài chính.
“Muốn tồn tại, yêu cầu bắt buộc với mỗi doanh nghiệp là cần phải thích ứng để thay đổi nhằm phát triển bền vững và đi xa hơn nữa”, ông Tùng nói và cho rằng, việc phát triển theo hướng “xanh hóa” không chỉ đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn của các nhãn hàng đề ra mà bản thân doanh nghiệp hoạt động cũng có trách nhiệm hơn với xã hội và có trách nhiệm với thế hệ sau này.
Tại sự kiện các ý kiến cũng cho rằng thực tế cho thấy, việc các nhà máy tuân thủ sản xuất bền vững không chỉ gia tăng được đơn hàng mà còn hoạt động hiệu quả, tiết kiệm được chi phí hơn như giảm tiêu hao năng lượng, tiết kiệm nước…
Theo các chuyên gia, khi các doanh nghiệp được đánh giá là phát triển bền vững sẽ mang lại giá trị cho cả ngành dệt may Việt Nam. Khi đó các nhãn hàng thế giới sẽ nhìn Việt Nam ở một con mắt khác, đơn hàng từ các quốc gia khác sẽ được chuyển sang Việt Nam là có thể xảy ra.
Ngành dệt may của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại với các nước và khu vực đã ký kết. Nhưng, đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp khi mà chuỗi cung ứng phải đảm bảo những yêu cầu của các hiệp định về cam kết bảo vệ môi trường và phát thải thấp.
Các doanh nghiệp lĩnh vực dệt may đang hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức với các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa vì nguồn tài chính còn hạn chế.
Một số ý kiến cho rằng, để cải thiện hiện trạng sản xuất của doanh nghiệp, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, thì rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức tài chính, các nhãn hàng dệt may…
Hùng Lê
TBKTSG
|