Dầu diễn biến trái chiều trước những nghi ngờ về cung cầu, đồng USD
Giá dầu diễn biến trái chiều vào ngày thứ Hai (15/11) khi nhà đầu tư tự hỏi liệu nguồn cung dầu thô có tăng hay không và liệu nhu cầu có bị áp lực bởi sự gia tăng gần đây của chi phí năng lượng, đồng USD mạnh và số ca nhiễm Covid-19 gia tăng hay không.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent lùi 12 xu (tương đương 0.2%) xuống 82.05 USD/thùng. Trong khi, hợp đồng dầu WTI tiến 8 xu (tương đương 0.1%) lên 80.88 USD/thùng.
John Kilduff, Đối tác tại Again Capital LLC, nhận định vào đầu phiên, thị trường dầu bị chi phối bởi dự báo rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể giải quyết tình trạng giá dầu cao bằng cách giải phóng dầu thô từ Dự trữ Dầu Chiến lược của Mỹ (SPR), tuy nhiên, những nghi ngờ về cách tiếp cận này đã giúp dầu WTI tăng.
Cũng gây áp lực lên giá dầu, chỉ số đồng USD đã chạm mức cao nhất trong 16 tháng khi nhà đầu tư lo ngại về nền kinh tế toàn cầu.
Đồng USD mạnh hơn có thể làm giá dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua sử dụng những đồng tiền khác.
Tuần trước, các công ty năng lượng Mỹ đã gia tăng số giàn khoan dầu và khí thiên nhiên tuần thứ 3 liên tiếp, được khuyến khích bởi đà leo dốc 65% của giá dầu WTI từ đầu năm đến nay.
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ trong tháng 12 dự kiến sẽ đạt mức trước đại dịch là 8.68 triệu thùng/ngày, theo Rystad Energy. Trong khi đó, có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu có thể đang chậm lại do số ca nhiễm Covid-19 tăng cao và lạm phát.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hồi tuần trước đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới quý 4 giảm 330,000 thùng/ngày so với dự báo tháng trước, khi giá năng lượng cao cản trở đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Louise Dickson tại Rystad Energy chia sẻ: “Thị trường bây giờ dường như đã bớt lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung hiện nay, cho rằng nó chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Thay vào đó nhà đầu tư lại tập trung vào sự trở lại của 2 yếu tố tiêu cực – khả năng có nhiều nguồn cung dầu hơn và số ca nhiễm Covid-19 gia tăng”.
Châu Âu một lần nữa trở thành tâm điểm của đại dịch Covid-19, khiến một số chính phủ phải xem xét áp dụng lại các biện pháp phong tỏa, trong khi Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm lớn nhất do biến thể Delta gây ra.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|