Chờ 'ngấm' gói hỗ trợ miễn, giảm thuế
Sau hơn 10 ngày triển khai chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định 92 của Chính phủ, vẫn chưa có số liệu cụ thể quá trình triển khai ra sao từ ngành Thuế. Doanh nghiệp (DN) ở một số lĩnh vực vẫn chật vật khôi phục hoạt động, nên kỳ vọng được tạo điều kiện để trở lại hoạt động bình thường, hỗ trợ vốn, thay vì trông chờ miễn, giảm thuế.
Nhiều DN nhỏ, hộ kinh doanh phải đóng cửa, thua lỗ, có miễn, giảm thuế họ cũng không được hưởng lợi nhiều. Ảnh hàng quán ở Hà Nội đóng cửa do dịch COVID-19. Ảnh: Như Ý
|
Cần nguồn tiền thực hơn là miễn, giảm thuế
Nghị định 92/2021 của Chính phủ về một số chính sách miễn, giảm thuế chính thức có hiệu lực từ ngày 1/11, với tổng số tiền dự kiến giảm khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong số đó, giảm 30% thuế thu nhập DN; miễn thuế với hộ và cá nhân kinh doanh; giảm 30% thuế giá trị gia tăng (VAT) với DN thuộc một số nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19; miễn tiền thuế chậm nộp năm 2020, 2021 với DN lỗ trong năm 2020.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, TS Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa (VINASME) cho rằng, chính sách giảm thuế thu nhập DN chỉ áp dụng với DN có tổng doanh thu trong năm dưới 200 tỷ đồng. Do đó, nhóm được hưởng chủ yếu là DN nhỏ và vừa, chiếm 98% tổng số DN cả nước. Theo ông Nam, lâu nay nói tới hỗ trợ thường hướng tới DN khó khăn, thua lỗ, nhưng lần này DN có lãi cũng được hỗ trợ (tương tự chính sách áp dụng cuối năm 2020).
Điều này cho thấy, Nhà nước quan tâm cả DN hoạt động tốt, có khả năng chống chịu biến cố, có thị trường, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách. “Ghi nhận sơ bộ của chúng tôi cho thấy, diện được hưởng không nhiều, vì DN nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng của dịch bệnh rất lớn, duy trì được hoạt động đã khó nói gì có lãi để được giảm thuế”, ông Nam nói. Với miễn tiền thuế chậm nộp, theo đại diện VINASME, số hưởng lợi cũng hạn chế, vì nếu DN vẫn hoạt động mà chậm nộp thuế đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi, chính sách này sẽ rơi vào nhóm cơ bản đã dừng hoạt động.
Về giảm thuế VAT, theo ông Nam, nhóm được lợi là người mua hàng hóa cuối cùng (người tiêu dùng), giảm thuế giúp giảm giá hàng hoá, dịch vụ, từ đó kích thích tiêu dùng và sản xuất. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực được giảm thuế, tới nay đa số DN vẫn đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng (như du lịch, khách sạn, vận tải khách, nhà hàng…). Với DN, ông Nam kỳ vọng chính sách cấp bù lãi suất được nêu trong Nghị quyết 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ được triển khai. “DN nhỏ và vừa sau 2 năm chịu tác động của dịch bệnh đã cạn kiệt dòng tiền để hoạt động lại, rất cần được hỗ trợ vốn. Chính sách cấp bù lãi suất với các khoản vay của DN rất đáng trông đợi. Nó giúp DN tiếp cận, vay được vốn lãi suất thấp”, ông Nam nói thêm. Bên cạnh đó, ông Nam đề xuất kéo dài các chính sách hỗ trợ DN tới giữa hoặc hết năm 2022, thay vì chỉ tới hết năm nay.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ô tô Thái Nguyên (chủ 1 DN xe khách) cho biết, gói miễn, giảm thuế theo Nghị định 92 so với các chính sách trước đây đã tốt hơn nhiều, cả về quyền lợi, thủ tục và sát thực tế. Xét về chính sách, DN vận tải khách được hưởng lợi rất nhiều, nhưng thực tế không hẳn vậy. “Từ khi có dịch COVID-19 tới nay, DN cứ hoạt động 3 tháng lại phải dừng 3 tháng, không có doanh thu lấy đâu lợi nhuận để được giảm thuế. Giảm thuế VAT sẽ giúp giảm giá vé nhưng nay khách cũng ngại dịch, giảm giá vé cũng không có khách đi. Không có chính sách hỗ trợ nào tốt bằng nới lỏng điều kiện đi lại, cho phép DN hoạt động bình thường. Chỉ cần được hoạt động, DN sẽ có cách vượt qua khó khăn”, ông Hà nói.
Chưa có số liệu về việc doanh nghiệp được hỗ trợ
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 92 về chính sách miễn, giảm thuế (Tổng cục Thuế) Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn chi tiết, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để tập huấn cho cán bộ thuế triển khai. Sau hơn 10 ngày triển khai, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, chưa có số liệu thực tế, do việc kê khai và nộp thuế tính theo kỳ. Dự kiến phải đến cuối tháng 11, đầu tháng 12, hoặc khi quyết toán thuế quý 3/2021 mới có số liệu.
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, chính sách giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2021, áp dụng với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác hoạt động theo Luật DN. Điều kiện, DN có tổng doanh thu trong năm nay không quá 200 tỷ đồng và giảm so với năm 2019 (không bao gồm số thu từ hoạt động tài chính). Điều kiện giảm doanh thu không áp dụng với DN mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia tách năm 2020, 2021.
Về miễn thuế với hộ, cá nhân kinh doanh phát sinh từ tháng 9 đến 12/2021, chỉ áp dụng với hộ và cá nhân kinh doanh tại địa bàn ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo danh sách quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh. Các sắc thuế được miễn như: Thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, tài nguyên, bảo vệ môi trường... Hộ, cá nhân đã nộp thuế sẽ được tính bù, trừ, hoặc hoàn lại.
Về vấn đề giảm 30% thuế VAT, áp dụng cho một số lĩnh vực: vận tải, lưu trú; ăn uống; du lịch, xuất bản, điện ảnh, âm nhạc, dịch vụ giải trí, thư viện, bảo tàng, thể thao... Cơ quan thuế hướng dẫn, đơn vị ghi mức thuế VAT bằng 70% mức hiện hành lên hoá đơn, giá vé.
Với chính sách miễn tiền chậm nộp thuế phát sinh năm 2020, 2021, điều kiện là DN lỗ trong năm 2020, áp dụng với các loại thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tiền phát sinh sau thanh kiểm tra, xác định lại doanh thu. Cơ quan thuế sẽ tính toán và gửi thông báo số thuế được miễn gửi các đơn vị khi đạt điều kiện trên.
Bộ Tài chính vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng cho phép tiếp tục kéo dài thời gian giảm các loại phí, lệ phí đang áp dụng trong năm 2021 tới hết tháng 6/2022, có thể bổ sung thêm các khoản phí, lệ phí khác. Tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã miễn, giảm, gia hạn trong năm 2021 khoảng 118.000 tỷ đồng.
|
LÊ HỮU VIỆT
Tiền phong
|