Các tập đoàn địa ốc Trung Quốc mất nguồn tiền khổng lồ
Ngành công nghiệp ủy thác trị giá 3.000 tỷ USD của Trung Quốc đang hạn chế đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Đó sẽ là đòn giáng mạnh đối với các tập đoàn địa ốc của đất nước.
Theo Caixin, từ lâu, các quỹ đầu tư ủy thác của Trung Quốc đã đổ tiền vào những tập đoàn địa ốc như China Evergrande. Nhưng giờ, lĩnh vực bất động sản của đất nước đang ngập trong hố sâu nợ nần. Các khoản đầu tư khiến ngành công nghiệp đầu tư ủy thác lao đao.
China Evergrande - tập đoàn bất động sản nợ nần nhất thế giới - không trả lãi đúng hạn cho các quỹ đầu tư ủy thác trong tháng 9. Đến cuối tháng 10, một số quỹ đầu tư vào China Evergrande đã vỡ nợ, bao gồm Citic Trust, The National Trust, China Minsheng Trust và Everbright Xinglong Trust.
Các khoản đầu tư vào bất động sản thua lỗ, một số công ty ủy thác đang chịu sức ép thanh khoản lớn. Điều đó khiến họ phải thu hẹp quy mô đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.
Khi ngành công nghiệp ủy thác 3.000 tỷ USD của Trung Quốc cắt giảm quy mô đầu tư, ngành bất động sản - vốn đóng góp vào 25% GDP đất nước - sẽ bị giáng đòn mạnh.
China Evergrande - tập đoàn bất động sản nợ nần nhất thế giới - có khoản tiền phải trả lên tới hơn 300 tỷ USD. Ảnh: Reuters.
|
Đầu tư "ống dẫn"
Các quỹ ủy thác thường cấp vốn cho những công ty có rủi ro cao, không thể vay được tiền từ ngân hàng. Quỹ ủy thác cũng được các bên cho vay và nhiều tổ chức tài chính khác sử dụng như một phương tiện để đầu tư ngoại bảng. Nguyên nhân là nhà băng và những tổ chức tài chính khác thường chịu một số hạn chế đầu tư.
Để lách những hạn chế này, họ thường sử dụng các công ty ủy thác. Bởi công ty ủy thác được phép huy động tiền từ nhiều nguồn khác nhau, có thể đầu tư từ trái phiếu, cổ phiếu, những công ty chưa niêm yết đến công ty tài chính của chính quyền địa phương.
Các công ty ủy thác đầu tư thay, nhưng không chịu rủi ro cho những tổ chức tài chính khác. Mô hình này còn được gọi là kinh doanh "ống dẫn". Tính đến cuối tháng 6, hoạt động kinh doanh "ống dẫn" chiếm 43% tổng tài sản được 68 công ty ủy thác Trung Quốc quản lý.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang ngập trong hố sâu nợ nần. Các khoản đầu tư khiến ngành công nghiệp đầu tư ủy thác lao đao
Caixin
|
Các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc đã bắt đầu lo ngại về ngành công nghiệp ủy thác. Một phần nguyên nhân là hoạt động kinh doanh "ống dẫn" giúp nhiều ngân hàng lách quy định, làm khoản nợ của các doanh nghiệp ngày càng phình to.
Theo nguồn tin của Caixin, đầu tư bất động sản là hoạt động sinh lời nhất của các công ty ủy thác.
Do thiếu dữ liệu, rất khó để tính chính xác số tiền mà các quỹ đầu tư ủy thác đã đổ vào lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Nhưng nguồn tin của Caixin cho biết hai mảng này có mối quan hệ rất chặt chẽ.
Theo Hiệp hội Ủy thác Trung Quốc (CTA), 13% trong số 16.000 tỷ NDT tiền ủy thác đã đi vào lĩnh vực bất động sản. Trong khi đó, có tới 30% chảy tới các công ty công nghiệp và thương mại.
Báo cáo hàng năm của các công ty ủy thác cho thấy đến cuối năm 2020, đầu tư bất động sản chiếm hơn 50% hoạt động kinh doanh của một số công ty ủy thác.
Mối quan hệ mật thiết
Nhưng các dữ liệu chính thức chỉ phơi bày một phần câu chuyện. Nhiều công ty công nghiệp và thương mại là một phần của chuỗi cung ứng bất động sản.
Nhiều khoản đầu tư được đổ vào các công ty tài chính của chính quyền địa phương nhằm phát triển đất đai. Như vậy, theo nguồn tin thân cận của Caixin, có tới 70-80% khoản đầu tư "ống dẫn" liên quan đến bất động sản.
Giờ, khi các nhà phát triển bất động sản bị hạn chế vay và doanh số bán nhà sụt giảm, ngành công nghiệp ủy thác cũng chịu ảnh hưởng theo.
Không phải tất cả công ty ủy thác đều đầu tư vào các tập đoàn bất động sản vỡ nợ. Tuy nhiên, trong số những nhà phát triển địa ốc đang gặp khó khăn, không thể tránh khỏi việc nhiều quỹ ủy thác đầu tư vào ít nhất một công ty.
Theo nguồn tin của Caixin, gần 60% vụ vỡ nợ của các công ty ủy thác liên quan đến bất động sản (tính theo giá trị).
Ngành công nghiệp đầu tư ủy thác và bất động sản có mối quan hệ chặt chẽ. Ảnh: Wall Street Journal.
|
Một số công ty ủy thác đầu tư vào China Evergrande đã phải thông báo về việc lùi thời gian trả lãi cho các nhà đầu tư.
Để giữ danh tiếng, một số quỹ ủy thác đã đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư. Do đó, khi các nhà phát triển bất động sản vỡ nợ, nhiều công ty ủy thác phải tìm cách bù lỗ.
Các vụ vỡ nợ mới trong ngành bất động sản đang khiến nhiều công ty ủy thác lo ngại. Kể từ nửa cuối năm 2020, một số quỹ đã hạn chế đầu tư mới vào lĩnh vực này.
Dữ liệu từ China Trust Register cho thấy lượng tiền ủy thác mới được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản trong tháng 9 là 39 tỷ NDT, giảm 44,8% so với mức trung bình 12 tháng.
Để hạ đòn bẩy trong lĩnh vực bất động sản, các cơ quan quản lý đã đưa ra những quy định nhằm hạn chế khả năng tiếp cận khoản vay ngân hàng của ngành. Giờ, các khoản đầu tư ủy thác ngày càng thu hẹp có thể khiến nhà tập đoàn địa ốc Trung Quốc điêu đứng.
Thảo Cao
Zing.vn
|