Thứ Năm, 11/11/2021 10:16

'Bóng ma' lạm phát đe dọa kinh tế thế giới

Bóng đen lạm phát đang đe dọa quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới gấp rút cắt giảm các biện pháp kích thích kinh tế.

Kinh tế thế giới ảnh 1

Tỷ lệ lạm phát đang gia tăng tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới, đẩy lãi suất thực xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Nói với chúng tôi, chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) cho rằng lạm phát sẽ là vấn đề ngày càng nghiêm trọng trong những tháng tới.

"Tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu đang được cải thiện. Nhưng vấn đề có thể vẫn còn trong năm nay và quý I/2022", ông cảnh báo. Bà Elena Duggar - Giám đốc điều hành tại Moody's - cũng dự báo lãi suất thực "sẽ vẫn ở mức thấp kỷ lục trong vài năm tới".

Lãi suất thực được tính xấp xỉ bằng lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát. Chẳng hạn, một nhà đầu tư nhận 5% lãi trong năm tới và dự đoán rằng lạm phát là 2%, ông này hy vọng nhận được lãi thực 3%.

Tại Mỹ, lãi suất danh nghĩa gần bằng 0 và lãi suất thực ở mức âm 5,3%. Theo phân tích của Financial Times, lãi suất thực tại Anh và Đức lần lượt là âm 3% và âm 4,6%.

Kinh tế thế giới ảnh 2

Khi các nền kinh tế lớn trên thế giới phục hồi từ khủng hoảng Covid-19, nguồn cung không thể theo kịp nhu cầu tăng vọt. Ảnh: Reuters.

"Bóng ma" đình lạm

Các ngân hàng trung ương đã không còn cho rằng lạm phát chỉ là nhất thời. Thay vào đó, những tổ chức này có thể phải nâng lãi suất sớm hơn dự kiến nhằm ngăn chặn giá cả leo thang.

Môi trường đình lạm (tăng trưởng kinh tế đình trệ trong khi lạm phát tăng cao) là một thách thức đối với các ngân hàng trung ương. Theo Bloomberg, điều đó tạo ra mối đe dọa lớn cho quá trình phục hồi vốn đã không chắn chắn của nền kinh tế toàn cầu.

Đằng sau tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng là một mạng lưới giao thông quá tải, tình trạng thiếu lao động và nhu cầu hàng hóa tăng vọt. Các nhà sản xuất trên khắp thế giới đã không thể lường trước tốc độ phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế.

Bởi chỉ mới năm ngoái, họ buộc phải cắt giảm mua nguyên liệu vì người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Giờ, giá xuất xưởng tại Trung Quốc đang tăng với tốc độ 10%/năm, đánh dấu mức tăng nhanh nhất kể từ những năm 1990.

Kinh tế thế giới ảnh 3

Các "nút thắt cổ chai" trong chuỗi cung ứng toàn cầu đẩy giá hàng hóa tăng vọt. Ảnh: Reuters.

Mới đây, Bắc Kinh kêu gọi các chính quyền địa phương đảm bảo đủ nguồn cung cấp lương thực trong mùa đông và khuyến khích người dân tích trữ một số nhu yếu phẩm.

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, giá thực phẩm tại đất nước 1,4 tỷ dân ghi nhận mức tăng hàng tuần trong tháng 10. Từ ngày 25 đến 31/10, rổ hàng hóa gồm 30 loại rau đã tăng 6,6% so với tuần trước đó lên 5,99 NDT/kg. Trong tuần 20-26/9, giá chỉ 4,39 NDT/kg.

Các "nút thắt cổ chai" trong chuỗi cung ứng càng làm lạm phát gia tăng trên diện rộng. Những chuyến hàng xuất phát từ các cảng biển Mỹ đang chứng kiến khoảng thời gian vô ích tăng mạnh.

Đó là dấu hiệu cho thấy tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã làm gián đoạn các trung tâm vận tải Mỹ. Thời gian đình trệ của xe tải đã tăng từ 17 giờ năm 2019, 21,5 giờ năm 2020 lên hơn một ngày.

Các nhà máy thịt ở Mỹ vẫn chưa hoạt động trở lại hết công suất và đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.

Chuyên gia Yu Oana tại Sojitz Foods

Bloomberg cho biết hiện giá phân bón toàn cầu đang tăng chóng mặt. Nguyên nhân là chi phí khí đốt tự nhiên tăng cao, buộc một số nhà máy sản xuất ở châu Âu phải tạm dừng hoặc cắt giảm sản lượng.

Đà tăng giá làm dấy lên lo ngại rằng nông dân sẽ cắt giảm sản lượng, hoặc chuyển sang trồng những loại cây cần ít chất dinh dưỡng hơn. Sản lượng giảm có thể đẩy giá cây trồng tăng cao, làm trầm trọng hơn nữa tình trạng lạm phát lương thực.

Chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) chứng kiến mức tăng đáng kể trên diện rộng. Trong tháng 10, giá trung bình toàn cầu tăng 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng giá thịt bò vọt lên 32,7%.

Giá thịt trâu, bò tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm. Khó khăn trong sản xuất và vận chuyển đẩy giá lên cao.

Theo Nikkei Asian Review, các nhà máy chế biến thịt đã hứng chịu tác động lớn từ đại dịch, góp phần đẩy giá thịt bò tăng vọt. "Các nhà máy thịt ở Mỹ vẫn chưa hoạt động trở lại hết công suất và đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động", chuyên gia Yu Oana tại Sojitz Foods của Nhật Bản chia sẻ.

Theo ông, tình trạng gián đoạn trong vận chuyển và thiếu container cũng là những vấn đề nan giải.

Các ngân hàng trung ương vào cuộc

Ở Nhật Bản, ngày càng nhiều người không đủ khả năng mua thịt bò nhập khẩu, vốn ngày càng khan hiếm và đắt đỏ.

"Khi đại dịch tấn công vào túi tiền của các hộ gia đình, nhu cầu của người tiêu dùng đã chuyển từ loại thịt bò chất lượng cao như Wagyu sang thịt bò Mỹ", ông Hiromichi Akiba - Chủ tịch Akidai, một chuỗi siêu thị ở Tokyo - chia sẻ. Tuy nhiên, ông vẫn buộc phải tăng giá bán lẻ lên 20-30% so với một năm trước đó.

Sau Nga, Mexico và Brazil, tuần trước, Cộng hòa Czech và Ba Lan cũng mạnh tay tăng lãi suất. Cụ thể, ngân hàng trung ương của Cộng hòa Czech đã tăng chi phí đi vay 125 điểm cơ bản lên 2,75% - mức cao nhất trong gần 25 năm.

Thống đốc ngân hàng trung ương của Ba Lan cũng cam kết sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết" sau khi tăng lãi suất chuẩn 75 điểm cơ bản lên 1,25%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh đã giữ nguyên lãi suất. Na Uy cũng xác nhận đang chuẩn bị tăng lãi suất vào cuối năm.

Kinh tế thế giới ảnh 4

FED đã bắt đầu cắt giảm chương trình mua trái phiếu nhằm kích thích nền kinh tế. Ảnh: Reuters.

Nhưng theo Financial Times, lạm phát cao hơn có nghĩa là tỷ giá thực vẫn âm. Tuy nhiên, do lạm phát được dự báo giảm trong năm tới, tỷ giá thực sẽ chuyển sang dương, tăng lên tới 3,3% ở Brazil và 3% tại Nga.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã bắt đầu cắt giảm chương trình mua trái phiếu nhằm kích thích nền kinh tế. Các nền kinh tế phát triển đang dần loại bỏ các biện pháp kích thích khổng lồ trong thời kỳ đại dịch.

Nhưng ở Mỹ, Đức và Anh, lãi suất thực trong năm 2022 dự kiến vẫn lần lượt là âm 3,3%, âm 2,7% và âm 3,2%.

Ngay cả đối với các ngân hàng trung ương của Canada và Australia - những ngân hàng đã phát đi tín hiệu rằng họ có thể sớm tăng lãi suất, tỷ lệ lạm phát hơn 3% và mức lãi suất danh nghĩa gần bằng không đồng nghĩa với việc lãi suất thực cũng âm.

Trên thực tế, môi trường đình lạm cũng đẩy các nhà hoạch định chính sách vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bởi việc giữ lãi suất ở mức thấp sẽ giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế, nhưng có thể làm gia tăng rủi ro giá cả leo thang.

Còn việc thắt chặt chính sách sẽ dập tắt lạm phát thông qua kìm hãm nhu cầu. Nhưng nhu cầu đối với hàng hóa có thể giảm xuống khi các gói kích thích kinh tế giảm dần, hoặc những lo ngại về điều kiện tài chính thắt chặt hơn làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.

Thảo Cao

ZING

Các tin tức khác

>   Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc có thể đe dọa Mỹ và thế giới (11/11/2021)

>   CPI Mỹ tăng 6.2%, mạnh nhất trong 30 năm (11/11/2021)

>   Chỉ số giá sản xuất Trung Quốc tăng 13.5%, mạnh nhất trong 26 năm (10/11/2021)

>   Kinh tế dữ liệu: 'Người khổng lồ' đằng sau dữ liệu mở (10/11/2021)

>   Bloomberg: Mỹ và Trung Quốc sắp tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới? (10/11/2021)

>   Phó Chủ tịch Fed: NHTW có thể nâng lãi suất trước khi kết thúc năm 2022 (09/11/2021)

>   Mỹ: Cựu Tổng thống Trump "úp mở" về khả năng tái tranh cử (09/11/2021)

>   Ả Rập Xê Út và giấc mơ Hollywood 64 tỷ USD (09/11/2021)

>   Ác mộng Covid-19 quay trở lại châu Âu (08/11/2021)

>   Kinh tế Nhật Bản kỳ vọng khởi sắc sau khi RCEP có hiệu lực (08/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật