Thứ Tư, 10/11/2021 13:15

Bộ trưởng Tài chính: Bịt lỗ hổng trong quản lý giá thiết bị y tế, xét nghiệm, không để trục lợi

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định mới nhất để bịt lỗ hổng loạn giá xét nghiệm Covid-19 và thiết bị y tế thời gian qua.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Trong buổi chất vấn sáng 10/11, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, liệu có lợi ích nhóm trong nhập kit xét nghiệm hay không và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc để giá trôi nổi như vậy. Theo đại biểu Hòa, việc loạn giá thời gian qua là có trách nhiệm trong quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Bộ Tài chính…

Phát biểu giải trình về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tài chính đối với việc quản lý giá tại phiên họp Quốc hội sáng 10/11, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Luật Quản lý giá năm 2012 xác định giao cơ quan quản lý giá chuyên ngành về cho Bộ chuyên ngành quản lý.

Cụ thể, giá đất giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, giá điện, xăng dầu giao cho Bộ Công Thương quản lý. Vì vậy, giá thiết bị y tế do Bộ Y tế chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực quản lý giá, không những giá thiết bị y tế, mà còn có cả giá giáo dục, giá đất đều có lỗ hổng, cần phải hoàn thiện. Trước tình hình trên, Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã thảo luận và xây dựng Nghị định 98 ngày 8/11 để đưa phương thức từ công khai giá sang buộc phải kê khai giá và truyền dữ liệu về trung tâm của Bộ Y tế để quản lý.

“Khi đã kê khai, nếu bán giá sai sẽ bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép hoạt động, thậm chí bị truy tố trước pháp luật”, Bộ trưởng Phớc nói.

Đồng thời, trong kê khai giá, Nghị định 98 yêu cầu nếu nhập khẩu, đơn vị phải công khai giá nhập hải quan, cộng với chi phí được tính hợp lý để hình thành lên giá cơ sở; còn nếu sản xuất trong nước thì phải đưa ra giá thành sản xuất và công khai giá bán.

Đối với vấn đề loạn giá, Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo Tổng cục Thuế và ngành hải quan quản lý chặt chẽ, không để các đơn vị lợi dụng việc viện trợ, tài trợ để nâng giá, đưa vào chi phí sản xuất.

Đối với vướng mắc về tài chính cấp huyện, mô hình hiện nay do Sở Y tế quản lý tài chính. Ở đây, cơ chế tài chế phải thông qua HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bố dự toán cho Sở Y tế, sau đó Sở Y tế mới phân bổ cho huyện.

“Nếu áp dụng mô hình này, tỉnh ở xa mà huyện thì ở gần, xa thì không với đến mà gần thì không có quyền để với. Cho nên vấn đề y tế cấp huyện vẫn có thiệt thòi và hạn chế”, Bộ trưởng Phớc nhìn nhận và cho rằng có thể giao quản lý tài chính về cho huyện, TP, thị xã quản lý. Sở Y tế chỉ quản lý về mặt chuyên môn.

Còn ý kiến xã hội hóa về y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đại diện Bộ Tài chính đánh giá đây là mô hình tốt. Tuy nhiên, điều này dễ dẫn đến sai phạm do lợi dụng lỗ hổng để trục lợi.

Bộ trưởng lấy ví dụ trường hợp khi doanh nghiệp đã liên doanh liên kết, sẽ liên quan đến vấn đề định giá vật tư thiết bị góp vào, lúc này có thể nâng giá lên để ăn chia. Như vậy, giá dịch vụ sẽ tăng và có sự trục lợi ở đây.

Lỗ hổng thứ hai là yếu tố thời gian phụ thuộc vào tính chủ quan của doanh nghiệp, thứ ba là vấn đề ăn chia phân phối, dễ dẫn đến tư lợi. Bộ Tài chính cho rằng cần phải có văn bản hướng dẫn.

“Theo quy định của pháp luật, Bộ Y tế sẽ chủ trì, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ để xây dựng đối với văn bản hướng dẫn trên. Thứ hai, phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và thanh tra để ngăn chặn thất thoát, lãng phí và tham nhũng”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Chắc chắn giá xét nghiệm sẽ được điều chỉnh

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, giá xét nghiệm phụ thuộc nhiều vào giá sinh phẩm. Tuy nhiên, sinh phẩm lại không thuộc mặt hàng quản lý giá theo quy định của Luật Giá và đây chính là điểm khiến cho giá có sự khác nhau.

Theo Bộ trưởng, đối với giá xét nghiệm của các đơn vị y tế công lập thực hiện theo quy định của Bộ Y tế là thực thanh thực chi; đối với các đơn vị y tế tư nhân, giá là do đơn vị tự chịu trách nhiệm nhưng phải niêm yết, phải công khai.

Bộ trưởng xin tiếp thu ý kiến của đại biểu, để trên cơ sở đó cùng với các đơn vị chức năng đưa ra những hình thức tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc giá xét nghiệm của các đơn vị tư nhân.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị đối với các địa phương cũng tăng cường việc kiểm tra, giám sát và cho biết Bộ Y tế đã có văn bản gửi cho các địa phương đối với việc này.

Bộ trưởng nêu rõ, Bộ Y tế đã nhận thấy trách nhiệm và đã triển khai các giải pháp rất quyết liệt trong thời gian qua. Bộ Y tế cũng đã đề xuất đưa mặt hàng về sinh phẩm xét nghiệm vào mặt hàng về quản lý giá.

Bộ trưởng khẳng định: Tới đây chắc chắn rằng việc giá xét nghiệm sẽ từng bước được điều chỉnh theo hướng cố gắng hạ được giá xét nghiệm để bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo của cựu Tổng giám đốc VNS (10/11/2021)

>   Bộ trưởng Y tế: Giá sinh phẩm phụ thuộc nhiều yếu tố và dự báo diễn biến dịch là việc rất khó (10/11/2021)

>   Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị bắt (09/11/2021)

>   ​Bộ Công Thương không đồng ý kéo dài ưu đãi giá FIT cho dự án điện gió (09/11/2021)

>   Xuất nhập khẩu sẽ vượt 600 tỉ USD (09/11/2021)

>   Đa phần doanh nghiệp và người lao động đang sử dụng công nghệ 1.0, 2.0 (09/11/2021)

>   Bộ GTVT đề xuất mở lại các đường bay quốc tế thường lệ trong năm 2022 (09/11/2021)

>   RCEP sẽ tạo xung lực mới cho kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch (09/11/2021)

>   Xét xử phúc thẩm đại án gang thép Thái Nguyên (09/11/2021)

>   Khởi tố và bắt tạm giam nguyên Tổng Giám đốc Dược phẩm Cửu Long (09/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật