Thứ Ba, 09/11/2021 09:24

RCEP sẽ tạo xung lực mới cho kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch

RCEP sẽ mở thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực này...

RCEP là một FTA thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới với 15 thành viên.

Ngày 8/11/2021, Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

RCEP được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch.

Việc thúc đẩy kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN là thành tựu được các nước ASEAN và đối tác đánh giá rất cao, qua đó khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực.

Theo quy định của RCEP, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm có ít nhất 06 nước ASEAN và 03 nước đối tác hoàn tất việc phê chuẩn, phê duyệt Hiệp định và nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký ASEAN.

Đến ngày 02/11/2021, đã có 06 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và 04 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt, phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN. Như vậy, Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Theo Bộ Công Thương, việc Hiệp định RCEP có hiệu lực từ tháng 01/2022 sẽ góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.

Do vậy, Hiệp định RCEP dự kiến sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), RCEP là Hiệp định thương mại tự do thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, RCEP là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới với 15 thành viên (gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand), chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu.

"RCEP bao gồm gần như toàn bộ các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam".

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI

Thứ hai, RCEP bao gồm gần như toàn bộ các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam: thương mại giữa Việt Nam với các đối tác RCEP chiếm hơn một nửa (55%) tổng thương mại của Việt Nam năm 2020 (trong đó xuất khẩu chiếm 41%, nhập khẩu chiếm 71%); đầu tư trực tiếp từ các nước RCEP vào Việt Nam lũy kế đến tháng 10/2021 cũng chiếm tới 62% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

Thứ ba, được ký kết vào tháng 11/2020 và có hiệu lực đầu năm 2022 trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19, RCEP mang nhiều kỳ vọng trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam để có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.

Đặc biệt, được xây dựng trên nền tảng các Hiệp định thương mại tự do riêng lẻ đã có giữa ASEAN với từng đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand (còn gọi là các FTA ASEAN+), RCEP là một FTA bao trùm gồm 20 Chương và 04 Phụ lục, với nhiều cam kết cao hơn các FTA ASEAN+, và bổ sung thêm nhiều lĩnh vực mới mà các FTA này chưa có hoặc có quy định không đáng kể (như thương mại điện tử, mua sắm công, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ ...).

“Với việc thiết lập nên các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất cho toàn bộ khu vực, RCEP sẽ mở thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực này”, bà Trang nhấn mạnh.

Vũ Khuê

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Xét xử phúc thẩm đại án gang thép Thái Nguyên (09/11/2021)

>   Khởi tố và bắt tạm giam nguyên Tổng Giám đốc Dược phẩm Cửu Long (09/11/2021)

>   Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Khu sản xuất, khu chế xuất thiếu lao động nhưng không đến mức trầm trọng (08/11/2021)

>   TP.HCM: Ăn uống tại chỗ chưa sôi động không hẳn vì không được bán sau 21 giờ (08/11/2021)

>   Vụ án Tất Thành Cang và đồng phạm sai phạm tại IPC, Sadeco: Tòa trả hồ sơ (08/11/2021)

>   Giải pháp giúp đảm bảo mục tiêu kép của TPHCM (08/11/2021)

>   Bắt Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức thông đồng nhà thầu mua thiết bị y tế (08/11/2021)

>   TP.HCM không đứt gãy nguồn lao động (08/11/2021)

>   200 công an triệt phá đường dây đánh bạc gần 14.000 tỉ đồng (07/11/2021)

>   Bắt thêm 4 đối tượng trong đường dây đánh bạc nghìn tỉ của Phan Sào Nam (07/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật