Việt Nam có phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 thứ 5?
Dù số ca nhiễm nCoV trên toàn quốc đã giảm dần, tỷ lệ này tại một số địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long hay Tây Nguyên lại tăng nhanh mang tới lo ngại về đợt dịch tiếp theo.
Thời gian qua, Việt Nam đã ghi nhận những dấu hiệu đáng mừng khi lượng người nhiễm nCoV trong nước và số ca tử vong có xu hướng giảm dần. Dựa trên tình hình đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Chính phủ đã thống nhất ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
Mặc dù vậy, một trong những dấu hiệu đáng lo ngại là số ca nhiễm tăng cao trong thời gian ngắn vừa qua tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, An Giang, Tiền Giang, Bình Thuận, Tây Ninh...
Các chuyên gia y tế cũng đánh giá nguy cơ dịch bùng phát trở lại là vẫn còn. Do đó, các địa phương sẽ phải luôn cảnh giác và thực hiện biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, nhất là khi tỷ lệ người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine còn thấp.
Dịch Covid-19 vẫn rất khó lường
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát vẫn cao và rất khó lường. Tuy nhiên, việc bùng dịch còn phụ thuộc nhiều vào khả năng đáp ứng của địa phương.
“Đến thời điểm này, các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã có sự cảnh giác, kinh nghiệm cũng như năng lực trong phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, việc một đợt dịch tiếp theo bùng lên và gây ảnh hưởng lớn như vừa qua là khó có thể xảy ra”, ông Phu nhận định.
Một đợt dịch tiếp theo bùng lên và gây ảnh hưởng lớn như vừa qua là khó có thể xảy ra.
PGS.TS Trần Đắc Phu
|
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng các ổ dịch vẫn có thể xuất hiện rải rác trên nhiều địa phương tương tự Hà Nam hay các tỉnh miền Tây thời gian qua. Nếu tình huống tương tự xảy ra, các địa phương sẽ phải phong tỏa hẹp và gọn để không ảnh hưởng tới kinh tế cũng như an sinh xã hội của người dân.
“Yếu tố quan trọng nhất là chúng ta cần phát hiện những ổ dịch này sớm nhất có thể. Ngoài ra, ý thức phòng dịch của người dân với việc thực hiện nghiêm 5K cũng góp phần rất lớn giúp các địa phương tránh được nguy cơ bùng phát dịch”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nhấn mạnh.
Một gia đình rời phòng trọ tại Đồng Nai để về quê ở An Giang. Ảnh: Duy Hiệu.
|
Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng những nơi chưa bùng phát dịch và tỷ lệ tiêm chủng vaccine còn thấp vẫn sẽ có nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 tiếp theo. Tuy nhiên, ông dự báo sự gia tăng ca nhiễm sẽ không quá lớn.
“Tùy địa phương và tính chất của ổ dịch, nguy cơ sẽ khác nhau. Ví dụ, nguy cơ về dịch tại Hà Nội có thể sẽ cao hơn TP.HCM đôi chút. Trong khi đó, mức độ dịch tại TP.HCM trong thời gian tới có lẽ sẽ ổn định như hiện nay. Dẫu vậy, nguy cơ tại 2 thành phố này nhìn chung không quá lớn. Ngược lại, các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ cần chuẩn bị nhiều hơn nếu dịch xảy ra”, ông cảnh báo.
Chuẩn bị trước cho làn sóng dịch tiếp theo
PGS Đỗ Văn Dũng chia sẻ: “Bài học lớn nhất tôi nhận thấy trong làn sóng dịch vừa qua là phải tiêm vaccine Covid-19 cho người cao tuổi trước. Xếp sau đó là chúng ta cần xây dựng hệ thống y tế cơ sở để tiếp nhận được bệnh nhân có nguy cơ, từ đó điều trị phù hợp”.
Theo vị chuyên gia này, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, hệ thống y tế của Việt Nam chưa chú trọng nhiều về khái niệm “oxy liệu pháp”, từ đó không chuẩn bị đủ giường được trang bị oxy cho bệnh nhân. Chính điều này dẫn tới việc quá tải khi dịch bùng phát, từ đó không đáp ứng được nhu cầu điều trị.
Một phụ nữ lớn tuổi được nhân viên y tế khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine Covid-19 tại Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.
|
“Việc chuẩn bị trước những vấn đề này là rất quan trọng. Nguyên nhân là không phải muốn có oxy là có được ngay. Vaccine cũng vậy, không thể hôm nay tiêm, ngày mai có hiệu quả ngay. Do đó, đây là 2 yếu tố khẩn cấp, các địa phương cần làm càng sớm càng tốt để chủ động khi dịch bùng phát”, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, nhận định.
Dựa trên nền tảng y tế đó, ông Dũng cho rằng khi dịch xảy ra, các tỉnh, thành phố sẽ phải nhanh chóng đánh giá tình hình, thực hiện biện pháp chống dịch nghiêm ngặt như giãn cách xã hội tuyệt đối, không cho người dân tới nơi công cộng... Nhờ đó, khả năng lây lan virus có thể được hạn chế.
Mặt khác, các địa phương cũng cần tổ chức xét nghiệm tại những nơi nguy cơ cao, xuất hiện F0 có triệu chứng, qua đó phát hiện sớm sự gia tăng của dịch bệnh và thực hiện biện pháp kiểm soát quyết liệt sớm nhất.
“Dù các địa phương đã chuẩn bị kịch bản phòng dịch cụ thể, tôi rất hy vọng với đặc điểm địa lý cùng mật độ dân cư thưa, khác với TP.HCM, sự lây nhiễm SARS-CoV-2 sẽ không quá nghiêm trọng như đợt dịch vừa qua”, PGS Dũng kết luận.
Lo ngại về sự thiếu thống nhất trong tiêu chí phân cấp độ dịch
Trong hướng dẫn của Bộ Y tế mới đây, các địa phương sẽ dựa trên những tiêu chí về tỷ lệ ca nhiễm trong cộng đồng/100.000 dân/tuần và người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine để đánh giá cấp độ dịch.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cho phép các tỉnh, thành phố tăng/giảm số ca nhiễm hoặc điều chỉnh tỷ lệ tiêm chủng nói trên theo tình hình thực tiễn trước khi đánh giá và phân cấp. Sự linh hoạt này gây ra nhiều lo lắng về việc làm mất đi giá trị của bộ tiêu chí, từ đó khiến Việt Nam khó kiểm soát tốt dịch.
Người dân khai báo y tế tại chốt kiểm soát cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội) ngày 13/10. Ảnh: Đức Anh.
|
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng Bộ Y tế nên thống nhất những tiêu chí cứng và quan trọng, từ đó buộc các địa phương phải tuân thủ.
Ông nêu ví dụ: “Với tỷ lệ tiêm chủng cho người cao tuổi, nếu không quy định thống nhất, nhiều địa phương có thể vì các sức ép như việc phải mở cửa, áp lực kinh tế..., và quyết định tiêm cho công nhân, người lao động trước để tránh làm gián đoạn sản xuất. Điều này có thể làm ảnh hưởng tới hiệu quả phòng dịch”.
Trong khi đó, chúng ta cũng cần rõ ràng về việc phân cấp độ dịch. Tình trạng mỗi địa phương lại có mốc số liệu để đánh giá cấp độ dịch khác nhau sẽ dẫn đến sự không phù hợp khi thực hiện.
PGS Dũng nhận định: “Điểm mạnh của hệ thống chính trị Việt Nam là sự quản lý thống nhất. Do đó, chúng ta nên có hướng dẫn cụ thể và yêu cầu địa phương phải làm theo. Tất nhiên, nếu các tiêu chí chưa phù hợp, các địa phương có quyền góp ý. Nhưng khi hướng dẫn đã được đưa ra, chúng phải thật sự rõ ràng".
Quốc Toàn
ZING
|