Thứ Bảy, 16/10/2021 08:50

Văn hóa – sức mạnh mềm quan trọng níu giữ người lao động

Hàng trăm nghìn người lao động di cư khỏi các trung tâm công nghiệp, các thành phố lớn vì dịch bệnh đặt ra rất nhiều câu hỏi, không chỉ liên quan đến kinh tế, xã hội mà còn đặc biệt liên quan đến văn hóa.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Trao đổi với chúng tôi , PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: COVID-19 là câu chuyện không ai muốn trải nghiệm nhưng khi chúng ta bắt buộc phải đối mặt thì cũng bộc lộ những điểm yếu mà trong thời gian vừa qua vì nhiều lý do chúng ta đã không để ý đến. Và đây là lúc chúng ta cần phải xử lý một cách toàn diện, dứt khoát để phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta không gặp vấn đề.

Gióng lên hồi chuông báo động về văn hóa

Việc người dân di cư từ TPHCM và các trung tâm công nghiệp, các thành phố lớn sau thời gian giãn cách xã hội là một vấn đề lớn. Hàng trăm nghìn người đi bằng các phương tiện cá nhân: Xe máy, xe đạp, thậm chí là đi bộ. Họ di chuyển trong một quãng đường dài, trong túi không còn tiền với sự mệt mỏi và rủi ro, nguy cơ chưa biết trước trong một quãng đường rất dài từ Nam ra Bắc.

Ông Bùi Hoài Sơn chia sẻ cảm nhận rằng, đó là những hình ảnh hết sức đau lòng khi mọi người tìm mọi cách để rời khỏi vùng đất trước kia họ đã từng coi là cơ hội đổi đời.

Với giai đoạn vô cùng khó khăn hiện nay, dịch bệnh nguy hiểm, chưa có tiền lệ, làm thay đổi rất nhiều thứ, là trải nghiệm mà chúng ta chưa bao giờ có trong cuộc đời. Chính vì thế đối phó của chúng ta có lúc, có nơi bị động đã khiến cho nhiều người từ bỏ giấc mơ của mình. Hoàn cảnh trước mắt buộc họ phải có một quyết định mà trước kia chưa từng nghĩ đến. Ở đây đặt ra rất nhiều câu hỏi, không chỉ liên quan đến kinh tế, xã hội mà đặc biệt liên quan đến văn hóa.

Ông Bùi Hoài Sơn phân tích, trước kia, việc ly hương đối với người dân nông thôn là hết sức khó khăn. Truyền thống của họ là luôn mong muốn con cái ở gần bố mẹ. Lực cản truyền thống đối với xu hướng dịch chuyển là rất lớn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sức hút của đô thị là rất lớn. Nó khiến cho truyền thống cũng thay đổi, khiến cho thanh niên lớn lên ở các vùng quê đều phần lớn đổ ra đô thị để kiếm sống, tìm đến các trung tâm công nghiệp để mong muốn có cuộc sống tốt hơn. Điều này khiến cho các đô thị và các khu công nghiệp trở thành tập hợp của rất nhiều miền quê khác nhau, đã nảy sinh những vấn đề nhất định liên quan đến câu chuyện này.

Văn hóa chịu một tác động rất lớn khi cấu kết cộng đồng ở các khu công nghiệp tập hợp rất nhiều vùng miền khác nhau. Nếu ở quê hương còn có các lễ hội, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng để gắn kết, thì ở các khu công nghiệp luôn thiếu những sinh hoạt văn hóa đó, cả truyền thống lẫn hiện đại, thiếu mối dây liên kết con người lại với nhau. Thiếu đi sự liên kết về mặt văn hóa, thiếu đi động lực tinh thần để gắn bó với vùng đất mà người ta đang làm việc. Những điều này kích thích người ta tìm đường về quê, bất chấp đường xa khó khăn, nguy hiểm rình rập dọc đường để tìm về với nơi mà họ cảm thấy an toàn nhất. Văn hóa là một nguyên nhân quan trọng không kém nguyên nhân về kinh tế, xã hội.

Dịch bệnh COVID-19 không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn gióng lên một hồi chuông báo động về văn hóa. Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở các khu công nghiệp thật sự nghèo nàn. Điều này khiến cho người công nhân bị cô đơn tại chính nơi làm việc.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, chính sự tách biệt với phong tục tập quán và văn hóa địa phương khiến cho các tệ nạn xã hội hoặc các hiện tượng “lệch chuẩn” cũng gia tăng. Khi con người cá nhân bị đẩy lên vì không có mối quan hệ về văn hóa, tinh thần với những người xung quanh dẫn đến họ không để ý đến dư luận xã hội, không để ý đến những ràng buộc đối với cộng đồng địa phương.

Dư luận xã hội và những ràng buộc sẽ khiến con người phải nghĩ đến cộng đồng, nghĩ đến những giá trị đạo đức nhiều hơn. Khi thiếu đi những thứ  đó, họ chỉ nghĩ đến bản thân họ mà thôi, đề cao lợi ích vật chất, lợi ích cá nhân của họ và xem nhẹ những lợi ích cộng đồng khác. Đó chính là nguyên nhân của nhiều vấn đề xã hội, vấn đề văn hóa.

Bù đắp về văn hóa rất quan trọng

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, văn hóa tạo ra sức mạnh mềm, rất quan trọng. Để giải quyết được hiện tượng người lao động di cư về quê từ góc nhìn văn hóa, theo ông Sơn, cộng đồng nhân dân địa phương phải chấp nhận có một nhóm đối tượng mới đến với mình. Để giải quyết xung đột về văn hóa là phải tạo điều kiện của những nhóm công nhân này tham gia nhiều hơn vào các sinh hoạt văn hóa địa phương. Chính sự bù đắp về văn hóa đó sẽ khiến tinh thần được bù đắp và khiến họ gắn bó hơn với địa phương. Nếu không có sự tham gia hỗ trợ từ phía cộng đồng địa phương hay có những liên hệ khác về mặt văn hóa thì sẽ có nhiều xung đột cần giải quyết.

Theo ông Sơn, nhận thức phải đến từ hai phía, cả cộng đồng nhân dân địa phương lẫn cả những người công nhân ở nơi khác đến. Khi người lao động tới một vùng đất mới, họ phải tìm cách thích nghi với văn hóa ở nơi đó. Bên cạnh đó, người dân địa phương phải tạo điều kiện cho người công nhân đến với vùng đất của mình được hưởng văn hóa, lúc đó họ mới chia sẻ những giá trị, những câu chuyện đối với vùng đất đó. Điều này sẽ tạo ra bầu không khí xã hội ổn định hơn, hỗ trợ cho sự phát triển nhân cách, văn hóa của con người nhiều hơn.

Đối với những sinh hoạt truyền thống, lễ hội, hội thi văn nghệ, thể dục thể thao của địa phương đều nên có sự tham gia của người lao động. Khi người lao động cảm thấy yêu vùng đất mới, yêu những con người ở nơi mới, họ sẽ mong muốn tìm hiểu văn hóa, truyền thống của vùng đất đó và khi họ gặp khó khăn thì sẽ cùng nhau chia sẻ, hạn chế câu chuyện cảm thấy cô đơn, bế tắc phải trở về quê nhà.

Bên cạnh đó là giải pháp từ văn hóa doanh nghiệp, tác nhân quan trọng để người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Trên thực tế trong giai đoạn vừa qua, doanh nghiệp nào xây dựng được văn hóa của mình tốt sẽ không xảy ra trường hợp bị người lao động rời bỏ. Văn hóa doanh nghiệp giúp người lao động kết nối, đoàn kết với nhau khiến họ cảm giác họ thuộc về văn hóa nơi đó, không muốn rời đi.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp quan trọng như vậy cho nên chúng ta cần có hình thức nhất định để sinh hoạt văn hóa, xây dựng những giá trị thông qua các hoạt động của doanh nghiệp, tạo ra gắn bó của người công nhân đối với doanh nghiệp, tạo ra sự tự hào và niềm tin, gắn kết của người lao động đối với doanh nghiệp. Nếu làm được điều đó thì khi doanh nghiệp có khó khăn về vật chất, người lao động vẫn chung sức đồng lòng vượt qua./.

Nhật Nam

Báo Chính Phủ

Các tin tức khác

>   Mở nửa vời, doanh nghiệp cũng khốn khổ (16/10/2021)

>   Thêm 170,6 MW điện gió được công nhận vận hành thương mại (15/10/2021)

>   Đồng Nai: 82% doanh nghiệp trong KCN hoạt động trở lại, người lao động tăng từng ngày (15/10/2021)

>   Điện than gặp khó, có lo thiếu điện? (15/10/2021)

>   Bộ Tài chính trao tặng bằng khen FPT với thành tích xử lý nghẽn lệnh sàn HOSE (15/10/2021)

>   Tiến độ cổ phần hóa tiếp tục "rùa bò" (15/10/2021)

>   Chính phủ đã mở, địa phương đừng gây thêm khó dễ với người dân (15/10/2021)

>   Yêu cầu điều tra bổ sung cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam (15/10/2021)

>   Nhà máy, doanh nghiệp hồi sinh sau đại dịch (15/10/2021)

>   Sợ trách nhiệm rồi cứ để mặc doanh nghiệp chết dần sao! (15/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật