Chính phủ đã mở, địa phương đừng gây thêm khó dễ với người dân
Sau khi Chính phủ ban hành hướng dẫn Nghị quyết 128, nhiều địa phương đã nhanh chóng chuyển trạng thái thích ứng bình thường mới, nhưng không ít tỉnh, thành vẫn chưa “chuyển màu”, mỗi nơi một kiểu.
Tàu xe "đói khách" vì quy định cách ly
Nghị quyết 128 của Chính phủ hướng tới việc giúp người dân trở lại với điều kiện bình thường mới trong đi lại, liên thông giữa các tỉnh. Trong thông báo phát đi hôm qua, 14.10, Bộ Y tế tiếp tục thông báo nhắc lại và khẳng định người đã tiêm đủ liều vắc xin, đã khỏi Covid-19 chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ, không yêu cầu người dân đi lại giữa các vùng trình xét nghiệm, ngoại trừ người đến từ vùng đỏ hoặc vùng cách ly y tế.
Người dân vào Hải Phòng sáng 15.10 đang chờ trình giấy tờ tuỳ thân, kết quả tiêm vắc xin. Lê Tân
|
Tuy nhiên, nhiều địa phương “một mình một kiểu”. Các quy định khác nhau khiến người dân dù rất muốn đi lại liên tỉnh nhưng vẫn rất ngần ngại. Theo thống kê của Vụ Vận tải (Bộ GTVT), dù máy bay, xe khách liên tỉnh đã khai thác thí điểm trở lại nhưng do vắng khách, mỗi ngày có cả chục chuyến bay phải hủy, có gần 50 tuyến xe khách liên tỉnh chạy từ 1 đến 6 xe nhưng không có khách nào.
Từ ngày 13 đến 14.10 đã có 13 tỉnh, thành triển khai hoạt động xe khách liên tỉnh với 91 tuyến, 169 chuyến đăng ký hoạt động/ngày. Thực tế hoạt động 73 tuyến, với 81 xe hoạt động/ngày, chở 251 khách.
Trong đó, tuyến nhiều khách nhất là bến xe Yên Bái - Thái Nguyên với 7 xe chở 48 hành khách; xếp sau là tuyến bến xe Miền Đông - phía Nam với bến xe Buôn Ma Thuột với chuyến chở 24 khách...
Đáng chú ý, có 48 tuyến xe hoạt động với số lượng 1 - 6 xe/ngày nhưng không có khách nào đi xe, trong đó nhiều tuyến ở vùng không còn dịch như Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái… Nhiều tuyến xe từ bến xe Miền Đông (TP.HCM) đi các tỉnh cũng không có khách nào. Các tuyến còn lại chở từ 1 đến 12 hành khách.
Vụ Vận tải cho biết hiện nay nhiều tỉnh đang vướng mắc trong việc rà soát về tiêm phòng cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách theo quy định của quyết định số 4800/QĐ-BYT để bố trí, sắp xếp lái và bán vé cho hành khách.
Ngoài ra, theo thống kê, ngày 14.10 các hãng hàng không đã khai thác 12 chuyến bay khứ hồi với 1.843 khách giữa các địa phương.
Trong đó, từ TP.HCM thực hiện 10 chuyến bay đến Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Nội, Phú Quốc, Gia Lai; từ Hà Nội thực hiện 3 chuyến bay đến TP.HCM, Đà Nẵng, Điện Biên. Có 3 chuyến bay từ TP.HCM đi Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa phải dời lịch bay do ảnh hưởng của bão số 8.
Tuy nhiên, từ ngày 10 đến 14.10, sau 4 ngày khai thác trở lại các đường bay nội địa, vẫn xảy ra tình trạng mỗi ngày có đến chục chuyến bay phải hủy vì không có khách, nhu cầu ít. Cụ thể, ngày 14.10, các chuyến bay từ Đà Nẵng đi Cần Thơ, Đắk Lắk; từ TP.HCM đi Cà Mau, Rạch Giá; từ Thanh Hóa đi Lâm Đồng không khai thác do khách ít.
Với đường sắt, sau vài ngày đầu đông khách đã bắt đầu giảm dần. Theo đó, từ ngày 13 đến 20.10, tàu SE8 chạy chiều TP.HCM - Hà Nội đã bán 1.728 vé. Tuy nhiên, khách chỉ mua vé nhiều trong các ngày từ 13 đến 16 - 10 với số lượng từ 400 giảm dần xuống 300 và 200 vé; từ ngày 17 đến 20 - 10 khách mua từ 136 và giảm đến 70 vé/ngày...
Chốt kiểm soát ở cầu Nghìn yêu cầu người dân khai báo y tế khi vào Hải Phòng, người dân vùng đỏ chưa tiêm đủ vắc xin phải cách ly tập trung 14 ngày. LÊ TÂN
|
Đừng làm khó dễ người dân
Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành đã thể hiện quyết tâm rất rõ về thích ứng với điều kiện mới để phục hồi sản xuất, kinh tế, nhưng một số địa phương vẫn đi ngược lại quyết tâm này.
“Quy định thêm các điều kiện như xét nghiệm hay cách ly thể hiện việc các địa phương không nghe lời Chính phủ, cố tình gây cản trở khó khăn cho người lưu thông. Nghị quyết 128 tinh thần là người dân phải tự chịu trách nhiệm, không can thiệp xử lý hành chính mà hướng dẫn cho người dân để tự bảo vệ sức khoẻ bản thân và người xung quanh”, ông Nga nói.
Cũng theo chuyên gia này, xét nghiệm với tất cả người dân, nhất là người dân tại các vùng không có dịch càng không có giá trị. “Chỉ cần xét nghiệm như hướng dẫn của Bộ Y tế là với những người có yếu tố dịch tễ như đi từ vùng dịch về, có triệu chứng nghi Covid-19 như sốt, ho, cảm cúm, hắt hơi... hoặc tiếp xúc gần với người dương tính. Không nên làm khó dễ cho người dân thêm nữa”, PGS-TS Nga nhìn nhận.
Hà Nội vẫn chưa “tô màu”
Đến sáng nay, sau 2 ngày khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, UBND TP.Hà Nội vẫn chưa ban hành hướng dẫn cụ thể để xác định thành phố ở cấp độ nào, màu gì.
Đến chiều qua, thành phố vẫn duy trì 22 chốt cửa ngõ ra vao thủ đô để kiểm soát phương tiện, người ra vào thành phố theo Chỉ thị 16. Tại chốt kiểm soát Pháp Vân - Cầu Giẽ, nhiều người dân thắc mắc khi phải trình xét nghiệm âm tính, không đúng với tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sáng 15.10, Công an Hà Nội đã bỏ chốt tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hiện thành phố còn 21 chốt cửa ngõ. Tuy nhiên, Phòng CSGT - Công an TP.Hà Nội đang đề nghị rút nốt 21 chốt còn lại.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, thành phố thực hiện nghị quyết số 128 của Chính phủ, mở lại các hoạt động nhưng không nóng vội, làm từng bước thận trọng để bảo vệ an toàn cho thủ đô. Mở ra nhưng phải theo nguyên tắc, có trật tự, vào thành phố vẫn phải đáp ứng các điều kiện an toàn.
Hải Phòng vẫn "bắt" cách ly tập trung
Tối 14.10, UBND TP.Hải Phòng thông báo điều chỉnh biện pháp phòng dịch Covid-19. Theo đó, người dân khi vào thành phố không cần phải trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 nhưng tùy theo vùng nguy cơ để áp dụng biện pháp cách ly khác nhau.
Cụ thể, Hải Phòng yêu cầu người ở các tỉnh thành, khu vực có nguy cơ rất cao (tương ứng với màu đỏ và màu cam trên bảng phân vùng dịch của cổng thông tin điện tử Bộ Y tế) nếu đã khỏi Covid-19 không quá 6 tháng, thì áp dụng cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7.
Với người đã tiêm đủ liều vắc xin thì cách ly y tế tập trung 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 1 và thứ 7, tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và xét nghiệm vào ngày thứ 7. Người chưa tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày thì cách ly tập trung 14 ngày, thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, thứ 7, thứ 14...
Tuy nhiên, quy định phải cách ly tập trung của TP.Hải Phòng là trái với hướng dẫn của Bộ Y tế về việc người đã tiêm đủ liều vắc xin không cần cáh ly tập trung, chỉ cần theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.
Tại Đà Nẵng, theo công văn ngày 12.10, người dân đến, về thành phố từ các địa phương trên cả nước (có dịch và không có dịch) phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ bằng RT-PCR hoặc test nhanh (riêng Quảng Nam đi vào Đà Nẵng không cần xét nghiệm âm tính).
Ngoài ra, với người dân đi, đến thành phố từ địa phương, khu vực có dịch Covid-19, phải đáp ứng thêm các yêu cầu: đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 phải cách ly tại nhà đủ 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7. Người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin hoặc tiêm đủ liều nhưng ngày tiêm liều cuối cùng chưa đủ 14 ngày, phải cách ly tại nhà đủ 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 3 lần...
Trong khi đó, nhiều tỉnh như Hải Dương, Thái Bình, Nam Định... vẫn chưa có những hướng dẫn mới trong việc kiểm soát người ra, vào địa bàn.
|
Mai Hà
Thanh niên
|