TP.HCM sẽ tiếp tục mở cửa thế nào?
Sau 2 tuần TP.HCM thực hiện Chỉ thị 18, đã có nhiều tín hiệu lạc quan nhưng đến tháng 11.2021, TP.HCM cũng chưa thể tiến tới trạng thái bình thường mới hoàn toàn.
Bên lề Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 9 diễn ra sáng qua 14.10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết đã ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan sau 2 tuần thực hiện Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi phát triển kinh tế, xã hội.
Diễn tiến tích cực
Cụ thể, các chỉ số về y tế diễn tiến theo chiều hướng tích cực khi số lượng ca tử vong hằng ngày giảm sâu, những ngày gần đây dao động 60 - 70 ca/ngày; số ca bệnh nặng và rất nặng đã giảm xuống dưới 500 ca. Số ca F0 hằng ngày đang giảm dần về con số 1.000 và TP.HCM đang phấn đấu để số ca nhiễm mới hằng ngày giảm xuống ở mức 3 con số.
Các doanh nghiệp ở TP.HCM đang duy trì sản xuất theo bộ tiêu chí sản xuất an toàn phòng chống dịch Covid-19 của TP.HCM. ĐỘC LẬP
|
Về kinh tế, hơn 70% doanh nghiệp (DN) và công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã hồi phục hoạt động. Một số DN tuyên bố năm nay vẫn giữ vững được chỉ tiêu về sản xuất, thậm chí còn vượt chỉ tiêu. “Đó là những tín hiệu lạc quan, đem lại sự tự tin sau các biện pháp nới lỏng giãn cách”, ông Đức đánh giá và cho biết trong tháng 10.2021 sẽ tiếp tục thẩm định những yếu tố tích cực nêu trên để duy trì đà phát triển, khôi phục sản xuất, dịch vụ, đưa cuộc sống người dân trở về cuộc sống bình thường mới.
Lãnh đạo TP.HCM nhận định phần lớn người dân đã giữ được tinh thần cảnh giác sau thời gian dài giãn cách, giữ sinh hoạt của mình trong mức có thể kiểm soát được dù “đâu đó vẫn còn tụ tập đông người”. Bên cạnh đó, các địa điểm sinh hoạt đông người, trung tâm thương mại, siêu thị đã thực hiện nghiêm các quy định về khai báo y tế và kiểm soát người ra vào bằng mã QR.
Ông Đức cho biết sẽ bám sát các chỉ đạo của T.Ư, hướng dẫn của Bộ Y tế để đánh giá linh hoạt và sát thực tế ở quy mô nhỏ nhất có thể, qua đó xác định tình hình dịch bệnh từng quận, huyện; phường, xã, thị trấn và từng khu phố. “Nơi nào an toàn thì được phép mở rộng các hoạt động trên tinh thần an toàn tới đâu thì mở cửa tới đó”, ông Đức nói.
Còn ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thêm TP đang nghiên cứu, thảo luận để cụ thể hóa Nghị quyết 128 quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế. TP đã thành lập tổ công tác quy tụ nhiều chuyên gia cùng với cơ quan chức năng chuẩn bị cho việc này.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên liệu TP.HCM có mở cửa nhiều hoạt động như Hà Nội hay không, ông Mãi cho biết mỗi TP có đặc điểm dịch bệnh khác nhau nên không thể áp dụng các biện pháp giống nhau. “Ví dụ phường này cho hoạt động nhưng người tham gia, khách hàng đến từ phường khác, nếu chỉ xử lý cục bộ thì không thể giải quyết được vấn đề. Phòng chống dịch và phục hồi kinh tế đôi khi mâu thuẫn với nhau nên phải tìm phương án giải quyết hài hòa”, ông Mãi nói và đánh giá đây là vấn đề khó. Sắp tới, TP.HCM sẽ thí điểm hoạt động kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ; có thể tổ chức ở Q.7 hoặc địa bàn khác đảm bảo an toàn.
TP.HCM đang áp dụng các bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19 trên các lĩnh vực như: sản xuất, giao thông, công thương, du lịch... để các cơ sở, DN hoạt động. Ông Phan Văn Mãi nói sẽ căn cứ vào các hướng dẫn tạm thời của T.Ư để điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp.
Về việc TP.HCM đã trở lại trạng thái bình thường mới chưa, ông Mãi nhận định “tính đến giờ phút này thì chưa thể nói là TP trở lại trạng thái bình thường mới”. Lý do là các cơ quan nhà nước vẫn chưa hoạt động đầy đủ; dạy học vẫn đang theo hình thức trực tuyến; các cơ sở y tế cũng chưa hoạt động hết công suất và nhiều hoạt động khác của xã hội cũng chưa hồi phục hết. “Theo diễn tiến thuận lợi này, đến tháng 11.2021, TP.HCM cũng chưa tiến tới trạng thái bình thường mới hoàn toàn. Như Singapore cũng xác định cần từ 3 - 6 tháng và cũng chưa chắc chắn”, ông Mãi dẫn chứng.
Băn khoăn ứng xử với F1
Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, sau gần 2 tuần thực hiện Chỉ thị 18, tình hình dịch Covid-19 tại TP chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Dựa trên các tiêu chí đánh giá dịch Covid-19 theo 4 cấp độ mà Bộ Y tế ban hành, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng - ĐH Y Dược TP.HCM, nhận định hiện TP.HCM đang ở cấp độ 3 (vàng).
Với cấp độ này, về giáo dục, TP.HCM có thể mở lại trường tiểu học, mẫu giáo; xem xét mở trường trung học. Về kinh doanh, cho phép hoạt động kinh doanh, sản xuất thực hiện trở lại. Tuy nhiên, kèm theo đó cần có một số biện pháp hạn chế và thực hiện phòng chống dịch. Về lưu thông, ở TP.HCM hoàn toàn đảm bảo; còn lưu thông giữa các tỉnh thì thực hiện các biện pháp kiểm soát, tiêm chủng vắc xin đầy đủ. Về y tế, cơ sở y tế có thể trở lại hoạt động bình thường... Những điều cơ bản mà TP.HCM cần thực hiện đầy đủ là cung ứng đủ thuốc men, phương tiện phòng chống dịch bệnh, truyền thông cho người dân hiểu và có ý thức hơn trong việc phòng chống Covid-19, giám sát dịch tễ...
“Mở lại bình thường mới thì vẫn chưa được, nhưng điều quan trọng nhất là hoạt động làm sao để phục hồi kinh tế, sinh hoạt, giáo dục... Những hoạt động có thể mở lại là: chợ truyền thống, siêu thị, xây dựng, sản xuất, kinh doanh”, PGS-TS Dũng phân tích.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng TP.HCM cần tiếp tục cảnh giác; nếu cần thiết vẫn phải giảm một số hoạt động trong phòng kín có thể khiến nguy cơ lây lan dịch cao như karaoke. Tuy vậy, ông Dũng cũng băn khoăn, trong giai đoạn tới sẽ ứng xử với các trường hợp F1 thế nào. Nếu vẫn giữ nguyên tắc F1 sẽ cách ly thì hoạt động sẽ đứt gãy trở lại; còn nếu chấp nhận F1 chỉ được theo dõi về y tế, xét nghiệm 2 - 3 ngày/lần thì phải quy định cụ thể để không làm đứt gãy sản xuất ở các công ty, DN. Theo ông Dũng, nếu F1 tiêm đủ 2 liều vắc xin, đảm bảo 5K thì nguy cơ mắc và diễn biến bệnh nặng, lây dịch rất thấp. Đây là khâu then chốt để đảm bảo duy trì hoạt động.
Duy Tính
Thanh niên
|