Thứ Tư, 06/10/2021 17:04

Thị trường bất động sản tạo ra "kháng thể" sau những cơn "cảm cúm" Covid-19

Thị trường bất động sản (BĐS) quý 3/2021 đã chịu tác động tiêu cực của đợt dịch Covid-19 thứ tư, khiến bức tranh chung khá ảm đạm. Tuy vậy, các chuyên gia cho biết những “kháng thể” tốt đã được sinh ra giữa bối cảnh dịch, là động lực cho đà hồi phục của thị trường về sau.

Sự kiện công bố báo cáo thị trường BĐS quý 3/2021 diễn ra ngày 06/10

Lượt quan tâm BĐS tiếp tục giảm mạnh

Thị trường bất động sản (BĐS) quý 3/2021 chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, khiến bức tranh chung khá ảm đạm. Mức độ quan tâm đến thị trường BĐS sụt giảm khá mạnh do diễn biễn phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài. Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ Batdongsan.com.vn, nguồn cung và nhu cầu trên thị trường giảm khá mạnh trong tháng 7 và tháng 8. Cụ thể là lượng tin đăng và mức độ quan tâm đến BĐS giảm lần lượt 22% và 12% trong tháng 7. Tháng 8 tiếp tục có mức giảm sâu hơn, lần lượt là 58% và 27% so với tháng liền trước.

Các tỉnh/thành có mức giảm mạnh nhất trong tháng 7 là Phú Yên (37%), Bình Dương (35%), Đồng Nai (35%), TP.HCM (33%), Khánh Hòa (32%) và trong tháng 8 là Đà Nẵng (49%), Bình Dương (40%), Hà Nội (36%), Đồng Nai 35%). Đây đều là những khu vực có số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất cả nước.

Loại hình BĐS có mức sụt giảm mạnh nhất cả về nguồn cung và nguồn cầu là nhà riêng/nhà mặt phố, căn hộ chung cư và đất nền. Trong tháng 8, Hà Nội có mức giảm mạnh ở cả hai thị trường BĐS bán và cho thuê so với TP.HCM, mức giảm lần lượt của hai khu vực là 36% và 17% so với tháng 7.

Biến động mức độ quan tâm thị trường BĐS Việt Nam theo ngày, đơn vị: Index
Nguồn: Báo cáo thị trường BĐS quý 3/2021 của Batdongsan.com.vn

Những điểm sáng trên thị trường

Mặc dù bức tranh chung mang nhiều màu xám, thị trường BĐS vẫn chứng minh sức hút và tiềm năng khi thể hiện sự phát triển ổn định ở một số khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh.

Đơn cử, Hải Phòng có mức độ quan tâm đến BĐS tăng ổn định 4% và 8% trong tháng 7, 8. Tại các địa phương từng là ổ dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh, nhu cầu tìm kiếm BĐS cũng ngược dòng thị trường với mức tăng ấn tượng. Cụ thể, lượt quan tâm BĐS tại Bắc Giang ghi nhận mức tăng trưởng theo tháng là 22% và 26% trong tháng 7 và 8/2021. Chỉ số này của Bắc Ninh lần lượt là 40% và 7%.

Với TP.HCM, dù lượt quan tâm có giảm nhưng dữ liệu cho thấy đây vẫn là thị trường có sức hấp dẫn và được ưa chuộng nhất cả nước. Trong khi số ca nhiễm tại TP.HCM có xu hướng tăng gấp nhiều lần các địa phương khác, nhu cầu tìm mua và sự quan tâm dành cho thị trường này vẫn ghi nhận mức độ cao nhất, mức giảm cũng chỉ ở tầm 17% so với con số 35-40% tại Hà Nội, Bình Dương hay các tỉnh thành có dịch bệnh khác.

Nguồn: Báo cáo thị trường BĐS quý 3/2021 của Batdongsan.com.vn

Giá BĐS vẫn tăng

Đáng chú ý, dù nguồn cung rao bán và nhu cầu giảm mạnh, giá BĐS tại TP.HCM và Hà Nội vẫn không có dấu hiệu giảm theo, thậm chí còn tăng mạnh so với cùng kỳ. Theo đó, giá chào bán chung cư tại TP.HCM trong tháng 8 có xu hướng đi ngang so với tháng 7 nhưng lại tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2020. Hà Nội tiếp tục ghi nhận giá rao bán căn hộ chung cư tăng 8% so với cùng kỳ.

Lý giải việc giá BĐS vẫn có xu hướng tăng trong khi giao dịch giảm, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết nguồn cung khan hiếm cộng với dòng vốn đổ vào BĐS tương đối dồi dào là những nguyên nhân chính. Hiện nay một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào BĐS tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá. Dù kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 thì nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao. Càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn.

Từ đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào BĐS tăng nhanh, nhiều nơi còn xảy ra tình trạng sốt đất. Nhu cầu đầu tư vào BĐS trước khi dịch Covid-19 bùng phát chiếm đến 75%. Các tháng gần đây, do giãn cách xã hội nên dòng tiền không trực tiếp chảy vào BĐS mà tập trung vào chứng khoán. Nhưng sau đó dòng tiền sẽ lại quay trở về với BĐS.

“Kháng thể” nào cho thị trường BĐS sau những đợt dịch Covid vừa qua?

Ông Quốc Anh nhấn mạnh điều quan trọng là tâm lý nhà đầu tư với thị trường BĐS hiện tại vẫn tin tưởng vào sự phục hồi. Bên cạnh đó, việc có thể duy trì làm việc từ xa và việc số hóa doanh nghiệp được thúc đẩy cũng là những yếu tố tạo nên “kháng thể” cho thị trường BĐS.

Ông Trương Anh Tú, Phó TGĐ PropertyX – Tập đoàn Hưng Thịnh còn chỉ ra mặt tích cực, nhiều doanh nghiệp đã có tầm nhìn nhạy bén trong sách lược kinh doanh, có tiềm lực tài chính và đội ngũ gắn kết trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Những doanh nghiệp này sẽ sở hữu “kháng thể” khá tốt trước dịch Covid-19. Vị chuyên gia cũng đồng tình với việc số hóa được thúc đẩy, ứng dụng công nghệ vào quản lý, vận hành tạo ra những yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp sau này.

Theo quan điểm của ông Huỳnh Thanh Hải, Phó TGĐ Vận hành ERA Việt Nam cho rằng yếu tố con người là “kháng thể” lớn nhất và công nghệ là phương tiện cần thiết. Bản thân con người từ công ty BĐS, chủ đầu tư, khách hàng... bắt buộc thay đổi để thích ứng trước Covid, khi đó mọi việc sẽ dần dễ dàng hơn.

Nhà đầu tư đã sẵn sàng giao dịch?

Bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, nhiều vấn đề kinh tế của người dân còn chưa quay lại như mức trước dịch ngay lập tức, lãi suất cũng có thể phải tăng. Những yếu tố này khiến tâm lý giao dịch BĐS của một số nhà đầu tư không khỏi bị ảnh hưởng.

Ông Trương Anh Tú chỉ ra mức độ sẵn sàng giao dịch chia ra ra 2 nhóm. Nhóm người thứ nhất còn trì hoãn cơ hội để quan sát, đánh giá thêm về diễn biến thị trường, những chính sách mở cửa ở địa phương. Nhóm người này còn khá e dè, thận trọng trong giao dịch.

Trong khi đó, nhóm thứ hai luôn tìm kiếm cơ hội và sẵn lòng “mở hầu bao”, miễn là dự án đáp ứng những yếu tố về vị trí, pháp lý. Về phía doanh nghiệp BĐS đã tăng cường các phương tiện hỗ trợ giao dịch, livestream... giúp người mua dễ tiếp cận hơn. Ông Tú nhắc lại rằng nhu cầu đầu tư BĐS là luôn luôn hiện hữu và người dân hoàn toàn có thể ra quyết định khi thấy phù hợp.

Về tốc độ hồi phục trong quý 4, các chuyên gia dự báo thị trường có thể cần thêm tháng 10 để “làm quen” trở lại, do đó đà hồi phục sẽ khả quan hơn vào tháng 11 và 12, với mức độ xấp xỉ hồi tháng 4 và tháng 5/2021.

Duy Na

FILI

Các tin tức khác

>   Giá căn hộ ở TP HCM vẵn tăng 10%-17% bất chấp đại dịch (06/10/2021)

>   Bất động sản công nghiệp: Miền Nam ảm đạm, miền Bắc vẫn sôi động (06/10/2021)

>   Khan hiếm nguồn cung BĐS tại Hà Nội (05/10/2021)

>   Bất động sản Việt Nam phát triển nhất khu vực Đông Nam Á (05/10/2021)

>   Đọc vị thị trường bất động sản hậu giãn cách (07/10/2021)

>   Giá căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM tăng 13 - 14% (04/10/2021)

>   Đâu là điểm tương đồng giữa doanh nghiệp bất động sản Việt Nam và Evergrande? (02/10/2021)

>   Doanh nghiệp BĐS: Hãy gia hạn nợ, đừng chuyển thành nợ xấu (29/09/2021)

>   Đầu tư định cư Ireland từ 400,000 euro (29/09/2021)

>   Bất động sản công nghiệp vẫn thu hút nguồn vốn FDI (28/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật