Kinh doanh bảo hiểm cần được quản lý chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 29/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải trình làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến
Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi
|
Thảo luận tại phiên họp, đa số đại biểu tán thành cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập sau nhiều năm thi hành. Theo các đại biểu, các nội dung của dự thảo đã phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng tốt hơn các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Bên cạnh đó các đại biểu cũng thảo luận một số nội dung cụ thể của Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội và phối hợp với các ủy ban của Quốc hội hoàn thiện để trình thông qua tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2022.
Liên quan về nội dung của dự thảo luật, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện các khái niệm, các hành vi nghiêm cấm và quy định cụ thể về bảo hiểm bắt buộc, quy định trong hợp đồng bảo hiểm rõ hơn, cụ thể hơn để phù hợp với Bộ luật Dân sự và các bộ luật khác, đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm như là chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, vô hiệu hợp đồng, nguyên tắc bồi thường…
Về ý kiến có quá nhiều nội dung giao Chính phủ và Bộ Tài chính hướng dẫn tại dự thảo Luật, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã có nhiều thay đổi căn bản so với Luật hiện hành, điều chỉnh nhiều vấn đề mới.
Các nội dung dự thảo Luật giao Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn chủ yếu bao gồm các nội dung có kỹ thuật, chính sách của Nhà nước theo từng thời kỳ hoặc thay đổi thường xuyên phải được cập nhật kịp thời, để đảm bảo phù hợp với sự phát triển của thị trường, đồng thời giữ được tính ổn định, sức sống lâu dài của Luật.
So sánh với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) giao Chính phủ hướng dẫn 18 nội dung, giảm 30 nội dung so với Luật hiện hành; giao 14 nội dung cho Bộ Tài chính quy định, tăng 7 nội dung so với Luật hiện hành.
Đối với quy định về bảo hiểm vi mô, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đưa nội dung cần thiết vào Chương bảo hiểm vi mô như điều kiện thành lập, tổ chức tương hỗ, sản phẩm, nguyên tắc hoạt động, sản phẩm bảo hiểm vi mô và đảm bảo tính khả thi phục vụ cho cuộc sống, trợ giúp người nghèo, người yếu thế. Theo Bộ trưởng, đây là loại hình bảo hiểm mới, cùng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với người yếu thế, loại hình bảo hiểm này mang tính lợi nhuận không cao, còn rủi ro do đó cần có sự linh hoạt, nên Bộ Tài chính đề nghị đưa một số nội dung hướng dẫn cụ thể vào dự thảo nghị định của Chính phủ.
Đối với nhóm quy định về đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu, rà soát, hoàn chỉnh dự thảo về hoạt động của đại lý bảo hiểm nhằm nâng cao hơn tính chuyên nghiệp của các kênh trung gian bảo hiểm này, tránh lợi dụng khách hàng.
Về thời điểm có hiệu lực của Luật này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến các ĐBQH, chỉnh sửa thời điểm có hiệu lực của Luật này sớm hơn, bắt đầu từ 1/1/2023, thay vì 1/7/2023 như dự thảo gửi xin ý kiến trước đây.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu Quốc hộivề cung cấp thông tin, theo Bộ trưởng, “do bí mật cá nhân nên chúng tôi quy định rõ, tuân thủ điều 21 Hiến pháp, Bộ Luật Dân sự, thực hiện phân cấp quản lý, đảm bảo đúng quy định về bảo mật thông tin”.
Đối với bảo hiểm bắt buộc, dự thảo luật đã quy định rõ 3 loại hình, còn các loại hình khác đã được Quốc hội quy định ở các luật chuyên ngành, hiện có 14 luật chuyên ngành quy định vấn đề này. Dự báo có thể sẽ tăng thêm những quy định ở các luật khác, do đó, Bộ Tài chính không quy định cụ thể, nếu quy định cụ thể, sẽ sót lọt trong quy định.
Ngoài ra, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng giải trình làm rõ thêm về kiến nghị thi cấp chứng chỉ bảo hiểm của Bộ Tài chính.
Sở dĩ vấn đề này được quy định trong luật do bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cũng như quy định trong lĩnh vực giá, lĩnh vực chứng khoán, kế toán kiểm toán, do đó cần phải do Bộ Tài chính tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề.
“Đây là những lĩnh vực chuyên sâu, cần phải quản lý chặt chẽ, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm cũng như đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội”, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết.
Nhật Quang
FILI
|