Thứ Tư, 13/10/2021 15:07

Hà Nội muốn đưa 3 huyện lên thành phố: 'Kiểm soát quy hoạch tránh tạo cơn sốt đất ảo'

Ủng hộ chủ trương Hà Nội quy hoạch 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố. Tuy nhiên, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, đây mới chỉ là ý tưởng, chủ trương vì vậy trong quá trình thực hiện cần kiểm soát tốt quy hoạch và phải có lộ trình nếu không sẽ tạo nên cơn “sốt đất ảo” và chính người dân sẽ chịu thiệt thòi.

Phải là thành phố đa chức năng

Trong Báo cáo gửi HĐND TP Hà Nội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, UBND TP Hà Nội nêu một trong số định hướng 5 năm tới là dự kiến nghiên cứu, đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố.

Trao đổi với chúng tôi, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, ông ủng hộ quan điểm này của Hà Nội.

Theo chuyên gia, quy hoạch 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh trong tương lai phải là thành phố đa chức năng, gắn với thành phố trung tâm, là nơi góp phần giãn dân cho nội đô, tạo thành chuỗi đô thị liên kết bổ trợ cho nhau theo chức năng định hướng phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội.

Cũng theo KTS Phạm Thanh Tùng, huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh có lợi thế về hạ tầng giao thông như cầu Nhật Tân nối sang Đông Anh và loạt hệ thống hạ tầng khác nối Mê Linh, Sóc Sơn. Đồng thời, 3 huyện này có thế mạnh về phát triển công nghiệp, dịch vụ,... cửa ngõ có sân bay quốc tế Nội Bài.

Đặc biệt, khi đô thị sông Hồng phát triển tác động rất lớn đến những khu vực này, sẽ kết nối thành chuỗi đô thị đa chức năng phía Đông và phía Bắc của Thủ đô.

Tuy nhiên, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, hiện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh đang là cấp huyện chủ yếu là nông nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa rất thấp. Do đó, để lên thành phố, các huyện này phải đảm bảo được các tiêu chí theo quy định như dân số, diện tích... đặc biệt, tỷ lệ đô thị hóa phải đạt 65%.

Đồng thời, đó phải là thành phố đa chức năng, gắn với thành phố trung tâm, là nơi góp phần giãn dân cho nội đô, tạo thành chuỗi đô thị liên kết bổ trợ cho nhau theo chức năng định hướng phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội.

“Ở đó phải có khu đô thị để ngủ, nghỉ dưỡng, tạo công ăn việc làm để người dân sống trong thành phố đó và phải tự nuôi được mình, tự tạo ra được GDP chứ không phải sinh ra thành phố lại dựa vào nguồn lực của thành phố mẹ thì không đúng theo quy luật phát triển”, KTS Phạm Thanh Tùng nói.

Cần kiểm soát tốt quy hoạch tránh cơn sốt đất ăn theo

Cũng theo KTS Phạm Thanh Tùng, đây mới chỉ là ý tưởng, chủ trương cho nên trong quá trình thực hiện rất cần có sự kiểm soát, giám sát tốt về quy hoạch và phải có lộ trình nếu không sẽ tạo nên cơn “sốt đất ảo” đối với các khu vực dự kiến lên thành phố này.

“Đất mua gom là đất nông nghiệp nhưng khi chuyển sang đất đô thị giá tăng vài chục lần sẽ dễ gây sự hỗn loạn như những bài học nhãn tiền về cơn sốt đất trước đó. Hay như hồi đầu năm khi có ý tưởng Quy hoạch phân khu sông Hồng. Lúc đó, người ta bán cả đất bãi, đất thoát lũ cũng bị bán...”, KTS Phạm Thanh Tùng phân tích.

KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, đây mới chỉ là ý tưởng, chủ trương vì vậy trong quá trình thực hiện cần kiểm soát tốt quy hoạch và phải có lộ trình nếu không sẽ tạo nên cơn “sốt đất ảo” và chính người dân sẽ chịu thiệt thòi.

Cũng theo ông Tùng, những thông tin này phải chính xác, có định hướng dư luận rằng đây chỉ là trong tương lai, còn để 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh trở thành thành phố sẽ còn rất nhiều vấn đề phải làm. “Người dân phải bình tĩnh trước những thông tin này, nếu đầu tư ăn theo thông tin quy hoạch sẽ tạo nên cơn “sốt đất ảo” và cuối cùng người chịu thiệt thòi chính là người dân”, KTS Phạm Thanh Tùng khuyến cáo.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, khi từ huyện lên thành phố giá đất những khu vực này sẽ tăng lên vì đất đô thị bao giờ cũng cao hơn đất nông thôn, đó là quy luật tất yếu. Nó dễ bị giới cò lợi dụng để tạo sóng, gây "sốt đất".

Do đó, ông Châu khuyến cáo nhà đầu tư phải hết sức tỉnh táo và cần khảo sát kỹ lưỡng về hạ tầng. Bởi muốn đón đầu phải nắm rõ về quy hoạch và định hướng tại khu vực muốn đầu tư, không thể “đưa chân, nhắm mắt đi liều”.

Theo ghi nhận của PV, sau thông tin Hà Nội muốn đưa 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố trong kế hoạch 5 năm tới, thì tại những khu vực này đang xuất hiện đợt “sóng ngầm”, nhiều nhà đầu tư đổ xô đi xem đất, đi tìm hiểu thông tin dự án. Giá đất những khu vực này cũng đang bị “làm giá”.

Theo quy định, đơn vị hành chính muốn trở thành thành phố thuộc cấp tỉnh phải có quy mô dân số 150.000 người trở lên; diện tích tự nhiên 150 km2 trở lên; có 10 xã trực thuộc trở lên; đã được công nhận đô thị loại 1, 2 hoặc 3; đạt quy định về cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

Các huyện được đề xuất lên thành phố ở Hà Nội hiện cơ bản đáp ứng tiêu chí về diện tích, dân số và số đơn vị hành chính trực thuộc.

Trong đó, Đông Anh diện tích hơn 180 km2, dân số khoảng 380.000 người, 23 xã, một thị trấn trực thuộc; Sóc Sơn có diện tích hơn 300 km2, dân số khoảng 350.000 người, có một thị trấn và 25 xã; Mê Linh diện tích hơn 140 km2, dân số khoảng 230.000 người, 2 thị trấn và 16 xã...

Đình Phong

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Bất chấp dịch, bất động sản vẫn tăng giá (11/10/2021)

>   Bất động sản khu vực nào sẽ phục hồi sớm nhất? (09/10/2021)

>   DKRA: Thị trường BĐS TP.HCM và vùng phụ cận giảm cả nguồn cung và lượng tiêu thụ trong quý 3 (08/10/2021)

>   Bộ Xây dựng sắp ban hành 2 văn bản tác động rất lớn đến thị trường BĐS (08/10/2021)

>   Thị trường bất động sản: Khi được "cởi trói" sẽ tăng mạnh mẽ (07/10/2021)

>   Thị trường bất động sản tạo ra "kháng thể" sau những cơn "cảm cúm" Covid-19 (06/10/2021)

>   Giá căn hộ ở TP HCM vẵn tăng 10%-17% bất chấp đại dịch (06/10/2021)

>   Bất động sản công nghiệp: Miền Nam ảm đạm, miền Bắc vẫn sôi động (06/10/2021)

>   Khan hiếm nguồn cung BĐS tại Hà Nội (05/10/2021)

>   Bất động sản Việt Nam phát triển nhất khu vực Đông Nam Á (05/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật