Thứ Ba, 26/10/2021 08:34

Giới trẻ Hàn Quốc và cuộc sống như phim Squid Game

Khi Kim Keunha lần đầu chuyển đến Seoul 8 năm trước, địa điểm yêu thích của anh trong thành phố là một nơi gần cầu Mapo. Lúc đó, ở tuổi 19, anh bị thu hút bởi ánh đèn sặc sỡ của thủ đô, khác xa với quê hương Andong, một thành phố ở tỉnh Gyeongsang, miền nam Hàn Quốc. Đến Seoul với mong muốn trở thành một nghệ sĩ xăm hình, Kim thường đi dạo qua cầu - đôi khi cảm thấy nhớ nhà, lạnh và đói.

Tám năm trôi qua, cầu Mapo mang ý nghĩa rất khác với Kim. Trong thập niên qua, cây cầu này đã trở thành điểm nóng vì những vụ tự tử, khi những người tuyệt vọng và mắc nợ đến đây gieo mình xuống sông.

Đối với Kim, điều đó trở thành lời nhắc nhở về những ước mơ cam go, chưa thực hiện được. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của anh bây giờ là khoản nợ khoảng 40,000 USD mà anh phải gánh trong thời gian ở Seoul.

"Tôi tự cho mình là người may mắn vì đã giữ được khoản nợ dưới 50,000 USD. Tôi biết hiện giờ, mình đang gặp nhiều rắc rối về tài chính như thế nào nhưng không thể làm được gì nhiều để thay đổi tình hình", Kim nói và cho phóng viên Business Insider xem bản sao kê ngân hàng mới nhất của anh.

Năm 2021, tổng số nợ mà người Hàn Quốc phải gánh hơn 1.5 nghìn tỷ USD, gần bằng GDP 1.63 nghìn tỷ USD của nước này.

Một cuộc khảo sát năm 2018 từ Viện Seoul Hàn Quốc cho thấy người Hàn Quốc nợ khoảng 44,000 USD/hộ gia đình.

Đó là khá nhiều, khi tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người năm 2019 chỉ 33,790 USD, theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới.

"Nếu ai đó nói với tôi rằng ngay bây giờ, bạn có thể đánh cược cuộc đời mình để xóa nợ và trở thành tỷ phú, tôi sẽ làm điều đó mà không do dự", Kim nói.

Người trẻ Hàn Quốc đang đối mặt cuộc khủng hoảng nợ chưa từng có

Bộ phim "Squid Game" kể về câu chuyện của một nhóm 456 người Hàn Quốc vì đối mặt với nợ nần nên sẵn sàng tham gia một loạt trò chơi tử thần dựa theo các trò chơi quen thuộc của trẻ em Hàn Quốc ngày xưa nhằm giành giải thưởng 38 triệu USD.

Với những người như Kim, 38 triệu USD là khoản tiền mà anh nói rằng sẽ “sẵn lòng chết vì nó”.

Vì chỉ kiếm được rất ít từ nghề xăm hình nên Kim đã trải qua một loạt công việc lặt vặt trong 5 năm qua: Nhân viên bưng bê tại một hộp đêm ở thị trấn đại học Hongdae, bồi bàn trong một tiệm thịt nướng ở Sinchon. Hiện tại, Kim đang cố gắng kiếm sống bằng cách làm việc bán thời gian tại một cửa hàng tiện lợi sau khi bị mất việc ở nhà hàng và hộp đêm do đại dịch.

Nhờ có hai công việc vào năm 2019, Kim được phép mở bốn thẻ tín dụng. Giờ đây, anh phải vật lộn để trả hết số tiền tối thiểu trên mỗi thẻ mỗi tháng, khoảng 280-350 USD/tháng/thẻ. Tuy nhiên, anh thậm chí còn dựa nhiều hơn vào thẻ tín dụng suốt 8 tháng thất nghiệp kéo dài vào năm ngoái và ngậm ngùi nhìn ​​những tiến bộ nho nhỏ mà anh đạt được trong việc trả nợ bị xóa sổ.

Ngay cả đối với những cá nhân có thu nhập thấp cũng dễ dàng nhận được tín dụng ở Hàn Quốc. Quốc gia này chứng kiến ​​sự bùng nổ tín dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 khi Chính phủ Hàn Quốc giảm thuế đối với các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng để thúc đẩy chi tiêu. Điều này đã tăng dần theo thời gian, giúp thế hệ Y ngày nay dễ dàng cảm thấy hài lòng với các giao dịch mua bằng tín dụng của họ.

Vào năm 2019, ước tính trung bình mỗi người Hàn Quốc có khoảng 4 thẻ tín dụng, trong đó việc sử dụng thẻ tín dụng chiếm khoảng 70% chi tiêu cá nhân trong năm đó.

Thêm vào đó là sự phát triển của các chương trình tín dụng nhanh chóng, và người dùng càng dễ gặp… “thảm họa”.

Giờ đây, mọi người có thể nhận được những "khoản vay thất nghiệp" thông qua các công ty cho vay dựa trên app (ứng dụng). Một người đàn ông nói với nhật báo Hàn Quốc Kyunghyang Shinmun rằng anh ta có thể nhận được khoản tín dụng khoảng 3,000 USD chỉ trong vòng 5 phút, với lời hứa lãi suất 0.01% trong thời gian giới hạn.

"Khi tiền lương không đủ chi trả cho những nhu cầu cơ bản, bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc thanh toán trước mọi thứ bằng thẻ tín dụng. Đôi khi, tôi vẫn thấy mình dựa vào thẻ tín dụng để trả tiền ăn uống và chi phí đi lại", Kim nói với Business Insider.

Nhiều người trẻ Hàn Quốc thuộc thế hệ Y sống trong những căn hộ siêu nhỏ

Nhiều người trẻ thuộc thế hệ Y của Hàn Quốc hiện sống trong các goshiwon - những khu nhà theo kiểu ký túc xá, một phòng chỉ chứa được một chiếc giường và một chiếc bàn. Ban đầu, loại nhà này được xây dựng trong các khu đại học dành cho sinh viên chỉ sống trong một hoặc hai tháng để thi, nhưng sau đó đã trở thành lựa chọn nhà ở duy nhất cho túi tiền của nhiều người thuộc thế hệ Y.

Hwang Tae-ho, 28 tuổi, một nhạc sĩ đầy tham vọng, từng phục vụ tại một câu lạc bộ trong khu đại học Hongik, hiện sống trong một goshiwon có diện tích khoảng 3 mét vuông. Hwang không có khả năng mua một căn hộ thông thường vì không đủ tiền tiết kiệm để thanh toán "wolse" (thuật ngữ tiếng Hàn chỉ khoản trả trước cần thiết để đảm bảo hợp đồng thuê nhà). Đây là hệ thống cho thuê duy nhất ở Hàn Quốc, trong đó người thuê trả trước cho chủ nhà khoảng một năm tiền thuê nhà, sau đó hàng tháng thanh toán một khoản nhỏ cho phần còn lại của thời gian lưu trú.

"Tôi giao hàng và làm việc hai ngày một tuần tại một quán cà phê nhưng chỉ đủ trả tiền thuê nhà và tiền ăn. Tôi thấy thật thú vị khi người nước ngoài nghĩ không gian sống bẩn thỉu mà bạn thấy trong phim Parasite và Squid Game là độc nhất vô nhị hoặc phản ứng với nó như thể họ đã khám phá ra một thế giới mới. Rất nhiều người như tôi sống ở những nơi như thế này", Hwang nói với Business Insider.

Hwang nói đúng. Khoảng 1/5 số hộ gia đình chỉ có 1 thành viên ở Seoul sống trong không gian dưới 14 mét vuông. Viện Seoul cũng ước tính 1/3 số hộ gia đình chỉ có 1 thành viên sống trong các banjiha (nhà có một phần dưới lòng đất - như trong phim Parasite) hoặc goshiwon.

Hwang nói với Insider rằng anh cũng đang nợ nần chồng chất, khi phải trả khoảng 8,000 USD hóa đơn thẻ tín dụng chưa thanh toán và gặp khó khăn trong việc thanh toán số tiền tối thiểu hàng tháng.

Không ai muốn sống trong goshiwon, nhưng tôi không thể có lựa chọn tốt hơn”, anh nói thêm.

Nhã Thanh (Insider)

FILI

Các tin tức khác

>   TP Thủ Đức và quận, huyện chờ TP.HCM hướng dẫn để mở thêm hoạt động (25/10/2021)

>   Cho mở, nhưng bán tại chỗ vẫn khó (25/10/2021)

>   Ngày 24/10 thêm 4.045 ca mắc COVID-19, giảm mạnh số ca tử vong (24/10/2021)

>   Chính thức công bố cấp độ dịch COVID-19 trên toàn TPHCM (24/10/2021)

>   Cần liều thuốc đặc trị vực dậy doanh nghiệp du lịch (24/10/2021)

>   Những điều hành khách cần lưu ý khi lên sân bay (23/10/2021)

>   Ngày 22.10 ghi nhận 3.985 ca mắc Covid-19 tại 50 tỉnh, thành (22/10/2021)

>   Khi giấc mơ Mỹ xa vời, đâu là điểm đến đáng kỳ vọng tiếp theo? (25/10/2021)

>   Sở Y tế TP.HCM: Dịch Covid-19 tại thành phố đang ở cấp độ 2 (22/10/2021)

>   Ghét thái độ nhân viên ngân hàng, đại gia Trung Quốc rút 18 tỷ, bắt đếm tay toàn bộ (22/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật