Giá xăng dầu chưa tác động đến GDP 2021
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS NGÔ TRÍ LONG, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả (Bộ Tài chính), nhận định giá xăng dầu tăng mạnh thời gian qua sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế và tăng giá cả các loại hàng hóa. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là thời điểm can thiệp điều tiết thị trường xăng dầu trong nước bằng công cụ miễn, giảm thuế và phí.
PGS.TS NGÔ TRÍ LONG
|
Dự báo xu hướng giá xăng dầu trên thị trường thế giới hiện nay có 2 quan điểm: (1) Giá dầu sẽ tiếp tục tăng và cán mốc 100USD/thùng. Cơ sở của quan điểm này xuất phát từ phân tích tình hình kinh tế các nước đang dần hồi phục sau thời gian trầm lắng do dịch Covid-19 kéo dài nên nhu cầu về xăng dầu, nhiên liệu trên thị trường sẽ tăng. (2) Giá dầu tăng nhưng khó đạt mức 100USD/thùng mà sẽ đi xuống.
Hiện câu hỏi đặt ra là liệu giá dầu có thể tăng lên mức 100USD hay không? Thực tế, các nghiên cứu có nhiều dữ liệu cho thấy giá dầu trên thế giới khó tăng lên mức 100USD/thùng. Bởi khi đã tăng lên mức này nhu cầu tiêu thụ sẽ giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến các nước sản xuất dầu không thu được lợi nhuận.
Những động thái gần đây cho thấy nhóm OPEC+ đang tính toán đến phương án tăng sản lượng khai thác dầu. Như vậy, có thể thấy giá dầu khó duy trì đà tăng cao kéo dài.
PHÓNG VIÊN: - Nhưng thưa ông, giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng trong thời gian qua sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất khi chi phí đầu vào cho xăng dầu quá cao. Phải chăng đã đến lúc Chính phủ cần can thiệp để bình ổn giá?
PGS.TS NGÔ TRÍ LONG: - Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Giá thế giới tăng giá trong nước cũng sẽ tăng theo. Hiện nay, trong quản lý xăng dầu chúng ta có Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG).
Tuy nhiên, do giá xăng dầu tăng liên tục suốt mấy tháng qua nên quỹ này được sử dụng cho điều tiết đã gần hết. Trước tình hình đó, quản lý giá xăng dầu, điều hành như thế nào đang là vấn đề được đặt ra. Vấn đề ở đây, chúng ta phải bám sát thị trường xăng dầu thế giới, từ đó có những dự báo, điều hành phù hợp.
Hiện các dự báo cho thấy đà tăng của giá xăng dầu sẽ không kéo dài, vì đà phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Nhiều ý kiến vẫn lo ngại kinh tế các nước hồi phục cũng chỉ có tính nhất thời, dịch Covid-19 với các biến thể vẫn còn diễn biến phức tạp, khả năng vẫn còn quay trở lại nên tiến trình phục hồi kinh tế có thể bị ngắt quãng, do đó đà phục hồi thiếu ổn định, ít nhất trong ngắn và trung hạn.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố mới đây, cũng nhấn mạnh đến sự đứt gãy trong các chuỗi cung ứng và sức ép giá đang kiềm chế đà phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch.
Do đó, IMF đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% so với mức 6% đưa ra trong dự báo hồi tháng 7. Như vậy, đà tăng giá xăng dầu dự báo không kéo dài, do đó nếu sử dụng công cụ can thiệp giá xăng dầu bán lẻ trong nước lúc này có thể còn sớm.
- Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp (DN) mới tái hoạt động sau thời gian dài tê liệt vì dịch Covid-19, giá xăng dầu tăng sẽ là “cú đánh bồi” về gánh nặng chi phí, do đó cần thực hiện chính sách giảm thuế hoặc phí đối với xăng dầu để hỗ trợ DN phục hồi, thưa ông?
- Chúng ta đang khôi phục kinh tế, DN và người dân đều đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài. Giá xăng dầu tác động toàn diện cả sản xuất lẫn đời sống người dân, đến năng lực cạnh tranh của DN.
Vì thế, nếu giá xăng dầu tăng, tức chi phí đầu vào tăng giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao, sẽ khiến năng lực cạnh tranh giảm. Hiện quỹ BOG đã cạn kiệt, khi xăng dầu tăng giá sẽ ảnh hưởng đến nguyên liệu đầu vào cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Trực tiếp đối với người dân và DN tiêu dùng xăng dầu như vận tải đường bộ, hàng không, đánh bắt cá xa bờ, sản xuất nông nghiệp…
Gián tiếp đối với bất kỳ hàng hóa nào vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng, khi giá xăng dầu tăng sẽ được tính vào chi phí trung gian vận chuyển, khiến mặt bằng giá hàng hóa tăng lên theo.
Nhìn vào cơ cấu giá xăng dầu hiện nay, thuế và phí đang chiếm tỷ trọng rất lớn (hơn 40%). Tuy nhiên, hiện nay nguồn thu ngân sách của chúng ta lại đang gặp khó khăn rất lớn. Nguồn thu từ xuất nhập khẩu đang bị hạn chế do Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới, với những cam kết cắt giảm thuế quan theo lộ trình, do đó nguồn thu từ xuất nhập khẩu không còn đáng kể. Thu thuế hiện nay trông chờ vào nội địa.
Năm nay cân đối thu chi ngân sách đang rất khó khăn (do chi chống dịch, chi đầu tư…), ngoài phòng ngừa, sản xuất bị trì trệ do dịch dẫn đến nguồn thu từ các hoạt động lợi nhuận của DN cũng chịu nhiều hạn chế.
Do vậy, nếu giảm ngay thuế, phí đối với xăng dầu cũng rất khó khăn. Đây là vấn đề rất cần thận trọng. Có thể chỉ giảm mức độ nào đó, tạm thời khoan sức cho DN và khoan sức dân, nhưng phải đúng thời điểm và có lộ trình, không thể áp dụng ngay được.
- Giá xăng dầu tăng cao sẽ tác động thế nào đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong quý IV, thưa ông?
- Giá xăng dầu tăng cao không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng GDP quý IV, vì đây cũng chỉ là yếu tố nhỏ. Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu tăng kéo dài sẽ làm tốc độ khôi phục và tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, kìm hãm sản xuất.
Còn trong tăng trưởng quý IV, xuất khẩu và đầu tư công là quan trọng, xăng dầu tác động không lớn.
Năm 2021, theo Nghị quyết Quốc hội, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%. Thực tế, không riêng xăng dầu, trong năm nay áp lực tăng giá trong nước còn đến từ việc tiếp tục điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường, một số mặt hàng có yếu tố chi phí đầu vào tăng nhiều.
So với 9 tháng đầu năm, hiện dư địa lạm phát vẫn còn. Quý IV nếu giá xăng dầu vẫn giữ mức tăng như hiện nay lạm phát chắc chắn vẫn trong tầm kiểm soát, khó có khả năng vượt ra khỏi mục tiêu 4%. Song trong điều hành vẫn phải thận trọng.
- Xin cảm ơn ông.
Cần theo dõi chặt chẽ, đánh giá diễn biến của giá xăng dầu. Nếu giá xăng dầu thế giới còn leo thang mới tính đến miễn, giảm thuế phí. Hiện ngân sách nhà nước thu không đủ chi, cần xét đến sự cân đối hài hòa giữa khôi phục phát triển kinh tế với cộng đồng, với người dân.
|
Lưu Thủy
Sài Gòn Đầu Tư
|