Giá ô tô tại Việt Nam có thể sẽ giảm mạnh từ ngày 15-11
Bộ Tài chính vừa đề xuất phương án giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Thời gian thực hiện từ 15-11-2021 đến giữa tháng 5-2022.
Bộ Tài chính đang xin ý kiến các bộ ngành, địa phương góp ý cho dự thảo nghị định về giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước, áp dụng từ ngày 15-11 đến hết ngày 15-5-2022.
Theo Bộ Tài chính, trường hợp Chính phủ ký ban hành nghị định sau 15-11, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ thời gian thực hiện và hiệu lực từ ngày 1-12-2021 đến hết tháng 5-2022. Bộ Tài chính cho biết, mục đích của chính sách trên nhằm kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản.
Bộ này nêu thực tế, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô. Đối với ngân sách nhà nước, dù giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước sẽ khiến giảm số thu lệ phí trước bạ xuống 7.314 tỉ đồng.
Tuy nhiên về tổng thể, số thu ngân sách từ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng sẽ tăng lên do lượng xe tiêu thụ tăng mạnh, với tổng doanh thu dự kiến tăng 14.110 tỉ đồng.
Năm 2020, Chính phủ cũng ban hành chính sách trên. Chỉ trong 6 tháng cuối năm, số lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 209.584 xe, bình quân 34.930 xe/tháng, tăng gấp 2,03 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.
"Ngoài ra, việc giảm lệ phí trước bạ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, từ đó có tác dụng lan tỏa sang các ngành kinh tế khác…"- Bộ Tài chính lý giải.
Giảm 50% phí trước bạ giúp kích cầu thị trường ô tô. Ảnh: QH
|
Theo các đại lý kinh doanh ô tô, việc giảm phí trước bạ sẽ giúp người mua xe tiết kiệm từ hàng chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Ví dụ như đối với xe Toyota Vios, có giá khoảng 580 triệu đồng, người mua tại TP.HCM phải đóng thêm 10% lệ phí trước bạ tương ứng với khoảng 58 triệu đồng. Nhưng khi được giảm 50% lệ phí trước bạ sẽ chỉ phải đóng khoảng 29 triệu đồng.
Đối với một mẫu xe hạng sang lắp ráp tại Việt Nam như Mercedes-Benz, người mua tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng. Cụ thể như mẫu xe Mercedes-Benz E300 có giá hơn 2,9 tỉ đồng, hiện khách hàng phải đóng gần 300 triệu đồng phí trước bạ. Nếu áp dụng giảm 50% phí trước bạ, khách chỉ phải đóng 150 triệu đồng.
Cũng trong dự thảo, Bộ Tài chính thông tin thêm về những thách thức khi áp dụng chính sách ưu đãi. Áp lực đó là Việt Nam có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định tại Hiệp định GATT của WTO, có thể tiếp tục nhận được yêu cầu giải thích từ một số nước không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, các hãng sản xuất lắp ráp ô tô lớn của nhiều nước hầu hết đã có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, một số nhà máy có công suất khá lớn như Toyota, Mazda, Hyundai, Kia. Do đó, các chính sách ưu đãi nội địa khuyến khích hoạt động sản xuất, lắp ráp của Việt Nam cũng sẽ có lợi cho các hãng xe lớn trên thế giới.
QUANG HUY VIẾT LONG
Pháp luật TPHCM
|