Thứ Hai, 04/10/2021 16:46

Evergrande bán hàng loạt tài sản để huy động tiền trả nợ

Đơn vị quản lý bất động sản trị giá 7 tỷ USD thuộc Evergrande cho biết họ có thể là đối tượng của một vụ thâu tóm. Đây có thể là thương vụ bán cổ phần để giúp Evergrande có tiền trả nợ.

Cổ phiếu của cả Evergrande và công ty quản lý bất động sản Evergrande Property Services Group đều bị tạm ngừng giao dịch ở Hồng Kông trong ngày 04/10. Evergrande cho biết họ đã yêu cầu tạm ngưng giao dịch trước thềm đưa ra tuyên bố về “thương vụ lớn”.

Công ty con của Evergrande cho biết vụ tạm ngừng giao dịch vì lo ngại “về thông tin nội gián và những tác động tới giá chào mua cổ phần của Công ty”.

Trong khi đó, Hopson Development Holdings, đối thủ của Evergrande, cũng cho biết cổ phiếu của họ đã tạm ngưng giao dịch để chờ thông báo về một giao dịch liên quan tới một công ty ở Hồng Kông. Họ không nói rõ đó là công ty nào.

Evergrande đã trễ hạn thanh toán nợ cho các trái chủ trên toàn cầu. Họ đang nỗ lực huy động vốn bằng cách bán các tài sản không thuộc mảng kinh doanh cốt lõi, bao gồm cổ phần trong công ty quản lý bất động sản và công ty xe điện và một tòa nhà văn phòng ở Hồng Kông.

Ngành quản lý bất động sản đang trong giai đoạn bùng nổ ở Trung Quốc và nhiều tập đoàn phát triển bất động sản đã tách riêng mảng này để niêm yết lên sàn chứng khoán. Các công ty quản lý bất động sản này chuyên quản lý các khu dân cư và cung cấp các dịch vụ như chăm sóc trẻ em, tiệm tạp hóa và dịch vụ sửa chữa cho các cư dân ở đó.

Công ty con của Evergrande vốn chỉ mới niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông từ tháng 12/2020, hiện có tổng vốn hóa khoảng 7.1 tỷ USD, theo FactSet. Evergrande đã huy động được khoảng 37.5 tỷ HKD (4.8 tỷ USD) từ thương vụ IPO công ty này và từ đợt bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư trước IPO. Tính tới tháng 5/2021, Evergrande vẫn còn giữ gần 61% cổ phần tại Evergrande Property Services Group, theo hồ sơ gửi lên sở giao dịch chứng khoán.

Công ty Hopson – niêm yết tại Hồng Kông – đang dưới sự kiểm soát của tỷ phú bất động sản Chu Mang Yee. Ông từng là quan chức chính quyền địa phương tại Trung Quốc và đồng thành lập nên Hopson trong năm 1992. Con gái của ông, bà Chu Kut Yung, kế nhiệm ông trở thành Chủ tịch Hopson trong năm 2020.

Hopson có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với Evergrande và ghi nhận doanh thu 2.1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021. Khoảng 7% trong số này đến từ mảng quản lý bất động sản. Hopson có các bất động sản ở các thành phố gần bờ biển phía nam Trung Quốc như Thâm Quyến và Quảng châu, khu vực đồng bằng sông Dương Tử bao gồm Thượng Hải và Hàng Châu, và khu vực kinh tế xoay quanh Bắc Kinh và Thiên Tân.

Tuần trước, Evergrande đồng ý bán lại gần 20% cổ phần tại ngân hàng thương mại Shengjing Bank với tổng trị giá 1.5 tỷ USD cho một doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc. Shengjing Bank yêu cầu Evergrande sử dụng lượng tiền thu về để trả nợ, theo hồ sơ pháp lý.

Một công ty niêm yết khác thuộc Evergrande là China Evergrande New Energy Vehicle Group cũng đang gặp nhiều thách thức về tài chính. Cuối tháng trước, doanh nghiệp này cảnh báo họ đang bị “thiếu vốn trầm trọng” và có thể không có khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ.

Trung Quốc yêu cầu các công ty quốc doanh mua tài sản từ Evergrande

Bắc Kinh đang thúc đẩy một số công ty thuộc sở hữu của Chính phủ và các nhà phát triển bất động sản do Nhà nước hậu thuẫn mua lại một số tài sản của Evergrande.

Với núi nợ 305 tỷ USD, Evergrande đang đứng bên bờ vực sụp đổ. Trong khi đó, chính quyền trung ương rất khó can thiệp trực tiếp để giải quyết cuộc khủng hoảng của Evergrande dưới dạng một gói cứu trợ, theo nguồn tin thân cận, trong đó 4 người là quan chức Chính phủ và cơ quan lập pháp.

Tuy nhiên, các nhà chức trách nước này kỳ vọng rằng việc mua lại tài sản của Evergrande sẽ ngăn chặn được vụ vỡ nợ hoặc ít nhất có thể giảm thiểu những bất ổn xã hội xảy ra nếu Evergrande sụp đổ.

Một số doanh nghiệp thuộc sở hữu của Chính phủ đã thực hiện thẩm định một số tài sản của Evergrande ở thành phố Quảng Châu.

Chẳng hạn, Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Thành phố Quảng Châu sắp mua lại sân vận động bóng đá Quảng Châu của Evergrande và các dự án khu dân cư xung quanh sân vận động này. Sân vận động bóng đá Quảng Châu có chi phí xây dựng khoảng 12 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1.9 tỷ USD). Sân vận động này được thiết kế với sức chứa hơn 100,000 người, được cho là sân bóng đá lớn nhất thế giới tính theo sức chứa.

Những người mua tài sản lõi của Evergrande ở Quảng Châu “đã cân nhắc cả yếu tố chính trị và thương mại”, dựa trên nguồn tin thân cận.

Vanke, China Jinmao Holdings và China Resources Land cũng được yêu cầu mua tài sản từ Evergrande. Vanke cho biết, vào tháng 8, họ đã thương lượng với Evergrande về việc hợp tác trong nhiều dự án.

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI

Các tin tức khác

>   Caixin: Cước vận tải container từ Trung Quốc tới bờ tây nước Mỹ giảm gần 50% (04/10/2021)

>   Ông Kishida trở thành thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản (04/10/2021)

>   Khủng hoảng điện ở Trung Quốc lan sang nền kinh tế toàn cầu (04/10/2021)

>   Tập đoàn HNA của Trung Quốc hé lộ khoản nợ 170 tỷ USD (03/10/2021)

>   Vì sao giá điện tại châu Âu lại tăng vọt? (02/10/2021)

>   Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin về giá kit xét nghiệm (02/10/2021)

>   Mỹ đang thất bại trước Trung Quốc (09/10/2021)

>   Giá than lập kỷ lục mới giữa cuộc khủng hoảng thiếu điện toàn cầu (02/10/2021)

>   Giá năng lượng tăng vọt, lạm phát châu Âu lên đỉnh 13 năm (01/10/2021)

>   Tổng thống Biden ký dự luật để ngăn chặn Chính phủ đóng cửa (01/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật