Doanh nghiệp mong được hỗ trợ mạnh hơn
Quốc hội đã ban hành một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng nhiều ý kiến cho rằng vẫn chưa đủ mạnh.
Chưa nhiều tác động
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, cho hay vừa đọc được thông tin về Nghị quyết 406 của Quốc hội và rất mừng vì thuộc diện sẽ được giảm 30% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2021. Ước tính doanh thu cả năm nay sẽ đạt hơn 20 tỉ đồng, trong đó bao gồm VAT 10% là khoảng 2 tỉ đồng. Nếu được giảm 30% thuế VAT, tương đương doanh nghiệp (DN) có thể giảm được hơn 600 triệu đồng và đây cũng là một khoản tiền để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, nếu cuối năm tính toán có lãi để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thì cũng sẽ giảm được 30% số thuế phải nộp nhưng con số này không nhiều.
Ngày 19.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Đó là giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019. Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý 3 và quý 4/2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021 do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quyết định.
Giảm thuế GTGT kể từ ngày 1.11 đến hết ngày 31.12.2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ vận tải; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; Sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc... Tùy thuộc vào phương pháp tính thuế, mức giảm thuế GTGT được giảm 30%.
Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với DN, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Không áp dụng quy định tại khoản này đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.
|
“Giảm thuế TNDN 30% thực sự là không nhiều vì có thể năm nay công ty lãi rất thấp. Nhưng cộng với mức giảm thuế VAT thì có hỗ trợ được phần nào tốt phần đó. Chúng tôi mong các cơ quan có hướng dẫn thực hiện nghị quyết này cần sự rõ ràng, đồng bộ để việc làm thủ tục không quá mất thời gian hay phải chờ xét duyệt khiến DN phải nản”, ông Nguyễn Ngọc Thanh nói.
Tương tự, theo ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty cao su Đức Minh, việc Quốc hội ra chính sách giảm 30% thuế TNDN cho các đơn vị có doanh thu dưới 200 tỉ đồng cũng sẽ hỗ trợ phần nào cho DN. Tuy nhiên, hiện nay chi phí nguyên liệu, hoạt động đều tăng cao nên chưa biết cả năm có lợi nhuận hay không. Nếu công ty không còn lợi nhuận hay bị lỗ thì không phải đóng thuế TNDN và quy định này xem như không cần thiết. Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, cho rằng dù Nghị quyết 406 đưa ra một số chính sách hỗ trợ cho DN và trong đó có nhắc đến ngành vận tải, du lịch nhưng không có tác dụng với công ty ông và nhiều công ty lữ hành, lưu trú khác bởi nhiều DN đã ngừng hoạt động, không có doanh thu thì việc giảm thuế TNDN hay giảm thuế VAT cũng không giúp đỡ gì để khôi phục lại hoạt động. Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ này chỉ thực hiện đến hết 2021 thì chỉ còn hơn 2 tháng là quá ngắn, cũng chưa kịp ngấm đối với những công ty có hoạt động trở lại. “Một cơ thể đã ốm nặng giờ còn chưa ngồi dậy nổi thì không thể trong vòng 2 tháng khỏe mạnh bình thường lại. Các DN vận tải như hàng không, du lịch, lưu trú... hầu như đã tê liệt từ năm 2020 và đặc biệt trong năm nay đang cần có giải pháp hỗ trợ quyết liệt, dứt khoát hơn mới có thể trở lại hoạt động được”, ông Kỳ nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhiều hơn để khôi phục hoạt động trở lại. Phạm Quang Vinh
|
Cần chính sách mạnh hơn
Dù vui mừng khi cho rằng với chính sách đã ban hành cũng hỗ trợ phần nào cho DN, nhưng ông Nguyễn Ngọc Thanh, Công ty vận tải Kim Phát, cho rằng hiện còn rất nhiều quy định bất hợp lý khiến DN tốn nhiều chi phí trong hoạt động. Ví dụ, cước đường bộ DN phải đóng trước đầu năm gần 18 triệu đồng/xe và trong năm 2021 dù nhiều tháng qua xe phải nằm im trong kho. Trong khi đó, mỗi lần hoạt động, các xe vẫn phải đóng phí qua các trạm BOT khi lưu thông trên đường. Đây là quy định phí chồng phí nên ông kiến nghị Chính phủ cần xem xét lại để giảm bớt các loại phí đang có để hỗ trợ tốt hơn cho DN.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích, năm 2008 khi kinh tế suy thoái, Quốc hội đã có chính sách giảm 50% thuế VAT (từ 10% xuống còn 5%) và kéo dài trong vòng 2 năm. Hiện nay các DN vừa bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo theo kinh tế suy thoái thì chính sách lại thấp hơn, chỉ giảm 30% thuế VAT và thời gian ngắn hơn là chưa hợp lý.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Anh, dù nhiều DN đã bắt đầu sản xuất trở lại từ đầu tháng 10 đến nay nhưng hàng hóa tiêu thụ khá chậm nên gặp nhiều khó khăn khi dòng tiền không còn, không thể quay vòng sản xuất... Vì vậy, ông kiến nghị Chính phủ cần có thêm giải pháp kích cầu nội địa để kích thích tiêu dùng. DN chỉ có thể bán được hàng mới có tiền quay vòng sản xuất, chi trả lương cho người lao động, đảm bảo thu nhập cho nhiều hộ gia đình và từ đó tác động trở lại đến tiêu dùng trong nước, giúp kinh tế hồi phục.
Cũng tham gia nghiên cứu và đưa ra nhiều chính sách góp ý cho sự hồi phục kinh tế của TP.HCM thời gian qua, TS Phạm Thị Thanh Xuân, Trường ĐH Kinh tế - Luật, nhận định các chính sách hỗ trợ DN vừa được thông qua chưa đủ mạnh. Các quy định đó hầu hết vẫn chỉ mang tính hỗ trợ để DN cầm cự trong giai đoạn khó khăn khi phòng chống dịch. Trong khi đó, để kích hoạt lại sản xuất và kinh tế hồi phục nhanh hơn theo mô hình chữ V trong giai đoạn này, cần phải có một cú hích đủ lớn để tạo sức bật cho DN nhanh hơn. Hiện nay, nhiều công ty chỉ mới khôi phục được 50 - 60% sản xuất và với việc nhiều tỉnh thành vẫn mở cửa rón rén thì ước tính đến hết quý 1/2022 mới có thể hoàn toàn quay trở lại hoạt động bình thường. Khi đó cũng mới có thể đánh giá được hết tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2021 với các DN và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đã ban hành. Do đó, TS Xuân nhấn mạnh: Những chính sách mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành trong năm qua nhằm hỗ trợ DN, người dân thì nên kéo dài đến hết tháng 6.2022. Chỉ như vậy mới có thể tạo ra động lực cho các công ty, hộ gia đình vượt qua mọi khó khăn và đủ thời gian để vượt qua khó khăn hiện nay.
Mai Phương
Thanh niên
|