19 doanh nghiệp Tiền Giang cầu cứu Thủ tướng
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đề nghị Chính phủ nhanh chóng có giải pháp gỡ vướng vì tỉnh này vẫn thực hiện “ngăn sông cấm chợ”.
19 doanh nghiệp FDI đang sử dụng 69.730 lao động tại Tiền Giang vừa gửi thư đến Thủ tướng Phạm Minh Chính, cầu cứu về việc tỉnh này vẫn có nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp, người lao động.
Theo đó, các doanh nghiệp này cho biết hiện đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã ngừng sản xuất từ ngày 15/7 đến nay vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có.
"Đặc biệt, 80% người lao động dù đã được tiêm 1 mũi vaccine đủ 14 ngày vẫn chưa được quay trở lại nhà máy. Theo quan điểm của tỉnh Tiền Giang phải 100% người lao động tiêm mũi 2 vaccine đủ 14 ngày và người nhà được tiêm đủ vaccine thì mới đủ an toàn để có thể cho doanh nghiệp hoạt động trở lại theo hướng bình thường mới", cộng đồng doanh nghiệp cho biết.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp này thông tin từ ngày 1/10 có viết thư kêu cứu gửi đến chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đến nay vẫn chưa có phản hồi cụ thể, cũng như không thấy có thay đổi tích cực nào.
Theo 19 doanh nghiệp, hiện tỉnh Tiền Giang vẫn có nhiều quy định gây khó cho doanh nghiệp, người lao động như chưa hề có Nghị quyết 128. Ảnh: Hoàng Hà.
|
"Tỉnh Tiền Giang vẫn giữ quan điểm tiếp tục lấy mô hình sản xuất '3 tại chỗ' làm trọng tâm, kèm theo các yêu cầu xét nghiệm phức tạp hơn quy định của Bộ Y tế, gây khó khăn cho người lao động cũng như lãng phí tài chính của doanh nghiệp trong lúc khó khăn", 19 doanh nghiệp này phản ánh.
Theo các doanh nghiệp, việc Tiền Giang “một mình đi một đường” khiến cho doanh nghiệp và người lao động rất khổ sở. Đã hơn 3 tháng nay, đa số công nhân lao động tại các đơn vị vẫn phải tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”, đời sống kinh tế rất khó khăn…
"Chúng tôi cảm thấy rất thất vọng với những gì đang diễn ra. Ngay bây giờ doanh nghiệp cần những giải pháp từ Chính phủ để cứu lấy những đơn hàng cuối cùng trước tối hậu thư của khách hàng, cộng với hàng nghìn tỷ đồng giá trị nguyên vật liệu đang bỏ ngổn ngang nhiều tháng”, các doanh nghiệp bày tỏ.
Trước những khó khăn trên, doanh nghiệp FDI kiến nghị Thủ tướng 5 vấn đề. Thứ nhất, đề nghị không bắt buộc sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm”.
Thứ hai, cho người lao động đang sinh sống tại vùng 1-3 đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine đủ 14 ngày theo Nghị quyết 128 được sử dụng phương tiện giao thông cá nhân và xe đưa đón quay lại nhà máy sản xuất vào 1/11. Doanh nghiệp sẽ cung cấp danh sách và phương án phòng chống dịch trong cơ quan cũng như cam kết của doanh nghiệp và người lao động.
Thứ ba, đề nghị không hạn thời gian giới nghiêm (19h tối đến 5h sáng) đối với người lao động trong quá trình đến nhà máy làm việc (theo công văn số 6249/UBND-KGVX, ngày 18/10).
Thứ tư, đề nghị test nhanh kháng nguyên, không bắt buộc xét nghiệm Realtime PCR mẫu đơn cho người lao động trước ngày đầu tiên quay lại làm việc (theo nội dung cuộc họp 4 bên ngày 19/10). Sau đó doanh nghiệp sẽ thực hiện xét nghiệm hàng tuần theo quy định của Bộ Y tế.
Thứ năm, đề nghị cho phép người lao động ngoài tỉnh đã tiêm đủ 2 liều vaccine quay lại Tiền Giang làm việc.
Ngày 19/10, TP Mỹ Tho, Tiền Giang thông báo từ 0h ngày 20/10, thành phố áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cấp độ 2 trên địa bàn cho đến khi có thông báo mới. Người dân hạn chế ra đường từ 19h đến 5h sáng hôm sau, trừ một số trường hợp.
Thanh Thương
ZIng
|