Thứ Tư, 20/10/2021 08:14

Kinh tế đang hồi phục

Xuất khẩu và thu hút vốn FDI từ đầu năm đến nay vẫn tăng trưởng, cho thấy dấu hiệu để kinh tế Việt Nam tiếp tục đi lên.

Sản xuất vào guồng, xuất khẩu tăng mạnh

Ngay khi mở cửa kinh tế, các công ty dệt may đã quay cuồng sản xuất. Chỉ từ đầu tháng 10 đến nay, Công ty TNHH Việt Thắng Jean đã xuất khẩu (XK) được gần 150.000 sản phẩm, tăng gần gấp 3 lần so với cả tháng 9. Theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc của Việt Thắng Jean, cả công ty phải chạy đua về công suất để đáp ứng các đơn hàng vì mấy tháng vừa qua bị tắc nghẽn. Bên cạnh đó, tất cả các nhà cung ứng nguyên phụ liệu, hoạt động vận chuyển trong và ngoài nước đều đã vào guồng và từ cuối tháng 10, công ty sẽ trở lại nhịp độ XK 1 container/ngày như trước đây. Ước tính quý 4/2021, doanh thu XK của công ty sẽ tăng 60% so với quý 3 vừa qua và cả năm nay sẽ tăng khoảng 8% so với năm 2020 với gần 13 triệu sản phẩm được xuất sang các nước.

Ông Việt nhấn mạnh: Hiện nay đơn hàng may mặc trên thế giới không thiếu, dù trong quý 3 vừa qua, XK dệt may chững lại do TP.HCM thực hiện các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt nhưng một số nước vốn được xem là “đối thủ” của chúng ta như Trung Quốc hay Bangladesh cũng đang gặp nhiều vấn đề khó khăn nên ngành dệt may Việt Nam vẫn được đánh giá cao.

Hoạt động xuất khẩu các nhóm ngành hàng chủ lực của VN đều tăng trưởng trong 9 tháng. KHẢ HòA

Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tổng kim ngạch XK hàng dệt may, xơ sợi tính chung của cả nước 9 tháng năm 2021 đạt 29 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020 và giảm 0,04% so với cùng kỳ 2019. Với kết quả trên, VITAS đánh giá ngành vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2020 và gần bằng kim ngạch XK cùng kỳ năm 2019. Theo VITAS, kịch bản tích cực nhất là Việt Nam khống chế được dịch bệnh và thực hiện "bình thường mới" từ đầu tháng 10 thì XK cả năm nay dự kiến đạt khoảng 37,5 - 38 tỷ USD. Trường hợp nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp, còn có một số địa phương, khu công nghiệp bị phong tỏa, cách ly trong tháng 11 thì XK cả năm dự kiến đạt khoảng 36 - 36,5 tỷ USD và kém tích cực nhất thì sẽ đạt 33,5 - 34 tỷ USD. Dự báo năm 2022, nếu tình hình sản xuất trở lại bình thường, ngành dệt may sẽ phấn đấu đạt kim ngạch XK từ 39 - 42 tỷ USD.

Tăng tốc ấn tượng phải kể đến XK gỗ và sản phẩm gỗ với kim ngạch 9 tháng đầu năm đạt 11,11 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ tháng 8.2020, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường sang nhiều nước thuộc khối này nên tốc độ XK tăng nhanh. Ông Vũ Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty CP TEKCOM, chia sẻ, cũng như nhiều doanh nghiệp (DN) khác, công ty cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong quý 3 vừa qua, nhất là thị trường trong nước hầu như đóng băng. Nhưng ước tính cả năm nay, doanh thu của công ty sẽ tăng khoảng 25 - 30% so với năm 2020. Trong đó, riêng doanh thu XK tăng hơn 50%.

Ông Vũ Quang Huy nhận định: triển vọng XK của ngành gỗ nói chung vẫn được các DN đánh giá cao trong năm 2022 do kinh tế nhiều nước cũng như thị trường nội địa đã từng bước phục hồi khiến nhu cầu tăng trở lại. Đây cũng là thời điểm Việt Nam đã phục hồi sản xuất nên cơ hội tăng tốc XK trong năm 2022 sẽ tiếp tục diễn ra.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cho biết số DN ngành gỗ đã quay lại sản xuất hơn 60% và từ nay đến cuối năm sẽ tăng dần đến khoảng 75%. Điều này sẽ đưa kim ngạch XK toàn ngành cả năm có thể đạt 14,5 - 15 tỷ USD, tăng thêm gần 3 tỷ USD so với năm vừa qua. “Trong 6 tháng đầu năm nay, XK của ngành gỗ đã tăng gần 60% nhưng trong quý 3 bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên tốc độ tăng trưởng bị giảm xuống. Dù vậy, cơ hội tăng trưởng của ngành gỗ Việt Nam trong năm tới vẫn rất lớn khi nhu cầu về nguyên vật liệu, đồ gỗ cho gia đình hay cung ứng cho ngành xây dựng của nhiều nước đang tăng cao. Đặc biệt, các đối tác tại Mỹ vẫn đặt mua hàng của VN do sản phẩm của Trung Quốc đang bị áp thuế khá cao. Vì vậy, có thể kỳ vọng với tốc độ tăng trưởng này và sự hồi phục hoạt động của các DN sẽ đưa kim ngạch XK của ngành gỗ trong năm 2022 lên 18 - 19 tỷ USD”, ông Nguyễn Chánh Phương nói.

Tính từ 1.10 đến nay tại TP.HCM, hơn 1.500 nhà máy trong các khu công nghiệp - khu chế xuất đã quay lại sản xuất, bao gồm cả 500 nhà máy FDI thường là các mắt xích trong chuỗi sản xuất kinh doanh toàn cầu nên kim ngạch XK trong quý 4 dự báo sẽ gia tăng.

Hoạt động xuất khẩu các nhóm ngành hàng chủ lực của Việt Nam đều tăng trưởng trong 9 tháng. Khả Hòa

Việt Nam sớm lấy vị thế của mình

Trong điều kiện khó khăn chưa từng có tiền lệ do dịch Covid-19 gây ra, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) 9 tháng của năm trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Tiến sĩ Oliver Massmann, Tổng giám đốc Công ty luật Duane Morris LLC - một trong 100 công ty luật lớn nhất thế giới nhận xét Việt Nam sẽ sớm lấy lại vị thế của mình, là một trong những điểm đến đầu tư thân thiện nhất tại châu Á khi kiểm soát được dịch trong 6 tháng tới. Lý do để vị này đưa ra nhận xét lạc quan bởi những yếu tố như các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia, một số chính sách được ban hành kịp thời từ phía Chính phủ để khôi phục nền kinh tế. Trước đó, cuối tháng 9 vừa qua, tại buổi tọa đàm Covid-19 và FDI chủ đề “Tác động và triển vọng”, chính lãnh đạo cao cấp của Samsung Việt Nam cũng nhận xét Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Quý 4/2021 sẽ tăng trưởng dương

Ông Nguyễn Xuân Thành, Trường ĐH Fullbright, nhận định: Với việc TP.HCM đã mở cửa dần từ đầu tháng 10 và Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, kinh tế quý 4/2021 sẽ có tăng trưởng dương. Nếu tăng trưởng quý 4/2021 là 3,5% thì tăng trưởng cả năm nay ở mức 2,2%.

Trong khi đó, báo cáo việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) vừa được Chính phủ gửi Quốc hội cũng nhận định, dòng FDI từ EU vào Việt Nam về trung hạn và dài hạn gia tăng đáng kể với nhiều dự án chất lượng có giá trị cao. Xu thế đầu tư của EU chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, và gần đây đang chuyển dịch sang các ngành dịch vụ (bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ), năng lượng sạch, công nghiệp phụ trợ, chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm... Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận xét các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế VN trong trung, dài hạn và khuyến nghị VN cần tiếp tục sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy cầu trong nước ngắn hạn, bằng cách đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng để giúp khôi phục tiêu dùng tư nhân. Hỗ trợ cho các DN, nhất là hộ kinh doanh quy mô nhỏ, giúp đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và tạo việc làm.

Thực tế, dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến hàng vạn DN, trong đó có các DN FDI phải thu hẹp, thậm chí ngưng sản xuất. Hệ thống vận chuyển, cung ứng, lưu thông hàng hóa ách tắc, các chuỗi sản xuất, cung ứng đứt gãy, hàng loạt đơn hàng bị hủy và chuyển ra khỏi Việt Nam. Thế nhưng, liên tục trong 3 tháng 7, 8, 9 (thời gian giãn cách tăng cường toàn xã hội), thu hút FDI vẫn giữ được ổn định. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho thấy đến hết tháng 9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng lưu ý, số dự án đăng ký mới, số dự án tăng vốn đều giảm lần lượt gần 38% về số dự án và giảm 15% về lượt dự án điều chỉnh. Tuy nhiên, số vốn đăng ký mới tăng đến 20,6% so cùng kỳ, đạt 12,5 tỷ USD và vốn đăng ký tăng thêm cũng tăng 25,6%, đạt 6,4 tỷ USD. Đặc biệt, trong giai đoạn biến chủng Delta bùng phát tại VN, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, trong tháng 7 cũng có dự án Nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina công suất 800.000 tấn/năm của nhà đầu tư Nhật Bản, với tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD vào VN; dự án LG Display Hải Phòng của nhà đầu tư Hàn Quốc, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,4 tỷ USD ngày 30.8 vừa qua; dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II của Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD; dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern VN của Đài Loan, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD

Chuyên gia kinh tế Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mê Kông, nhận định con số mở rộng vốn đầu tư nước ngoài, tăng vốn ngay trong đại dịch Covid-19 bùng phát đợt 4 là đáng ghi nhận. Trong thời gian qua, một số dự án FDI bị trì hoãn kế hoạch do biện pháp chống dịch bùng phát sẽ được tiếp tục trong quý này. "Điểm khá tích cực cho thu hút FDI là Quyết định 29/2021 của Chính phủ với nhiều ưu đãi đặc biệt theo 3 mức, tùy vào việc nhà đầu tư đáp ứng các tiêu chí về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, giá trị gia tăng, DN Việt tham gia vào chuỗi… Tất cả là điểm nhấn cho thu hút đầu tư FDI trong tương lai", ông Tùng nói.

Nguyên Nga

Thanh niên

Các tin tức khác

>   7 tỉnh, thành miền Tây liên kết chống dịch và phát triển kinh tế (20/10/2021)

>   Tìm giải pháp phục hồi dệt may, da giày (19/10/2021)

>   Bộ GTVT đề nghị các địa phương khôi phục vận tải hành khách đường bộ và đường sắt (19/10/2021)

>   Khi bộ ngành, địa phương trả vốn ODA: Lo hay mừng? (19/10/2021)

>   Không 'đóng cửa' giao thông trong bất cứ cấp độ nào của dịch (19/10/2021)

>   Nhập siêu từ Trung Quốc vọt lên 42 tỉ USD sau 9 tháng (19/10/2021)

>   Mở cửa du lịch, không thể trì hoãn: Nên trao quyền chủ động cho địa phương (19/10/2021)

>   Điện thoại, máy tính, dệt may, giày dép xuất khẩu thu về hơn 150 tỉ USD (19/10/2021)

>   Lý do TP.HCM chưa công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 (19/10/2021)

>   Tạm dừng, hoãn các cuộc kiểm tra sau thông quan (18/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật