Thời gian qua, Hà Nội gần như đã “bỏ quên” một khu vực đất đai rộng lớn và rất giàu giá trị bên sông Hồng. Giờ đây, đã đến lúc thành phố cần đột phá mạnh trong việc khai thác tiềm năng do dòng sông này mang lại, đưa sông Hồng thực sự trở thành biểu tượng của Thủ đô. Đây là kiến nghị chung của nhiều chuyên gia khi bàn về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, dòng sông trong các đô thị của một số quốc gia trên thế giới đã trở nên nổi tiếng như sông Thames của London (Anh) , sông Seine của Paris, sông Hàn của Seoul (Hàn Quốc), sông Hoàng Phố của Thượng Hải (Trung Quốc)…
CHƯA ĐƯỢC KHAI THÁC ĐÚNG TIỀM NĂNG
Nhiều thành phố đã bỏ ra hàng trăm triệu USD để cải tạo và quy hoạch ven sông. Trong đó, Thượng Hải, Texas (Mỹ), Abandoibarra (Tây Ban Nha)… đã thực hiện nhiều dự án phát triển, quy hoạch đô thị ven sông liên tục trong 20-30 năm. Seoul thực hiện hàng loạt dự án cải tạo sông Hàn, quy hoạch khu vực ven sông từ thập niên 1990 - 2010...
Qua các cuộc đại quy hoạch đó, đô thị ven sông được phát triển với cảnh quan tuyệt đẹp phục vụ người dân, du khách, mang lại nguồn lợi lớn cho Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Hà Nội ngàn năm văn hiến cũng mang trong lòng dòng sông Hồng được ví như dải lụa của Thủ đô. Từ lâu đã có nhiều nghiên cứu, bài viết về dòng sông này. Song trên thực tế, sông Hồng chưa bao giờ là dải lụa - trục cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp kết nối hai bờ. Dòng sông này chưa được khai thác đúng tầm vóc cả về cảnh quan, đất đai bên sông lẫn tiềm năng du lịch.
Hơn thế, hiện nay, khu vực dọc sông, nhất là tại các địa phận thuộc quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, việc xây dựng nhà cửa tự phát, lộn xộn, quay lưng ra sông, thiếu hạ tầng, mật độ dân số cao... đã tạo nên hình ảnh vô cùng nhếch nhác ở một phần diện tích bên bờ sông Hồng.
“Trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, sông Hồng được xác định sẽ là một trục cảnh quan quan trọng nhất của Thủ đô trong bố cục quy hoạch TP. Hà Nội. Trước đây, đã có rất nhiều đề xuất quy hoạch sông Hồng nhưng các quy hoạch này không thành công, chủ yếu do chưa giải được bài toán về hành lang thoát lũ. Bên cạnh đó, là chỉnh trị dòng chảy cũng như dự báo về kịch bản biến đổi khí hậu. Đến nay, vướng mắc này đã cơ bản được giải quyết theo Quyết định số 257/TTg ngày 18/2/2016”, ông Chính chia sẻ tại tọa đàm “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng” diễn ra mới đây.
Tại tọa đàm này, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ sự luyến tiếc khi Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được trình lên UBND thành phố, tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và tuân thủ quy hoạch về phòng chống lũ…, song đến nay vẫn chưa được phê duyệt do vướng mắc về pháp lý.
Cụ thể là do quy hoạch phòng chống lũ chi tiết từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa được phê duyệt (trước đó, dự kiến quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được TP.Hà Nội phê duyệt, ban hành vào tháng 6/2021).
CHẦN CHỪ SẼ BỎ QUA CƠ HỘI THỰC HIỆN GIẤC MƠ
Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: Hà Nội đã có rất nhiều dự án được đưa ra bàn bạc xem xét nhiều lần. Thậm chí đã đưa vào thí điểm nhưng chưa thực hiện được. Mỗi lần chúng ta băn khoăn thì đều dừng dự án lại.
"Trong khi đó, số lượng dân ngoài bãi sông Hồng vẫn đang tăng lên khi chúng ta chờ sửa đổi quy hoạch. Nguồn lực sẽ thu hẹp mỗi lần như vậy. Các cơ quan Trung ương và Hà Nội phải phối hợp để thực hiện nhanh việc phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Nếu hôm nay cứ chần chừ thì quỹ đất ngày mai có còn để thực hiện giấc mơ hay không?", ông Chiến nói.
Đồng quan điểm, KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng TƯ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhìn nhận: đã đến lúc chúng ta phải đổi mới quyết liệt, không thể quay lưng với dòng sông nữa. Ở phía Đông sông Hồng đã có những đô thị rất thành công như Vinhome Ocean Park, Ecopark với quy mô lớn, tạo lập không gian sống hấp dẫn. Nhưng nếu hai bên phát triển không đồng đều thì không thể thu hút được nhà đầu tư.
“Đô thị ven sông Hồng sẽ thu hút mạnh mẽ hơn cả đô thị vệ tinh với 10 cây cầu được quy hoạch. Song, Nhà nước, TP. Hà Nội phải dành nguồn lực ban đầu cho đô thị này. Cần sửa Luật Đê điều để có thể thúc đẩy phát triển. Bằng công nghệ mới, quy hoạch mới, chính sách mới sẽ giải quyết được vấn đề sử dụng quỹ đất, phát triển nhà ở… Như vậy, đô thị sông Hồng sẽ là mảnh đất sáng tạo cho các nhà đầu tư”, ông Tùng khuyến nghị.
Từ góc độ là nhà đầu tư, ông Trương Văn Bình, Giám đốc Dự án Ecopark, nhận định: xu hướng lựa chọn các sản phẩm bất động sản xanh, bền vững, đáng sống đang trở thành xu hướng không thể bỏ qua của các chủ đầu tư. Trong bối cảnh đó, một khi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được thông qua sẽ tạo ra quỹ đất để các chủ đầu tư phát triển được những dự án bất động sản mặt tiền sông thật sự chất lượng, thực sự bền vững.
Ông Hoàng Đình Khiêm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần kinh doanh và phát triển địa ốc Vietstarland, cũng cho rằng, khi quy hoạch được thông qua, khu vực phía Đông Hà Nội, cùng với khu vực phía Bắc, phía Tây sẽ sớm tỏa sáng với những đại đô thị xanh, hiện đại, trở thành một cực hút cư dân trong nước.