Dầu WTI tiến sát ngưỡng 81 USD, dầu Brent vượt 83 USD
Giá dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh trong ngày 11/10 vì sự hạn chế về nguồn cung từ các nhà sản xuất lớn và nhu cầu ngày càng tăng sau khi các nền kinh tế tái mở cửa.
Tính tới lúc 10h50 ngày 11/10 (giờ Việt Nam), hợp đồng dầu Brent tương lai tăng 1.52% lên 83.59 USD/thùng, sau khi leo dốc gần 4% trong tuần trước. Trong khi đó, hợp đồng dầu WTI tương lai tăng 1.93% lên 80.88 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2014.
Giá dầu ngày càng tăng khi các nền kinh tế bắt đầu nới lỏng phong tỏa và tỷ lệ tiêm chủng ngày càng cao giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Tính tới nay, giá dầu Brent đã tăng 5 tuần liền, còn dầu WTI leo dốc 7 tuần liền.
Giá than đá và khí gas cũng leo dốc khi các nền kinh tế hồi phục. Điều này càng làm dầu thêm phần hấp dẫn với vai trò là nhiên liệu thay thế cho hoạt động sản xuất điện.
Tuy nhiên, khi hàng tồn kho tại Mỹ bắt đầu tăng trở lại sau những lần suy giảm gần đây, giá dầu có thể suy giảm trở lại.
“Chúng tôi nghĩ giá dầu có thể tiếp tục leo thang trong quý này, nhưng chúng có thể quay đầu giảm dần dần trong năm 2022”, Caroline Bain, Chuyên gia kinh tế phụ trách mảng hàng hóa tại Capital Economics, cho biết trong báo cáo.
Hàng tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 2 tuần liên tiếp khi các nhà sản xuất nâng sản lượng. Trước đó, các nhà máy sản xuất dầu bị tác động bởi các cơn bão.
OPEC+ duy trì mức nâng sản lượng
Tuần trước, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh quyết định duy trì mức nâng sản lượng 400,000 thùng/ngày trong tháng 11/2021.
John Driscoll, Trưởng bộ phận chiến lược tại JTD Energy Services, cho biết quyết định của OPEC+ là “một hành động cẩn trọng quá mức” khi xét tới cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu.
“Tôi nghĩ người dân đang tỏ ra rất lo ngại. Chuyện gì sẽ xảy ra trong mùa đông năm nay? Liệu chúng ta có trải qua thêm 1 mùa đông băng giá?”, ông Driscoll nói với CNBC trong ngày 05/10.
Ông đề cập tới tình trạng thiếu nhiên liệu tại vương quốc Anh, với hàng dài xe hơi chờ đợi mua khí gas. Ở Anh, mọi người đang đổ xô mua nhiên liệu trong hoảng loạn, từ đó gây ra sự thiếu hụt và tạo áp lực lên chuỗi cung ứng nhiên liệu.
“Khi bước vào mùa đông, thứ khiến bạn tỏ ra lo ngại chính là nhu cầu thiết yếu này đây”, ông Driscoll cho biết.
Vị chuyên gia này nhận định mối lo ngại ở đây là hàng tồn kho còn rất ít và có khả năng xảy ra “sự gián đoạn chuỗi cung ứng”.
Chuỗi cung ứng đang chịu nhiều áp lực bởi hành vi mua nhiên liệu một cách hoảng loạn ở Anh và một phần là do thiếu tài xế xe tải. Điều này thôi thúc Anh phải nhờ cậy tới quân đội để vận chuyển nhiên liệu.
“Bạn có thể thấy giá dầu tăng vượt bậc”, ông Driscoll cho biết. “Tôi chưa nghe ai nói về khả năng xảy ra một mùa đông có thời tiết dịu nhẹ. Tôi nghĩ với sự bất ổn về thời tiết và biến đổi khí hậu, chúng ta có thể đối mặt với thời tiết rất khắc nghiệt”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|