Đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế TPHCM trong thời gian tới.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Lê Anh
|
Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo khoa học "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025" do UBND TPHCM tổ chức ngày 16/10.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, kinh tế Thành phố trong tháng 9/2021 đã có những tín hiệu tích cực khi mức độ suy giảm đã chậm lại ở tất cả các ngành so với tháng 8/2021. Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế Thành phố chưa vận hành đến 50%. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản, do đó rất cần các chính sách hỗ trợ để có thể hồi phục, ổn định sản xuất trong thời gian tới đây.
Theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, để khắc phục những hệ quả rất nặng nề do dịch COVID-19, cần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân. Trước mắt là phục hồi sản xuất, kinh doanh; khôi phục sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường; thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn với chương trình “số hóa” và tái cơ cấu nền kinh tế.
Còn TS. Trần Du Lịch cho rằng trước hết Thành phố cần xác định các trụ cột thúc đẩy tăng trưởng bao gồm 4 nhóm công nghiệp chủ lực, trong đó tập trung hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu. Ngành xây dựng cần có bước đột phá để tạo sự phát triển lan tỏa. Ngành du lịch, thương mại cũng cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ. Về giải pháp hỗ trợ, cần lựa chọn theo 3 tiêu chí: Đóng góp nhiều cho cơ cấu GRDP của Thành phố, có tác động lan tỏa cao và ít có khả năng tự hồi phục.
Theo ông Trần Du Lịch, hành chính công và quản trị công là nhóm giải pháp ít tốn kém nhất nhưng hiệu quả nhất để giúp doanh nghiệp tự phục hồi phát triển theo quan hệ thị trường và giúp người dân tự tạo ra sinh kế cho mình.
TPHCM cần triển khai linh hoạt và hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn về mở rộng các hoạt động kinh tế để doanh nghiệp và người dân tự tổ chức lại sản xuất kinh doanh an toàn, với động lực tự nhiên của “lò xo bị nén”. Đây là sự phục hồi tự nhiên theo quan hệ thị trường.
Cùng với đó, chính quyền Thành phố chủ động phối hợp với các địa phương khai thông hệ thống vận tải, chấm dứt tình trạng chia cắt theo ranh giới hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất phối hợp với Sở GTVT, các doanh nghiệp hỗ trợ đưa lao động ở các địa phương trở về làm việc theo nhu cầu mở rộng hoạt động của doanh nghiệp.
Về hỗ trợ tài chính, tín dụng cho DN, theo ông Trần Du Lịch, Thành phố cần có cơ chế bù lãi suất cho DN, kích cầu đầu tư trong đổi mới công nghệ; chương trình kết nối doanh nghiệp – ngân hàng cần khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho DN vay để phục hồi và phát triển.
Đặc biệt, cần kích cầu mạnh đầu tư công theo chương trình trọng điểm: Chống ngập, hạ tầng giao thông, nhà ở cho người dân, chỉnh trang đô thị, kênh rạch. “ Nếu tổng vốn đầu tư công 4 năm tới bằng giai đoạn 2011-2020 thì Thành phố sẽ tạo được động lực tăng trưởng lớn”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh
Bên cạnh đó, TPHCM cần xin phép được phát hành trái phiếu đô thị 10 năm, trái phiếu này luân chuyển như trái phiếu Chính phủ để tăng ngân sách, tăng đầu tư công.
Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Nguyễn Xuân Thành cho biết đây là lần đầu tiên chúng ta gặp khủng hoảng nhưng vẫn giữ ổn định vĩ mô và còn dư địa chính sách. Đây là thời điểm chúng ta hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng dư địa chính sách.
Cụ thể, để kích thích kinh tế, trước hết cả nước cũng như TPHCM phải đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng hạ tầng, giải ngân nhanh để thu hút đầu tư tư nhân.
Ở góc độ địa phương, ông Thành cho rằng TPHCM cần có chính sách song hành cùng Trung ương để phục hồi và phát triển kinh tế. Cùng với đó, Thành phố có thể phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động nguồn lực phục vụ cho quá trình phục hồi và phát triển thời gian tới.
Cũng theo ông Thành, thách thức với Việt Nam thời gian tới là giá hàng nhập khẩu tăng, chi phí logistics tăng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Do đó, chính sách hỗ trợ DN nên tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu; giải quyết vấn đề cảng biển, logistics của TPHCM cũng như khu vực phía nam.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, thời gian qua, sự phục hồi mạnh mẽ của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã tác động mạnh vào Việt Nam, xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong những quý đầu năm 2021. Sau khi xuất hiện biến thể COVID -19 mới (chủng Delta), Quỹ Tiền tệ quốc tế giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 xuống còn 5,9% nhưng triển vọng năm 2022 vẫn giữ nguyên (4,9%), nhất là những quốc gia có tỷ lệ phủ vaccine cao, mở cửa nền kinh tế thích ứng với COVID-19.
Chính vì vậy, việc hỗ trợ các DN xuất khẩu phục hồi và duy trì chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của các thị trường xuất khẩu lớn trong thời gian tới là một trong những giải pháp quan trọng giúp phục hồi và phát triển kinh tế trong nước.