Thứ Sáu, 15/10/2021 13:25

‘M&A là cơ hội tuyệt vời để dọn dẹp lại các doanh nghiệp sau khi bị cơn bão quét qua’

Đó là chia sẻ của ông Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Hội thảo “M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị” diễn ra trực tuyến sáng ngày 15/10.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Công Ái - Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam chia sẻ: “Nói về thị trường M&A, trong góc nhìn của nhà tư vấn, trong năm 2020, số thương vụ M&A có giảm đi đáng kể do ảnh hưởng của bệnh dịch. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, các nước đã bắt đầu kiểm soát được đại dịch và đã chuẩn bị nguồn lực, nguồn tiền để chuẩn bị cho các hoạt động M&A.”

Ông Ái cho hay, từ cuối năm 2020, giá trị thương vụ đã ghi nhận tăng đáng kể. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2021, hoạt động M&A toàn cầu tăng trưởng kỷ lục nhờ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Mỹ.

Tại Việt Nam, có những thương vụ lớn như Tập đoàn Thaco đã hoàn tất việc chuyển nhượng hoạt động kinh doanh siêu thị Emart tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng kể từ đầu năm 2022, khi đại dịch được kiểm soát, hoạt động M&A sẽ sôi động trở lại và có thể đạt tốc độ tăng trưởng 100% so với cùng kỳ năm 2021.”, ông Ái chia sẻ thêm.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Còn theo nhận định của ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nổi lên 3 đặc điểm về M&A rất đáng chú ý trong giai đoạn dịch bệnh Covid bùng phát và ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam.

Thứ nhất là tác động Covid lên M&A là rõ nét, con số thực tế cho thấy là M&A gắn liền khối ngoại, nên tác động lên khối ngoại sẽ có tác động lên M&A Việt Nam. M&A năm 2019 đạt giá trị 7.2 tỷ USD, nhiều tập đoàn kinh tế trong nước xuất hiện, nhưng khối ngoại vẫn ảnh hưởng lớn. Cả năm 2020, tổng giá trị các thương vụ M&A chỉ đạt 3.5 tỷ USD.

Không chỉ ở con số, còn liên quan tới ngành nghề, hoạt động kinh doanh bị tác động bởi dịch bệnh Covid cả tích cực và tiêu cực. Ngành nghề tập trung nhiều trong M&A là bất động sản, tài chính ngân hàng, công nghệ, logistics, dược phẩm… Nổi bật nhất là ngành bất động sản tập trung hơn 40%, dịch vụ bị tác động mạnh bởi Covid, nhưng M&A lại diễn ra mạnh mẽ 18%, hay thực phẩm đồ uống, dược phẩm, vật liệu xây dựng…

Đặc điểm nổi bật nữa là sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp nội (có thời gian Việt Nam lo sợ nước ngoài thôn tính doanh nghiệp Việt, thì nay không còn nghi ngại). Năm 2018, doanh nghiệp Việt Nam là bên mua chiếm 18%, năm 2019 - 2020 là 30% cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ, các chủ thể tham gia vào M&A từ 2019 - quý 1/2021 thì 49% là doanh nghiệp Việt Nam.

Các địa bàn xảy ra M&A thì 70% ở Việt Nam, 30% ở lãnh thổ bên ngoài. Điều này cho thấy sự vươn lên của doanh nghiệp Việt và điều này là rất quan trọng.

Thứ ba là sự hợp tác liên kết hình thành chuỗi, thay vì M&A mang tính thôn tính, bị tác động bởi Covid cũng rất rõ. Giai đoạn 2019 - 2021 chỉ 11% giao dịch M&A là sáp nhập, tức triệt tiêu 1 bên. Còn lại 80% mua lại (mua cổ phần chiếm tỷ lệ đa số) để kiểm soát, và 9% là liên doanh.

Dịch bệnh Covid đã thay đổi cơ cấu kinh doanh và hình thành chuỗi cung ứng. Các thương vụ M&A theo chiều ngang, tức là doanh nghiệp kinh doanh cùng 1 thị trường chiếm 45% giao dịch vừa qua, cho thấy cơ cấu lại các hoạt động kinh doanh. Quan trọng hơn có 19% các giao dịch theo chiều dọc - hình thành chuỗi cho thấy sự chuyển dịch chuỗi, và chỉ 30% là giao dịch hỗn hợp. Đó là tổng quan 3 đặc điểm rõ nét trong 3 năm qua.

"Thời điểm hợp lý để dọn dẹp lại các doanh nghiệp"

Về phía nhận định của ông Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Tôi nghĩ đến thời điểm này, bàn về vấn đề liên quan đến triển vọng, hay số phận của doanh nghiệp Việt, làm sao để doanh nghiệp Việt mạnh lên là một vấn đề lớn.

Theo ông Thiên, bàn về cơ hội M&A, đây là thời điểm hợp lý để dọn dẹp lại các doanh nghiệp sau khi bị cơn bão quét qua.

Nhưng nói đến cơ hội, lại có hai vấn đề. Thứ nhất, tái cấu trúc doanh nghiệp Việt thì cần thay đổi về điều kiện, cơ chế chính sách, bởi đây không chỉ là cơ hội thay đổi chân dung cho doanh nghiệp Việt Nam, mà rộng hơn là cơ hội cho đất nước.

Thứ hai là nỗ lực từ phía doanh nghiệp, là cách thức thực hiện M&A sao cho hiệu quả nhất. Vấn đề cần bàn luận là phải làm như thế nào để kéo doanh nghiệp yếu đứng dậy, kéo nền kinh tế đứng lên sau đại dịch. Đồng thời, tạo thêm áp lực cho Chính phủ trong việc đưa ra các cải cách, cải tiến… thúc đẩy chính sách để đẩy mạnh M&A.

Khó khăn nào khi quỹ ngoại đầu tư vào doanh nghiệp Việt?

Ông Vũ Hữu Điền - Giám đốc Đầu tư Công ty Dragon Capital Vietnam (DCVFM): “Khi chúng tôi lựa chọn doanh nghiệp, chúng tôi cần có chung tầm nhìn với doanh nghiệp. Chúng tôi đánh giá cao tầm quản trị doanh nghiệp, nếu chủ doanh nghiệp có một khả năng quản trị tốt thì đó mục tiêu để đầu tư vào doanh nghiệp cũng như có thể đi được đường dài với nhau.

Bên cạnh đó, phải có thị trường để chuyển nhượng khoản đầu tư, mà việc niêm yết trên thị trường chứng khoán là một điều quan trọng. Đơn cử như tại Novaland (NVL), quá trình tiền IPO cho đến IPO và sau này là quá trình niêm yết, tăng vốn, chúng tôi đều đồng hành cùng doanh nghiệp.

Hội thảo trực tuyến “M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị” diễn ra sáng ngày 15/10

Đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Thái Phiên - Phó Tổng Giám đốc NovaGroup chia sẻ: “Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), họ có những khó khăn về quy mô, khách hàng, sản phẩm chưa hoàn thiện, đội ngũ con người, hệ thống… Giai đoạn Covid vừa qua, các doanh nghiệp SME đặt ra nhiều vấn đề, thậm chí có doanh nghiệp cũng muốn thay đổi chiến lược, từ bỏ mảng kinh doanh hiện hữu. Hướng đi cộng sinh với các doanh nghiệp lớn hơn được đặt ra."

Ông Nguyễn Thái Phiên - Phó TGĐ NovaGroup

Cũng theo ông Phiên, thực ra, các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam sau thời gian tích lũy tư bản, thì trách nhiệm xã hội của họ cũng lớn hơn rất nhiều, không phải là câu chuyện từ thiện, mà là tạo ra cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh hơn, đủ sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp lớn không thể tự làm tất cả các ngành, họ chỉ có thể bơm vốn, đưa nhân sự vào để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, sự cộng sinh từ doanh nghiệp lớn hơn thì bản thân cộng đồng SME có cơ hội phát triển lớn hơn.

Ngược lại, các doanh nghiệp SME muốn phát triển bền vững hơn, tồn tại dài hạn hơn, thì phải cộng sinh với doanh nghiệp lớn. Câu chuyện đặt lên hệ quy chiếu là có hai chiều như vậy.

Tiên Tiên

FILI

Các tin tức khác

>   TDG lên kế hoạch nâng vốn điều lệ lên hơn 635 tỷ đồng  (15/10/2021)

>   PDR: Quyết định của HĐQT về việc thông qua danh sách người lao động tham gia chương trình ESOP 2021 (13/10/2021)

>   PDR: Phương án ESOP 2021 và Quy chế ESOP (13/10/2021)

>   VSC sắp chào bán hơn 55 triệu cp, giá 10,000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu (14/10/2021)

>   AAV dự kiến phát hành 30 triệu cp với giá 12,200 đồng/cp (12/10/2021)

>   BKG muốn phát hành 30 triệu cp riêng lẻ (11/10/2021)

>   ACC chuẩn bị phát hành 75 triệu cp, giá 10,000 đồng/cp (08/10/2021)

>   FLC dự kiến chào bán gần 497 triệu cp với giá 10,000 đồng/cp (08/10/2021)

>   IPA muốn tăng vốn lên gấp đôi (08/10/2021)

>   TAR muốn huy động 450 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhằm trả nợ ngân hàng (07/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật