Việt Nam chi hơn 3 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi
Trong 8 tháng đầu năm, nhập khẩu các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam tăng mạnh với hơn 3,3 tỷ USD.
Theo Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2021, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã tăng đột biến, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2020 với kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 3,33 tỷ USD. Trong đó, Argentina tiếp tục là thị trường cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn nhất cho Việt Nam, đạt gần 1,14 tỷ USD (tăng 8,5% so với cùng kỳ 2020) và chiếm 34,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.
8 tháng qua, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi từ Mỹ đạt 552,39 triệu USD, tăng 67,5% so với cùng kỳ, chiếm 16,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Đứng thứ 3 là Brazil với 393,49 triệu USD, tăng 57,4% so với cùng kỳ, chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch.
Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi từ thị trường EU trong 8 tháng đầu năm cũng tăng mạnh, với trên 55,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 273,21 triệu USD. Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi từ thị trường Đông Nam Á tăng 17%, đạt 244,22 triệu USD.
Ở thị trường trong nước, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm đến nay ngành thức ăn chăn nuôi đã có 8 đợt tăng giá, trung bình mỗi lần tăng từ 3-5% (tăng khoảng 30-35%). Đặc biệt, trong bối cảnh giá nhiều loại gia cầm, gia súc như gà, vịt, lợn….đều giảm mạnh, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá đang vượt quá sức chịu đựng của người chăn nuôi.
Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT cho biết đã có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị giảm thuế về ngô, đỗ nhập khẩu, các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi... Theo Bộ NN&PTNT, hiện Bộ Tài chính cũng đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu MFN (đối xử tối huệ quốc) của mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%, giảm thuế nhập khẩu của lúa mì xuống 0%, nhằm giảm chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nếu đề xuất trên được thông qua, sẽ tác động tích cực tới việc phục hồi hoạt động chăn nuôi của người dân, đảm bảo cung ứng lương thực dịp cuối năm.
Năm 2020, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam khoảng 3,84 tỷ USD.
Dương Hưng
Tiền phong
|