Bất chấp Covid-19, xuất khẩu điện thoại 'Made in Vietnam' thu về hơn 35 tỉ USD
Sau 8 tháng, điện thoại các loại và linh kiện đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 35 tỷ USD.
Xuất khẩu điện thoại "Made in Vietnam" vẫn gia tăng. Ảnh: Thành Luân
|
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 8 vừa qua, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam như da giày, dệt may, đồ gỗ, thủy sản... đều giảm mạnh. Điều đó khiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nói chung của cả nước trong tháng 8 chỉ đạt 27,23 tỷ USD, giảm 2,3%, tương ứng giảm 636 triệu USD so với tháng 7. Tuy nhiên, xuất khẩu các mặt hàng điện thoại, máy tính tiếp tục tăng.
Cụ thể, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 8 đạt 5,55 tỷ USD, tăng 17,5% so với tháng 7. Tổng cộng trong 8 tháng của năm nay, xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam đạt 35,33 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 8,06 tỷ USD, tăng 65%; sang thị trường Mỹ đạt trị giá 6,24 tỷ USD, tăng 1%; sang EU (27 nước) đạt 4,84 tỷ USD, giảm 19%... so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 8 cũng tăng 14,8% so với tháng 7, đạt 4,24 tỷ USD. Tổng cộng, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 8 tháng của năm nay lên 31,8 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang thị trường Mỹ đạt 8,09 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước; sang thị trường Trung Quốc đạt 6,62 tỷ USD, giảm 8%; sang thị trường EU đạt 4,08 tỷ USD, tăng 11%...
Tương tự, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác trong tháng 8 cũng đạt 3,12 tỷ USD, tăng 7,6% so với tháng trước. Với kết quả này, trong 8 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu của máy móc thiết bị điện tử và phụ tùng khác đạt 23,15 tỷ USD, tăng mạnh 50,6% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu nhóm hàng này một số thị trường chính đều tăng rất cao trong 8 tháng qua.
Cụ thể, xuất sang Mỹ đạt 10,31 tỷ USD, tăng mạnh 68%, tương ứng tăng 4,16 tỷ USD; sang EU đạt 2,84 tỷ USD, tăng 54%, tương ứng tăng 1 tỷ USD; sang Nhật Bản đạt 1,7 tỷ USD, tăng 33%, tương ứng tăng 417 triệu USD; sang Trung Quốc đạt 1,67 tỷ USD, tăng 46%, tương ứng tăng 528 triệu USD... Việc xuất khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng mạnh đã đưa nhóm hàng này vượt mặt xuất khẩu hàng dệt may trở thành nhóm xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.
Trong khi đó, xuất khẩu dệt may trong tháng 8 chỉ đạt 2,65 tỷ USD, giảm 14,9% (tương ứng giảm 464 triệu USD) so với tháng 7. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu hàng dệt may đạt 21,11 tỷ USD, tăng 9,4%, tương ứng tăng gần 1,82 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, từ vị trí ngành hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm, những năm gần đây dệt may liên tục bị điện thoại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng vượt qua.
Mai Phương
Thanh niên
|