Chủ Nhật, 12/09/2021 13:00

Trong khủng hoảng, nghĩ về tinh thần lạc quan, và... bi quan!

Vào những thời điểm khó khăn, như trong đại dịch, trong khủng hoảng kinh tế, chính trị, hay sau một thất bại nặng nề, chúng ta chọn cách ứng xử nào, lạc quan và tin tưởng ở tương lai, hay lo lắng và có cái nhìn bi quan với những ngày sắp tới?

Chúng ta đều biết rõ những ích lợi của tinh thần lạc quan. Câu nói nổi tiếng của Churchill được nhiều người trích dẫn “Người bi quan luôn nhìn thấy khó khăn trong từng cơ hội. Người lạc quan luôn nhìn thấy cơ hội trong từng khó khăn” cho thấy tầm quan trọng của tinh thần lạc quan. Đây cũng được coi như là một phẩm chất mà chúng ta cần phải nuôi dưỡng, dưới góc nhìn của các chuyên gia tâm lý.

Tinh thần lạc quan cũng có thể quan sát thấy trong nhiều nghiên cứu kinh tế, xã hội. Nhà kinh tế học người Pháp Jean Fourastié viết cuốn sách “30 năm rực rỡ” miêu tả những tiến bộ vượt bậc về chất lượng sống ở các nước phát triển từ năm 1946-1973(1).

Trong quyển sách này, ông nhấn mạnh rằng, người Pháp, vốn bi quan và hay than vãn, không hề nhận ra rằng thế giới đang tiến bộ “chưa từng có” nhờ vào sự phát triển của kỹ thuật.

Năm 2000, nhà kinh tế học người Anh Julian Simon xuất bản cuốn sách mang tên “Mọi thứ đều đang không ngừng trở nên tốt đẹp hơn: 100 xu hướng chủ chốt nhất của 100 năm vừa qua”(2), khởi đầu cho sự ra đời của hàng loạt cuốn sách khác thống kê những tiến bộ tích cực của xã hội loài người, và đưa ra những dự đoán lạc quan cho tương lai.

Cũng trong xu hướng này, năm 2018, tạp chí Time có ra một số chuyên đề “Những người lạc quan”, mà ông chủ của Microsoft, Bill Gates, được giao trọng trách là tổng biên tập khách mời. Đối với Bill Gates, cũng như những tác giả tham gia số báo này, nếu nhìn thế giới một cách tổng thể, thì rõ ràng là nó đang tốt đẹp hơn rất nhiều.

Cái nhìn này không hề là kết quả của một sự lạc quan tinh thần thuần túy, nó dựa trên những số liệu khách quan. Ví dụ, kể từ năm 1990, số lượng trẻ em thiệt mạng trước năm tuổi đã giảm còn một nửa. Cũng theo số liệu của năm này, thì có hơn một phần ba dân số thế giới sống trong nghèo khổ.

Vào năm 2018, chỉ còn một phần mười dân số sống trong hoàn cảnh nói trên. Cách đây một thế kỷ, chỉ có hơn hai mươi quốc gia không coi người đồng tính luyến ái là vi phạm pháp luật, giờ đây, đã có hơn 100 quốc gia công nhận quyền bình đẳng của họ.

Rõ ràng là, chúng ta hoàn toàn có lý do để thấy rằng, nhờ vào những giá trị tư tưởng sinh ra và phát triển từ thời Khai Sáng (nhấn mạnh vào lý trí, khoa học, tinh thần nhân văn và tiến bộ xã hội), thế giới này đã và đang có những biến chuyển tích cực, và hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn.

Thế nhưng, cũng vào năm 2018, Bulletin of Atomic Scientists, tổ chức do Albert Einstein và các nhà khoa học của University of Chicago thành lập năm 1945, đã vặn kim của “Đồng hồ tận thế” (Doomsday clock) lên 30 giây gần hơn ngày tận thế. Chiếc đồng hồ này được tạo ra vào cuối những năm 1940 nhằm nhấn mạnh nguy cơ một cuộc chiến tranh nguyên tử tàn phá thế giới.

Từ năm 1947 tới nay, chiếc đồng hồ này đã được chỉnh giờ 23 lần, và phần lớn là theo hướng ngày tận thế đang gần hơn, vì các lý do như biến đổi khí hậu, khủng bố sinh học, hay sự ra đời của trí tuệ nhân tạo. Tất nhiên, chiếc đồng hồ này chỉ có ý nghĩa biểu tượng: nó thể hiện sự quan ngại của một nhóm những nhà khoa học hàng đầu thế giới về nguy cơ một ngày tàn của thế giới này.

Nhìn vào thực tế, khó có thể phủ nhận là chúng ta đang đứng trước vô số các nguy cơ, như chiến tranh, khủng bố, ô nhiễm, bệnh tật…, cũng như phải đối mặt với nhiều vấn đề còn tồn tại, như sự bất bình đẳng, chủ nghĩa dân túy, sự sụt giảm niềm tin vào khoa học…

Thế giới này đang trở nên tốt đẹp hơn là một thực tế, nhưng điều này không có nghĩa là “tất cả mọi thứ đều tốt đẹp”… Bill Gates, cho dù tự nhận là một người “lạc quan” nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng để làm thế giới này tốt đẹp hơn, cần có “cái gì đó làm cho bạn giận dữ”.

Vậy thế giới của chúng ta thực tế đang trở nên tốt đẹp hơn, hay đang xấu đi và ngày càng tiến gần tới ngày tàn? Tùy vào cái nhìn cá nhân, sự lựa chọn có thể là khả năng thứ nhất, hoặc khả năng thứ hai.

Giáo sư, bác sĩ người Thụy Điển Hans Rosling, tác giả của cuốn sách “The Factfullness” đã thực hiện một điều tra trên 12.000 người liên quan tới việc nhìn nhận tiến bộ thế giới trong những năm vừa qua, và kết luận rằng phần lớn chúng ta đều hiểu sai dữ liệu để đánh giá hiện trạng thế giới.

Ông cho rằng chúng ta thường có xu hướng tập trung sự chú ý, cũng như khó quên những thông tin “xấu”, mang tính tiêu cực, và dễ bỏ qua những thông tin “tốt”, mang tính tích cực, và vì thế dễ có cái nhìn “bi quan hóa”, thiếu khách quan về thực tế.

Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng, lạc quan thái quá và nhìn cuộc đời với cặp kính màu hồng, thì cũng không hẳn là tốt. Cần phải giữ được một cái đầu “tỉnh táo” để hiểu rằng thế giới này đang trở nên tốt đẹp hơn là một thực tế, nhưng điều này không có nghĩa là “tất cả mọi thứ đều tốt đẹp”. Có cái nhìn quá lạc quan, đến mức ngây thơ về thực trạng cuộc sống sẽ không có tác dụng tích cực cho sự phát triển của xã hội.

Hans Rosling chỉ ra rằng cho dù những người bi quan có cái nhìn tiêu cực hóa quá mức, thì họ chính là những người đóng góp nhiều nhất đến sự thay đổi tích cực của xã hội loài người, đặc biệt là trong lĩnh vực quyền cá nhân, bình đẳng giới tính hay hỗ trợ nhân đạo.

Bill Gates, cho dù tự nhận là một người “lạc quan” nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng để làm thế giới này tốt đẹp hơn, cần có “cái gì đó làm cho bạn giận dữ”. Ông cũng định nghĩa lại tinh thần lạc quan, cho rằng nó chính là “lấy cảm hứng từ những người làm thế giới này tốt đẹp hơn”.

Những người lạc quan, vì thế, cũng đừng quên cảm ơn những người bi quan, vì nhờ họ “nói quá lên” những tiêu cực của cuộc sống, mà thế giới này trở nên tiến bộ hơn.

Để kết bài, xin trích dẫn một nghiên cứu gần đây của nhà xã hội học Gaël Brulé (Đại học Rotterdam, Hà Lan(3)), theo đó, việc cảm thấy bản thân có đóng góp vào những tiến bộ xã hội là một trong các yếu tố quan trọng làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc, và giữ được tinh thần lạc quan!

Thiên Kim

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Kiểm soát thẻ xanh Covid sẽ như thế nào? (12/09/2021)

>   TP.HCM sau ngày 15.9: Cần thêm thời gian để kiểm soát dịch Covid-19 toàn thành phố (12/09/2021)

>   TP.HCM xây dựng gói hỗ trợ người dân song song với kế hoạch phục hồi kinh tế (11/09/2021)

>   TP.HCM sẽ cập nhật thông tin tiêm vaccine của người dân trước 15/9 (11/09/2021)

>   Ngày 11/9: Việt Nam ghi nhận 11,932 ca mắc Covid-19, TP.HCM có 5,629 ca (11/09/2021)

>   Từ nay đến hết năm 2021, Việt Nam sẽ nhập về 103,4 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 (11/09/2021)

>   “Muốn sống chung với Covid-19 phải tự chủ được nguồn vaccine” (11/09/2021)

>   Bộ TT-TT: Sẽ dùng chung mã QR cá nhân thống nhất toàn quốc (11/09/2021)

>   Đẩy nhanh tiến độ để sớm có vaccine Covid-19 sản xuất trong nước (11/09/2021)

>   Sẽ có ứng dụng công nghệ duy nhất phục vụ phòng, chống dịch (11/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật