Thứ Bảy, 11/09/2021 13:45

Từ nay đến hết năm 2021, Việt Nam sẽ nhập về 103,4 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết dự kiến từ nay đến hết năm 2021 sẽ nhập 103,4 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó đến hết tháng 9 về khoảng 22,8 triệu liều, tháng 10 khoảng 31,2 triệu liều...

Sáng nay 11-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban chỉ đạo), đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo để kiểm điểm công tác phòng, chống dịch trong tuần qua, đồng thời đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp - Ảnh: Nhật Bắc

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sau một tuần triển khai chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, cần đánh giá xem tuần vừa qua việc tổ chức thực hiện đạt kết quả như thế nào, cái gì làm được, chưa được, từ đó phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để bổ sung, hoàn thiện.

Trong đó cần đánh giá thêm công tác giám sát, kiểm tra, nhất là của Ban Chỉ đạo các cấp để có thêm các biện pháp, giải pháp hiệu quả phòng, chống dịch; bên cạnh đó, đánh giá chung công tác tuyên truyền, vận động một cách sâu sắc, toàn diện để cái gì làm tốt thì phát huy, cái gì còn hạn chế, bất cập thì khắc phục, đặc biệt là phải quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; kêu gọi, vận động nhân dân nghiêm túc chấp hành các quy định trong phòng, chống dịch hiệu quả hơn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tỷ lệ mắc mới Covid-19 tại cộng đồng trong tuần đã giảm so với tuần trước tại một số địa phương có số mắc cao: Đà Nẵng (giảm 60%), Bình Dương (giảm 27%), Long An (giảm 3%). Số ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc giảm 30%, trong đó TP HCM (30%), Đồng Nai (50%), Long An (30%), Tiền Giang (70%).

Đặc biệt, tình hình dịch tại TP HCM trong tuần qua đã giảm rõ rệt trên 2 tiêu chí: số mắc trong cộng đồng và số tử vong, đặc biệt số tử vong của TP HCM đã giảm 30%. Các quận, huyện đã kiểm soát được dịch là Quận 7, Củ Chi và Cần Giờ. Dự kiến trong thời gian tới sẽ giảm cả số ca nhiễm và số ca tử vong. Tại Bình Dương, số ca mắc và số ca tử vong tiếp tục giảm.

Còn tại Hà Nội sẽ ghi nhận một số ca mắc, chùm ca bệnh rải rác trong cộng đồng, vẫn sẽ còn các ca lây nhiễm không rõ nguồn lây. Do vậy, cần đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm để phát hiện sớm các ca nhiễm trong cộng đồng.

Trong tuần qua, cả nước đã tiến hành xét nghiệm RT-PCR cho 5,2 triệu lượt người. So với tuần trước, số lượt người được xét nghiệm tăng 7,4%, chủ yếu tại Hà Nội và TP HCM. Tỷ lệ xét nghiệm trên 1 triệu dân của Việt Nam đứng thứ 107/223 trên thế giới.

So với tuần trước, tỷ lệ ca dương tính trên tổng số người xét nghiệm trong cộng đồng trong cả nước giảm từ 1,9% xuống còn 1,6%. Một số tỉnh có số mắc cao, tỷ lệ này cũng giảm mạnh: TP HCM (giảm từ 3,7% xuống 1,4%), Long An (giảm từ 2% xuống 0,5%), Tiền Giang (giảm từ 1,2% xuống 0,2%).

Xét nghiệm đối với các vùng có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao (vùng cam, vùng đỏ): Các địa phương đã triển khai xét nghiệm cơ bản đạt tiến độ theo yêu cầu, TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai các vùng đỏ đã được quét xét nghiệm đến lần thứ 3 và tỷ lệ hiện nhiễm qua 3 vòng xét nghiệm đã giảm rõ rệt. Riêng Quận 7, Củ Chi, Cần Giờ tại TP HCM gần như không phát hiện thêm ca nhiễm mới sau 5 vòng xét nghiệm.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết tính đến nay, số lượng vắc-xin phòng Covid-19 đã có các thỏa thuận, hợp đồng và cam kết tài trợ với tổng số 159,97 triệu liều; trong đó của COVAX là 38,9 triệu liều, mua của AZ là 30 triệu liều, mua của Pfizer là 51 triệu liều, tài trợ là 25 triệu liều, viện trợ khoảng 15 triệu liều. Dự kiến số lượng vắc-xin phòng Covid-19 về trong năm 2021 khoảng 138,4 triệu liều.

Hiện số lượng vắc-xin đã nhận là hơn 34 triệu liều, đã thực hiện tiêm được hơn 27 triệu liều, trong đó có khoảng 2 triệu liều mới được phân bổ từ ngày 08/9). Kết quả tiêm ít nhất 1 liều cho nhóm từ 18 tuổi trở lên tại các địa phương: TP HCM đã tiêm 7,4 triệu liều (đạt 100%); Bình Dương đã tiêm 1,5 triệu liều (đạt 82%); Đồng Nai đã tiêm 1,3 triệu liều (đạt 60%); Long An đã tiêm 1,5 triệu liều (đạt 100%); Hà Nội đã tiêm 4,4 triệu liều (đạt 77%).

Riêng số mũi 2 đã tiêm được tại TP HCM là 896.835 liều (13%) và Hà Nội là 555.481 liều (10%).

Đáng chú ý, dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng 103,4 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 về Việt Nam, trong đó đến hết tháng 9 về khoảng 22,8 triệu liều, tháng 10 về khoảng 31,2 triệu liều, tháng 11 về khoảng 23,9 triệu liều, tháng 12 về khoảng 25,5 triệu liều.

"Hiện đang tiếp tục đàm phán với một số nước là 18,9 triệu liều gồm 10 triệu liều với Chính phủ Trung Quốc, 5 triệu với Chính phủ Cu Ba, 3 triệu liều với Chính phủ Ba Lan, 500.000 với Chính phủ Séc và 400.000 với Chính phủ Hungary"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.

Bộ Y tế đã và đang đàm phán và trao đổi với các đơn vị để cung ứng vắc-xin cho năm 2022 theo nguyên tắc đảm bảo tiêm đủ cho toàn bộ dân số từ 5 tuổi trở lên và thực hiện việc tiêm nhắc lại theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Thông tin tích cực theo Ban chỉ đạo là đến nay, số ca khỏi bệnh là 338.000 (chiếm 59% số mắc); số ca đang theo dõi là 231.426, trong đó điều trị tại bệnh viện 96.839 (41,7%), tại khu cách ly tập trung là 52.791 (chiếm 22,8%), điều trị tại nhà là 82.246 (35,5%). Tỷ lệ tử vong tại các tầng đã giảm rõ rệt, đặc biệt tại tầng 3 của các Trung tâm hồi sức tích cực; có 28 tỉnh chưa có ca tử vong.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu thuốc Remdesivir (1,7 triệu liều) để điều trị các bệnh nhân mức độ trung bình, nặng. Tiếp tục nhập các thuốc điều trị khác để điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong tuần qua đã tiếp tục hỗ trợ thêm gần 2 triệu người thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết số 68, nâng tổng số kinh phí hỗ trợ lên 12.900 tỉ đồng (tổng số là gần 16,46 triệu người lao động và gần 376.600 người sử dụng lao động) tại 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.

Riêng TP HCM đến nay đã chi trên 6.000 tỉ đồng (chiếm 47% toàn quốc) hỗ trợ trên 4,93 triệu đối tượng (chiếm 28,5% toàn quốc). Các cấp công đoàn đã tiếp tục hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động; vận động 8.161 doanh nghiệp thành lập 44.220 Tổ an toàn Covid -19 tại cơ sở.

Tấn công, vô hiệu hóa gần 1.282.000 lượt phát tán tin giả mạo, xấu độc

Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo từ Bộ Công an, trong 3 ngày gần đây đã tấn công, vô hiệu hóa gần 1.282.000 lượt phát tán tin giả mạo, xấu độc. Trong 3 ngày từ 6 đến 10-9, lực lượng Công an trong toàn quốc đã xử lý hơn 10.700 trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch. Công an các địa phương tích cực tham gia tuyến đầu chống dịch, đã cử gần 7.885 cán bộ chiến sỹ và học viên tham gia chống dịch tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Thế Dũng

Người Lao Động

Các tin tức khác

>   “Muốn sống chung với Covid-19 phải tự chủ được nguồn vaccine” (11/09/2021)

>   Bộ TT-TT: Sẽ dùng chung mã QR cá nhân thống nhất toàn quốc (11/09/2021)

>   Đẩy nhanh tiến độ để sớm có vaccine Covid-19 sản xuất trong nước (11/09/2021)

>   Sẽ có ứng dụng công nghệ duy nhất phục vụ phòng, chống dịch (11/09/2021)

>   Các kế hoạch mở cửa kinh tế TP.HCM sau 15.9 đều gắn với thẻ xanh Covid (10/09/2021)

>   Ngày 10.9 thêm 13.321 ca bệnh Covid-19 nhiễm mới ở 35 tỉnh, thành (10/09/2021)

>   TP.HCM: Ứng dụng VNEID sẽ như thẻ thông hành sau ngày 15.9 (10/09/2021)

>   Chủ tịch Hà Nội nêu 3 điều kiện để nới lỏng giãn cách (10/09/2021)

>   Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp thêm một vắc xin Covid-19 của Trung Quốc (10/09/2021)

>   Hiệu quả của 6 loại vaccine Covid-19 (10/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật