TP.HCM và 5 tỉnh miền Đông có thể tăng trưởng âm năm 2021
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo khu vực Đông Nam Bộ tăng trưởng kinh tế -0,13% năm nay, không đạt mục tiêu là 6,2-6,5%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa có báo cáo về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công khu vực Đông Nam Bộ năm 2022, trong đó có đánh giá khá chi tiết dự báo về tình hình thực hiện cả năm 2021.
Theo đó, khu vực gồm TP.HCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước được dự báo tăng trưởng -0,13%, so với kế hoạch đặt ra cả vùng là 6,2-6,5%.
Theo báo cáo, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 9 thì tình hình kinh tế - xã hội cả vùng sẽ từng bước trở lại phục hồi trong những tháng cuối năm, các chỉ số sản xuất công nghiệp dự báo sẽ được phục hồi nhanh trong quý IV.
Tuy vậy, mức tăng trưởng năm nay của cả vùng được dự báo vẫn không vượt qua 0%.
Kinh tế TP.HCM và nhiều tỉnh Đông Nam Bộ gặp khó khăn do dịch bệnh. Ảnh: Chí Hùng.
|
Tác động của dịch bệnh
Nguyên nhân được giải thích là tác động của dịch bệnh Covid 19. Chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất là ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ.
Các địa phương có cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào khu vực công nghiệp - xây dựng như Bà Rịa - Vũng Tàu (70,21%), Bình Dương (67,5%), Đồng Nai (60,22%) tiếp tục khó khăn do thiếu nhiên liệu để sản xuất, thiếu chuyên gia kỹ thuật bậc cao, thiếu đơn hàng xuất khẩu, nhân công lao động và ngưng trệ sản xuất.
Các địa phương có cơ cấu kinh tế lớn phụ thuộc vào nhóm ngành dịch vụ như TP.HCM (62,4%) gặp khó khăn do TP trải qua nhiều đợt giãn cách xã hội, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ bị đóng băng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khoảng 80% bị ngừng trệ hoạt động, nhiều công ty đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột dẫn đến giảm doanh thu cũng như mất khả năng thanh toán.
Theo tính toán, khoảng 97% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch (trong đó 52% bị tác động vừa phải và 44% bị tác động nghiêm trọng).
Bộ KHĐT cho biết với các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, việc dừng sản xuất kéo dài có thể làm mất đơn hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, tình trạng lao động về quê gây nguy cơ thiếu lao động lành nghề sau dịch là rất lớn do lao động mất việc làm hoặc đã về quê tránh dịch.
Phục hồi kinh tế trong năm 2022
Tuy vậy, trong năm 2022, Bộ KHĐT dự báo kinh tế của vùng Đông Nam Bộ sẽ dần phục hồi sau đại dịch. Kịch bản được đưa ra với điều kiện khu vực kiểm soát dứt điểm được dịch bệnh trong năm 2021.
Theo đó, dự báo tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng dự kiến tăng khoảng 5-6,5%. Cơ cấu kinh tế năm 2022 của vùng duy trì tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 80% trong GRDP. Khu vực này dự báo sẽ xuất khẩu giá trị hàng hóa trị giá khoảng khoảng 115,89 tỷ USD trong năm 2022.
Bộ KHĐT cho rằng vùng Đông Nam Bộ cần nghiên cứu các giải pháp để giải quyết các bất cập về quy hoạch với quản lý đô thị, đảm bảo sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng giải quyết triệt để các vấn đề ngập lụt, kẹt xe, áp lực quá tải về mật đô dân cư, ô nhiễm môi trường. Vùng cần phấn đấu trở thành nơi đáng sống của cả người dân và khách du lịch khắp nơi trên thế giới.
Ngoài ra, cần cơ cấu lại nền kinh tế, xác định rõ động lực tăng trưởng của từng địa phương và cả vùng. TP.HCM cần tiếp tục hoàn thiện các đề án đột phá như xây dựng trung tâm tài chính của quốc gia, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh cho TP Thủ Đức theo nguyên tắc một công việc chỉ có một cấp chính quyền thực hiện.
Bộ KHĐT dự báo kinh tế của vùng Đông Nam Bộ sẽ dần phục hồi trong năm 2022. Ảnh: Phạm Ngôn
|
“Cần đặt TP Thủ Đức đứng vị trí vai trò là động lực phát triển vùng đô thị của thành phố về phía đông trong 10 năm tới. Hình thành một đô thị hoàn chỉnh đối trọng với đô thị cũ để xây dựng thành phố thành đô thị xanh và thành phố thông minh trong tương lai gần, tạo cơ chế chính sách vượt bậc”, Bộ KHĐT khuyến cáo.
Ngoài ra, một số địa phương có điều kiện phát triển như Bình Dương, Đồng Nai, Long An cần sắp xếp, khai thác quỹ đất hiệu quả hơn; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường phát triển du lịch sau dịch bệnh, giảm dần phụ thuộc khai thác dầu khí.
Các địa phương trong vùng cũng cần chú trọng phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản; ưu tiên phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thuận Hiếu
ZING
|