Trao đổi với chúng tôi, các nhà đầu tư nước ngoài, chuyên gia kinh tế khẳng định, mở cửa lại nền kinh tế là đòi hỏi bắt buộc, tuy nhiên cần chuẩn bị kỹ lưỡng kịch bản cho vấn đề này, thực hiện cẩn trọng từng bước, hài hòa với các điều kiện an toàn về phòng chống dịch.
Ông Jean Michel Caldagues, Giám đốc điều hành của Airbus tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Minh Ngọc
|
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Jean Michel Caldagues, Giám đốc điều hành của Airbus tại Việt Nam bày tỏ: “Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam không thể đóng cửa mãi, phải bắt đầu mở cửa dần dần trở lại, đồng thời thực hiện linh hoạt các biện pháp giãn cách. Theo tôi, đây là một tín hiệu tốt. Vì lợi ích của doanh nghiệp, người lao động nói riêng và của đất nước nói chung, chúng tôi thực sự mong muốn Việt Nam có thể mở cửa trở lại bởi nền kinh tế đang chịu nhiều thiệt hại do đại dịch”.
“Được thành lập từ năm 1997, trải qua quãng thời gian dài kinh doanh tại Việt Nam, Tập đoàn Airbus thấu hiểu những đặc trưng, tiềm năng của thị trường Việt Nam và hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng này, hướng tới tương lai tươi sáng hơn”, ông Jean Michel Caldagues nhấn mạnh.
Hiện tại, nền kinh tế đang ở trong tình huống đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tái mở cửa sẽ đặt ra nhiều áp lực cho hệ thống y tế. Đại diện Airbus cho biết, rõ ràng đây là một bài toán khó cho Việt Nam. Các nước trên thế giới cũng gặp phải vấn đề tương tự và đang nỗ lực tìm hướng giải quyết ổn thỏa, cân bằng giữa kinh tế, y tế và xã hội. Việt Nam có thể rút ra kinh nghiệm, bài học từ cách tổ chức triển khai của các nước khác.
Bà Claudia Anselmi, thành viên Ban lãnh đạo Eurocham. Ảnh: VGP/Minh Ngọc
|
Đồng tình với quan điểm của ông Jean Michel Caldagues, bà Claudia Anselmi, thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, các doanh nghiệp châu Âu rất vui mừng và ủng hộ chủ trương mở cửa lại nền kinh tế.
Tuy nhiên, Eurocham mong muốn trong quá trình thực thi, mọi chỉ đạo điều hành của chính quyền Trung ương cần phải được chính quyền địa phương tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, trên tinh thần thông suốt, linh hoạt và đồng bộ, tránh phát sinh những sự không đồng nhất hay rào cản cho doanh nghiệp như thời gian qua.
Để nhanh chóng mở cửa và phục hồi kinh tế, theo chuyên gia kinh tế Phạm Sỹ Thành (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách), điều đầu tiên cần làm là xác định một mục tiêu nhất quán trong cách nhìn nhận về đại dịch, để làm phương hướng chung cho cả nước trong bối cảnh tái mở cửa nền kinh tế. Từ đó mới có đủ căn cứ để đánh giá việc phục hồi, phát triển và hiệu quả chính sách điều hành của các địa phương.
Về cơ bản, điều này phần nào giúp điều hành của địa phương có thể đi trước các vấn đề thực tế thay vì phụ thuộc vào tình hình.
Chuyên gia kinh tế Phạm Sỹ Thành
|
Thứ hai, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cần tiếp tục được ưu tiên. Điều này đã thành nhận thức chung, đã và đang được triển khai mạnh mẽ ở các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, tiếp cận nguồn và mua vaccine vẫn phải được đẩy mạnh và bao phủ rộng hơn nữa trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, phải chuẩn bị phương án nếu xuất hiện biến thể mới.
Thứ ba, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với vai trò của cơ quan lập pháp cần tích cực và chủ động hơn trong việc sửa đổi hoặc ban hành các luật mới nhằm tạo hành lang pháp lý cho Chính phủ trong công tác chống dịch và phục hồi kinh tế.
Chuyên gia Phạm Sỹ Thành lưu ý, nên tận dụng cơ hội này để nhìn lại cách tư duy và phương thức chuyển đổi số cả ở cấp độ vĩ mô lẫn vi mô. Điều yếu nhất trong thực tiễn chuyển đổi số ở Việt Nam là chưa thực sự có cách tư duy đúng về hệ điều hành số. Chuyển đổi số tại nước ta vẫn rời rạc và triển khai cơ học. Hệ điều hành số không chỉ là số hoá, đầu tư hạ tầng số mà còn cần nguồn nhân lực phù hợp, cách làm triệt để và liên thông, đồng bộ.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh
|
Phân tích thêm về kịch bản mở cửa lại nền kinh tế, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây là đòi hỏi bắt buộc để phục hồi và tăng trưởng. Trước hết, có thể nới lỏng và tổ chức lại hoạt động kinh doanh tại “vùng xanh”, khu vực an toàn, không có F0 trong cộng đồng trong 2, 3 tuần. Những người quay trở lại sản xuất, kinh doanh nên được tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine và kèm theo đó là bảo đảm 5K.
Ông Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định, khi nhiều doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn có hàng chục nghìn công nhân thì lực lượng lao động này không phải đến từ một vùng, mà có thể đến từ vùng xanh, vàng, đỏ nên phải phân loại cẩn trọng, có thể cho những người đến từng vùng nguy cơ cao tạm nghỉ hoặc thực hiện “3 tại chỗ”.
Cùng với đó, các chuyên gia kinh tế đều nhất quán, khi “vùng xanh” tổ chức tốt thì dần dần triển khai đến “vùng vàng”, còn vùng đỏ phải làm rất chặt, bóc tách F0 và điều trị. Kịch bản mở cửa trở lại nền kinh tế cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, thực hiện cẩn trọng từng bước, hài hòa với các điều kiện an toàn về phòng chống dịch./.