'Trụ đỡ' của nền kinh tế đang lung lay
Ngành nông nghiệp được ví như “trụ đỡ” của nền kinh tế nhưng đang có dấu hiệu “lung lay” trước tác động mạnh của dịch Covid-19. Minh chứng rõ nét nhất là xuất khẩu của toàn ngành đã “hụt hơi” do khó khăn từ sản xuất, lưu thông đến tiêu thụ; trong khi đó, nhập khẩu nguyên liệu, vật tư đầu vào lại gia tăng chóng mặt..
Xuất nhập khẩu ngành nông nghiệp 8 tháng đầu năm 2021
|
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp ước đạt 60,9 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 32,1 tỷ USD, tăng 21,6% và kim ngạch nhập khẩu khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả này, sau 8 tháng, xuất siêu của ngành nông nghiệp chỉ còn 3,3 tỷ USD, giảm tới 48,2% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất đình trệ, nhập khẩu nguyên liệu tăng
Trong tổng kim ngạch 28,8 tỷ USD nhập khẩu, các mặt hàng nông sản chính ước đạt 17,8 tỷ USD, tăng 57,7%; nhóm sản phẩm chăn nuôi (thịt lợn, các sản phẩm từ thịt, trứng sữa, gia cầm…) đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 6,6%; nhập khẩu nhóm hàng thủy sản ước khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 19,3%; nhóm lâm sản chính khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 38,3%; nhóm đầu vào sản xuất gần 5 tỷ USD, tăng 36%.
Tốc độ nhập khẩu tăng nhanh hơn tốc độ xuất khẩu.
|
Xét về thị trường, Campuchia là nguồn cung nông sản xuất sang Việt Nam lớn nhất đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 10,0% thị phần (trong đó mặt hàng điều chiếm 72,2% giá trị); tiếp theo là Hoa Kỳ đạt trên 2,7 tỷ USD, chiếm 9,3% thị phần (mặt hàng bông chiếm 36,3% tỷ trọng).
Tính riêng tháng 8/2021, phần lớn các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19, dẫn đến hoạt động chế biến và xuất khẩu nông lâm thủy sản bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Ổn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan)
Hạt điều nhập khẩu theo loại hình kinh doanh từ ASEAN có thuế nhập khẩu 0%, trong khi nhập từ thị trường ngoài ASEAN có thuế 5%. Như vậy, có thể đặt nghi vấn các doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều “mượn” đường Campuchia để trốn thuế nhập khẩu của mặt hàng này.
Về chiêu thức vi phạm, một số đối tượng thành lập doanh nghiệp và giai đoạn đầu sẽ làm ăn đúng quy định để tạo niềm tin, tạo vỏ bọc, sau một thời gian sẽ nhập ồ ạt lượng lớn hàng hóa rồi bán trong nội địa để trốn thuế và chủ doanh nghiệp sẽ bỏ trốn. Theo quy định, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% nhưng toàn bộ thành phẩm phải được xuất khẩu. Trường hợp doanh nghiệp tự ý tiêu thụ nội địa là hành vi vi phạm và sẽ bị xử lý nghiêm.
Hiện các cơ quan chức năng của Tổng cục Hải quan đã có kế hoạch kiểm tra 130 doanh nghiệp chế biến điều có dấu hiệu nghi vấn tại một số địa phương. Không chỉ là nguy cơ gian lận, trốn thuế, hành vi vi phạm của các đối tượng còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và đời sống của người dân trồng điều trong nước.
|
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 8/2021 ước đạt gần 3,4 tỷ USD; giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22,0% so với tháng 7/2021. Thế nhưng, nhập khẩu của ngành nông lâm ngư nghiệp vẫn tăng rất mạnh trong tháng 8/2021, thậm chí kim ngạch nhập khẩu lần đầu tiên đã cao hơn giá trị xuất khẩu của ngành trong một tháng.
Lý giải điều này, một số chuyên gia cho rằng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều nhà máy sản xuất vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, nhất là các nhà máy sản xuất phân bón và nguyên liệu thức ăn trong nước đã phải giảm công suất, thậm chí là ngừng sản xuất.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ trong nửa đầu năm 2021, cả nước nhập khẩu 2,31 triệu tấn phân bón các loại, kim ngạch 645,32 triệu USD, tăng 14,4% về khối lượng, tăng 25,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
|
Trong khi đó, nhu cầu chăn nuôi, trồng trọt của nông dân vẫn phải duy trì, dẫn đến tạo điều kiện cho nhập khẩu gia tăng.
Về giá, trên thị trường thế giới, giá các loại phân bón đều tăng rất mạnh so với một năm trước đây: Kali cao hơn 54%, Urea đắt hơn 56%, UAN32 cao hơn 60%, anhydrous đắt hơn 62%, UAN28 cao hơn 64%, DAP đắt hơn 69% và MAP cao hơn 75%. Và đây là nguyên nhân đẩy giá phân bón trong nước thời gian qua tăng “phi mã” ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, trồng trọt của nông dân.
Năm nay đã chứng kiến nhập khẩu hạt điều thô tăng cao chưa từng thấy, trở thành một trong những “thủ phạm” đẩy kim ngạch nhập khẩu của ngành nông nghiệp tăng mạnh.
Kim ngạch nhập khẩu điều tăng hơn 200%
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2021, lượng điều nhập khẩu vượt 2,03 triệu tấn, với kim ngạch đạt gần 3,05 tỷ USD; tăng 160,2% về lượng, tăng 207% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, dù mới hết tháng 8 nhưng kim ngạch và lượng điều nhập khẩu đã cao gấp đôi so với cả năm 2020 (năm 2020, cả nước chỉ nhập khẩu 1,45 triệu tấn với kim ngạch hơn 1,8 tỷ USD).
Trong số các thị trường nhập khẩu, thì nhập khẩu từ Cămpuchia tăng đột biến và trở thành nhà cung cấp hạt điều lớn nhất cho Việt Nam.
Hạt điều nhập khẩu từ Campuchia chiếm 53,7% trong tổng khối lượng và chiếm 60,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hạt điều của cả nước.
|
Trong 7 tháng của năm 2021 nhập khẩu hạt điều từ Campuchia lên tới 1,1 triệu tấn, kim ngạch hơn 1,83 tỷ USD, tăng khủng khiếp tới 455,9% về lượng, tăng 632% về kim ngạch.
Ngành điều luôn xuất siêu trong suốt 31 năm qua, năm 2020 xuất khẩu hạt điều đạt trị giá 3,19 tỷ USD; xuất siêu hơn 1,2 tỷ USD. Thế nhưng năm 2021, lần đầu tiêu ngành điều rơi vào thế nhập siêu.
Kim ngạch xuất khẩu hạt điều trong 8 tháng qua đạt 2,25 tỷ USD, tăng 15,1% về giá trị so với 8 tháng của năm 2020. Nếu dự tính cả năm 2021, xuất khẩu điều vẫn giữ được tăng trưởng kim ngạch 15%, thì kim ngạch xuất khẩu điều sẽ vào khoảng 3,67 tỷ USD; trong khi nhập khẩu điều 8 tháng qua đã tiệm cận với con số này.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm
Là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực nằm ở tốp đầu thế giới, song ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp nước ta vẫn phải nhập khẩu 70-85% nguyên liệu từ nước ngoài và hàng năm đều tăng cả về lượng cũng như giá trị. Riêng trong 8 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân là do ngành nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp tối đa 4,5 - 5 triệu tấn ngô hạt, 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn làm thức ăn chăn nuôi, trong khi nhu cầu hàng năm cần tới 26-27 triệu tấn các loại, chủ yếu là ngô, đậu tương, lúa mỳ, dầu động thực vật.
Đã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước một cách căn cơ, bài bản. Cần có nhiều giải pháp đồng bộ, mà một trong các giải pháp đó là phát triển trồng các loại cây phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, tăng diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Đồng thời có giải pháp thúc đẩy chế biến các phụ phẩm của ngành thủy sản như bột vụn cá, bột vỏ sò để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
|
Chu Khôi
VnEconomy
|