Thứ Tư, 15/09/2021 21:40

TP.HCM thí điểm thẻ xanh Covid-19 như thế nào?

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng cho biết thẻ xanh Covid-19 chỉ áp dụng theo từng nhóm, đơn vị cụ thể ở quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ.

Thí điểm thẻ xanh Covid-19 tại quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ là vấn đề được Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lâm Đình Thắng thông tin chi tiết tại họp báo tối 15/9.

Không áp dụng thẻ xanh Covid-19 trên toàn địa bàn

Ông Lâm Đình Thắng khẳng định thẻ xanh Covid-19 không được triển khai trên toàn bộ 3 địa phương trên mà sẽ thực hiện có lộ trình ở từng nhóm, đơn vị cụ thể sau khi thống nhất với lãnh đạo đơn vị liên quan.

Ví dụ tại quận 7, thành phố chỉ thí điểm thẻ xanh Covid-19 cho 150 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thiết yếu. Với Củ Chi, Cần Giờ, thành phố sẽ thí điểm quản lý đối với các cơ sở cung cấp thực phẩm, sản xuất nông nghiệp, du lịch địa phương.

Các đơn vị không thực hiện thí điểm vẫn áp dụng các phương thức di chuyển hiện nay theo quy định của UBND TP. Sau ngày 30/9, Sở TT&TT sẽ phối hợp với các sở ngành, địa phương để tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành các giải pháp.

TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội ảnh 1
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, thông tin về thẻ xanh Covid-19. Ảnh: Chí Hùng.

Về ứng dụng khai báo y tế điện tử của TP.HCM mà Sở TT&TT đang phát triển, ông Thắng cho hay đây không phải ứng dụng mới (đã được triển khai từ tháng 1).

Để đảm bảo nhu cầu công tác phòng chống dịch của thành phố giai đoạn sau ngày 15/9, sau khi tổng rà soát các giải pháp công nghệ, TP.HCM đã thống nhất sử dụng ứng dụng "Y tế HCM".

Đây sẽ là ứng dụng thống nhất giúp người dân quản lý thông tin cá nhân thuận tiện nhất. Ứng dụng này gom lại nhiều ứng dụng hiện nay, giúp người dân giảm giấy tờ, còn thành phố có thể làm chủ dữ liệu.

“Sở dĩ thành phố chọn ứng dụng này là vì đáp ứng được yêu cầu của TP.HCM về bộ tiêu chí an toàn; thí điểm đối với các doanh nghiệp ở những lĩnh vực cụ thể trên địa bàn, thẻ xanh Covid-19… và nhiều tiêu chí khác”, ông Thắng nói.

Giám đốc Sở TT&TT cho biết ứng dụng này được thành phố phát triển để phù hợp với diễn biến phòng chống dịch trên địa bàn theo cách nhanh nhất, phục vụ người dân thuận tiện nhất sau khi thành phố trở về trạng thái bình thường mới.

Cũng tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về 8 bộ tiêu chí hoạt động đối với các ngành nghề, hộ kinh doanh. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết thành phố có 8 bộ tiêu chí và được chia ra nhiều tiêu chí nhỏ. Mỗi ngành nghề sẽ có bộ tiêu chí riêng để đánh giá đạt hay không đạt.

Nguyên tắc khi ban hành bộ tiêu chí này là các doanh nghiệp, đơn vị muốn tham gia hoạt động phải tự đánh giá và gửi lên ứng dụng (app) của Sở TT&TT. Trên cơ sở đó, các cơ quan liên ngành sẽ kiểm tra, xử lý đơn vị nào vi phạm tiêu chí. Khi sử dụng app này, người dân tại các quận, huyện cũng tham gia kiểm tra, giám sát.

Khó khăn nhất là điều chỉnh hệ thống giao thông

Zing đặt câu hỏi về việc trong trường hợp tình hình dịch tại quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ diễn biến phức tạp; hoặc các địa phương còn lại kiểm soát được dịch thì phương án của thành phố sẽ thay đổi như thế nào.

Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết trong quá trình thí điểm nới lỏng giãn cách ở một số địa phương, TP.HCM sẽ liên tục đánh giá hàng ngày, thậm chí hàng buổi.

Các thông tin về giao thông và từ các đường dây nóng sẽ liên tục được cập nhật để xử lý. Tất cả lực lượng đặt mình trong tâm thế vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi kinh tế. Nếu có vấn đề, UBND TP.HCM sẽ điều chỉnh ngay.

"Quan trọng nhất và khó khăn nhất là điều chỉnh trong hệ thống giao thông. Hàng ngày, chúng tôi đều có công văn về giao thông bởi kết nối cung - cầu không được thì cũng không sản xuất được", ông Bình nói.

TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội ảnh 2
Ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, trả lời tại họp báo. Ảnh: Chí Hùng.

Với những vấn đề chưa kịp điều chỉnh, TP.HCM vẫn sử dụng như cũ, ví dụ như giấy đi đường chưa tích hợp được thì vẫn sử dụng giấy công an cấp. "Đương nhiên cái tiện lợi sẽ làm, cái không tiện lợi thì tự khắc bỏ đi", ông Bình nói.

Sau giai đoạn thí điểm, Sở Y tế sẽ đánh giá việc giãn cách và tính toán phương án cho các quận, huyện còn lại.

Theo Công văn 3072 vừa được UBND TP.HCM ban hành ngày 15/9, TP.HCM tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị 16, Kế hoạch 2715, Chỉ thị 11 của UBND TP.HCM từ 0h ngày 16/9 đến hết 30/9.

TP.HCM tiếp tục cấp giấy đi đường cho nhóm đối tượng được phép lưu thông, giấy đã cấp sẽ có hiệu lực đến hết 30/9. Người dân tiếp tục được "đi chợ hộ". Riêng tại quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ, người dân đi chợ 1 tuần/lần...

Thu Hằng - Thư Trần

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Ngày 15/9 thêm 10.585 ca nhiễm COVID-19, hơn 5.800 ca trong cộng đồng (15/09/2021)

>   TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16 đến hết tháng 9 (15/09/2021)

>   Vĩnh Long nới lỏng giãn cách, cho phép di chuyển giữa các vùng xanh (15/09/2021)

>   Từ 12 giờ 16.9, Hà Nội cho phép bán hàng ăn mang về, mở văn phòng phẩm (15/09/2021)

>   Bình Dương: Trở lại trạng thái bình thường mới thế nào? (15/09/2021)

>   Choáng với giá bánh mì, tô bún bán mang về (15/09/2021)

>   Chiến lược phòng chống dịch cho năm 2022 (15/09/2021)

>   Cấp thẻ xanh Covid cho F0 tự cách ly tại nhà: Có thể xét nghiệm máu tìm kháng thể (14/09/2021)

>   Ngày 15/9, Hội đồng Đạo đức họp đánh giá về vaccine Nano Covax (14/09/2021)

>   Ngày 14/9: Việt Nam ghi nhận 10,508 ca mắc COVID-19, riêng TPHCM 6,312 ca (14/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật