Thứ Tư, 15/09/2021 11:19

Choáng với giá bánh mì, tô bún bán mang về

Người dân TP.HCM chưa kịp vui vì được thưởng thức các món ăn quen khẩu vị thì phải choáng khi nghe giá và phí đồ ăn khi áp dụng các yêu cầu “bán mang về” hiện tại.

Tiệm bánh mì Như Lan (Hàm Nghi, Q.1) hoạt động trở lại. NGỌC DƯƠNG

Nghe giá xong hết thèm ăn

Sau khi TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại từ ngày 8.9, chị Thanh Hà (Q.3) ngay lập tức tìm đến món ăn khoái khẩu quen thuộc. Thế nhưng, chưa kịp gọi chị đã choáng váng với giá ổ bánh mì nhân thịt Huỳnh Hoa được rao bán trên Facebook lên đến 75.000 đồng/ổ, chưa tính phí ship 30.000 đồng. Muốn ăn, chị phải trả tổng cộng 105.000 đồng cho ổ bánh mì, cao gấp 3 lần bình thường.

Mình thèm bún bò mà tìm hoài không thấy quán nào cùng quận để đỡ phí ship, nên thôi lại tiếp tục nhịn vậy. Giá lên hơn 100.000 đồng/tô, gần đủ để mua thức ăn một bữa cho cả nhà nên phải tiết kiệm.

Chị An (Q.7, TP.HCM)

Giới ghiền ăn bánh mì ở Sài Gòn không ai không biết tiệm bánh mì Huỳnh Hoa trên đường Lê Thị Riêng, Q.1. Trước đây người mua cũng phải xếp hàng chờ đến lượt dù giá liên tục tăng. Còn nay, nếu khách hàng đặt qua Shopee, giá 1 ổ là 58.000 đồng, nhưng do tiệm bánh trên địa bàn Q.1 mà nhiều khách mua ở các quận khác nên thị trường xuất hiện nhiều Facebooker gom đơn giao hàng với giá lên đến 75.000 đồng/ổ, kèm theo đó là phí ship từ 25.000 - 50.000 đồng tùy quận.

Không biết có phải giá quá đắt, bán không được hay vì lý do gì khác, sau 2 ngày mở bán, tiệm bánh mì Huỳnh Hoa vừa thông báo tạm ngưng hoạt động trong 2 ngày 13 và 14.9.

Với các quy định mới, các món ăn quen thuộc, bình dân ở TP.HCM đã thiết lập một mặt bằng giá mới gây choáng váng cho khách hàng. Mới đây nhà hàng Vua Cua đã bổ sung thêm nhiều món mới bán online như combo bún bò Huế size M gồm 4 tô có giá 450.000 đồng, size L 6 tô có giá 650.000 đồng; bánh canh tôm chả cua size M 4 tô giá 530.000, còn lên size L 6 tô giá 730.000 đồng. Tính ra mỗi tô bún, bánh canh có giá từ 110.000 - 120.000 đồng, chưa bao gồm phí ship 60.000 đồng giao ở các quận. Chiều 13.9, phía nhà hàng cho biết chỉ nhận đặt sau ngày 15.9 vì hiện nay chưa tìm được shipper.

Liên hệ quán Bún bò Đông Ba (Nguyễn Văn Thủ, Q.1), chủ quán cho biết chỉ bán hàng qua app vì quán không có giấy đi đường nên không giao hàng được. Khách hàng nào đi ngang quán lấy thì gọi điện trước để quán chuẩn bị sẵn, đến là lấy hàng đi ngay chứ không phải chờ đợi. Quán chỉ có giá duy nhất là 75.000 đồng/tô, kể cả đến trực tiếp hay mua trên app. Sau khi xem trên app Grab, phí đặt mua tô bún này từ Q.1 sang Q.3 là 25.000 đồng. Như vậy, muốn ăn tô bún này, khách hàng phải chi ít nhất 100.000 đồng/tô.

Chị An (Q.7) vào các app công nghệ để tìm đặt mua bún bò hay mì quảng vì “quá thèm” mà nhà không đủ nguyên liệu để nấu. Đặt món ăn trên Grab thông báo chỉ ship cùng quận từ 6 giờ - 18 giờ hằng ngày nhưng chị tìm không thấy quán bún bò nào mở cửa, chỉ thấy có Bún bò Đông Ba trên đường Nguyễn Văn Thủ (Q.1) mở bán với giá 75.000 đồng/tô, nếu cộng thêm phí ship ước tính 49.000 đồng là tổng cộng 124.000 đồng. Chị quay sang tìm trên ứng dụng Baemin thì cũng không thấy quán bún bò nào, chỉ có quán hủ tiếu cùng Q.7, bán 1 tô giá 66.000 đồng và app báo phí ship 22.000 đồng, tổng cộng là 88.000 đồng. “Mình thèm bún bò mà tìm hoài không thấy quán nào cùng quận để đỡ phí ship, nên thôi lại tiếp tục nhịn vậy. Giá lên hơn 100.000 đồng/tô, gần đủ để mua thức ăn một bữa cho cả nhà nên phải tiết kiệm”, chị An chia sẻ.

Chị Nguyễn Giang (Q.7) cũng dở khóc dở cười khi đặt mua 2 hộp kem và hộp bánh trung thu tại tiệm Monico trên địa bàn Q.2 với giá gần 1 triệu đồng thì được tiệm báo phí ship từ Q.2 sang Q.7 là 150.000 đồng. “Nhìn phí ship xong hết muốn ăn, nên đành chuyển qua một tiệm bánh khác trên địa bàn Q.Tân Bình, ở đây báo giá ship 60.000 đồng. Nhiều khi thèm ăn món này hay món kia mà nghe báo phí ship xong thì tụt hết cả cơn”, chị Giang cho hay.

Chi phí mở bán tăng

Phải đóng cửa nghỉ bán từ nhiều tháng nay và mong chờ được mở cửa lại để có tiền trang trải cuộc sống, nhưng sau khi TP cho phép một số hoạt động kinh doanh được mở bán, các chủ tiệm ăn vẫn phải tính bài toán chi phí, giá thành.

Sáng 13.9, anh Toàn, chủ tiệm Mì Quảng 3 anh em (Cách Mạng Tháng 8, Q.3) cho biết quán chưa thể hoạt động lại vì nguyên liệu nấu mì cung cấp cho tiệm ở TP.Thủ Đức, H.Củ Chi, H.Hóc Môn mà việc đi lại từ các điểm này đến Q.3 còn khó khăn. Khi nào TP nới lỏng quy định cho phép đi lại, anh mới tính đến việc mở bán. “Nghe giá rau, thịt, gà tăng nên quán cố gắng thương lượng với những đơn vị cung cấp nguyên vật liệu giữ giá ổn định để không tăng giá bán ra. Một tô mì quảng giá 40.000 - 50.000 đồng mà giờ tăng gấp đôi thì khó ăn nói với khách của mình, vì chủ yếu là khách quen. Quán sẽ cố gắng giữ giá trong thời gian đầu, còn nếu sau đó giá nguyên vật liệu hay chi phí tăng nữa mới tính”, anh Toàn nói và cho biết những người làm ở quán chủ yếu là người trong gia đình, người thân ở cùng nhau nên việc tuân thủ nguyên tắc “3 tại chỗ” (3T) không khó. Thêm vào đó, mọi người cũng đã tiêm 1 mũi vắc xin, chờ cuối tháng 9 này tiêm thêm mũi 2 nữa là yên tâm hoạt động trở lại. Thế nhưng cái vướng lớn nhất lại chính là chi phí đầu vào nguyên vật liệu, cước vận chuyển, phí ship tăng vọt... đã cản bước ngày trở lại của hệ thống mì quảng nổi tiếng Sài Gòn này.

“Với các tiệm ăn phải thuê người làm thì việc 3T tại quán đúng là vấn đề nan giải, nên nhiều nơi đóng cửa chưa biết đến khi nào mới mở lại”, anh Toàn thừa nhận.

Theo thạc sĩ Vũ Quốc Chinh, Khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), để kéo giảm giá thực phẩm thì có thể cho phép shipper giao hàng liên quận càng sớm càng tốt. Sau đó cho phép người dân có thể tự mình đi mua hàng hóa cũng như đi chợ trong cùng quận theo ngày hoặc 1 tuần/lần với điều kiện vẫn tuân thủ quy định 5K.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bảo, Trưởng bộ môn Kinh tế đầu tư, kế hoạch và phát triển, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, kỳ vọng rằng người mua hàng sẽ trả tiền ít hơn sau ngày 15.9 khi các hoạt động shipper liên quận triển khai. Người vận chuyển gom nhiều đơn hàng chạy trên cùng một tuyến đường hoặc các quận, lúc này chi phí vận chuyển có thể giảm, người tiêu dùng sẽ phải trả tiền ít hơn khi đặt đồ ăn qua mạng. Còn các hàng quán thì cũng khó giảm xuống giá bán như bình thường trước đây bởi chi phí nguyên vật liệu tăng cao do đứt gãy nguồn cung, cộng thêm chi phí duy trì 3T, xét nghiệm. Hơn nữa, mãi lực bán hàng trong giai đoạn này cũng giảm đi rất nhiều cũng làm cho chi phí giá thành sản phẩm cao hơn.

Mai Phương

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Chiến lược phòng chống dịch cho năm 2022 (15/09/2021)

>   Cấp thẻ xanh Covid cho F0 tự cách ly tại nhà: Có thể xét nghiệm máu tìm kháng thể (14/09/2021)

>   Ngày 15/9, Hội đồng Đạo đức họp đánh giá về vaccine Nano Covax (14/09/2021)

>   Ngày 14/9: Việt Nam ghi nhận 10,508 ca mắc COVID-19, riêng TPHCM 6,312 ca (14/09/2021)

>   Thủ tướng đồng ý cho TP.HCM giãn cách xã hội thêm 2 tuần theo Chỉ thị 16 (14/09/2021)

>   TP.HCM thí điểm cấp mã QR cho người dân 3 quận, huyện (14/09/2021)

>   Pháp và Italy tài trợ 1.5 triệu liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam (14/09/2021)

>   TP.HCM: Đợt 1 tiêm vắc xin Covid-19 kết thúc ngày 15.9, đã vượt chỉ tiêu (14/09/2021)

>   Đồng Nai nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa kinh tế sau ngày 20.9 (14/09/2021)

>   TP.HCM: Đối tượng nào được nhận gói hỗ trợ Covid-19 TP.HCM đợt 3? (14/09/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật