Nỗi sợ về Evergrande kéo chứng khoán toàn cầu rớt mạnh
Cuộc khủng hoảng thanh khoản ngày càng trầm trọng tại tập đoàn bất động sản Evergrande đang châm ngòi cho làn sóng bán tháo từ Hồng Kông cho tới châu Âu và Mỹ.
Các tập đoàn bất động sản Trung Quốc và Hồng Kông là tâm điểm trong cú trượt dốc của thị trường. Chỉ số cổ phiếu bất động sản Hồng Kông giảm 7% xuống mức thấp nhất trong 5 năm giữa lúc giới đầu tư bị ám ảnh nỗi lo về Evergrande, tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới.
Tập đoàn này hiện đang gánh hơn 300 tỷ USD nợ ngân hàng và trái phiếu, đồng thời phải đối mặt với hạn chót thanh toán lãi vay đối với trái phiếu ngoại tệ vào ngày 23/09.
Cổ phiếu Evergrande tại Hồng Kông rớt tới 18.9% trong ngày 20/09. Đà giảm càng thể hiện nỗi lo về tình hình bất động sản Trung Quốc và châm ngòi cho làn sóng bán tháo trên diện rộng.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông rớt 3.5% trong ngày 20/09 và đã giảm gần 12% so với đầu năm.
Làn sóng bán tháo cũng lan sang thị trường châu Âu. Chỉ số chuẩn của khu vực châu Âu Stoxx 600 sụt 1.7%, các thị trường Đức và Pháp giảm tương ứng 1.9% và 2%. Chỉ số FTSE 100 của London mất 1.3%.
Tại Mỹ, hợp đồng tương lai Dow Jones giảm gần 500 điểm (tính tới lúc 15h50, giờ Việt Nam), S&P 500 mất 1%. Điều này báo hiệu nỗi lo cũng đang hiện hữu tại Phố Wall. Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, chạm mức 24.5 điểm, cao nhất kể từ ngày 12/05.
“Vẫn còn quá sớm để bàn tới rủi ro lan truyền từ Evergrande. Ngoài ra, tại Trung Quốc, chúng tôi cũng thấy tâm lý né tránh rủi ro dần dần nổi lên”, Anthony Collard, Trưởng bộ phận đầu tư tại Anh và Ireland ở JPMorgan, cho hay.
Tại Hồng Kông, nỗi sợ đang lớn dần trong lĩnh vực bất động sản và tác động tiêu cực tới nhóm tài chính.
“Evergrande chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, Louis Tse, Giám đốc tại công ty chứng khoán Wealthy Securities ở Hồng Kông, nhận định. Các tập đoàn phát triển bất động sản Trung Quốc từ lâu đã chịu áp lực thanh toán lãi vay đối với trái phiếu định danh bằng USD. Ngoài ra, thị trường còn lo ngại Bắc Kinh sẽ thúc giục các tập đoàn bất động sản giảm bớt chi phí mua nhà ở tại Trung Quốc và Hồng Kông.
“Điều này cũng tác động tới ngân hàng. Nếu giá bất động sản giảm, điều gì sẽ xảy ra với các khoản thế chấp?”, ông Tse cho biết. “Nó sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền”.
Cổ phiếu của hãng bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc, Ping An, có lúc lao dốc tới 8.4% trong ngày 20/09.
Các nhà quyết sách và doanh nghiệp đang chuẩn bị cho trường hợp có sự lây lan rủi ro trên thị trường. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hôm thứ Sáu tuần trước đã bơm 14 tỷ USD thông qua cơ chế hợp đồng repo – mức bơm vốn mạnh nhất kể từ tháng 2/2021 – để tránh tình trạng thiếu hụt vốn.
Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) – nằm trong 4 ông lớn Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc – đã thực hiện dự phòng nợ xấu với khoản cho vay Evergrande, theo Reuters. Các ngân hàng cũng sẵn sàng cho tình trạng thiếu hụt thanh khoản và đây cũng là lý do tại sao họ bán USD trên thị trường hoán đổi trong nước, một số chuyên viên phân tích cho biết.
Bên cạnh nỗi lo về Evergrande, nhà đầu tư cũng đang đợi chờ kết quả cuộc họp chính sách của Fed trong tuần này. Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ tổ chức họp báo vào ngày 23/09 khi kết thúc cuộc họp. Nhà đầu tư đang chờ đợi các tín hiệu siết vòi từ Fed.
Ông Powell trước đó báo hiệu Fed có thể cắt giảm nhịp độ mua trái phiếu trong năm nay, nhưng nhà đầu tư chờ đợi thêm thông tin cụ thể hơn, nhất là khi dữ liệu việc làm ảm đạm trong tháng 8/2021.
“Hiện nhiều yếu tố đáng ngại xuất hiện, như rủi ro từ Trung Quốc, chuỗi cung ứng, chính sách Fed, trần nợ của Mỹ và thỏa thuận cơ sở hạ tầng. Dù vậy, thị trường vẫn chưa quá bận tậm tại thời này. Những cú điều chỉnh và sự biến động mạnh có thể diễn ra và chúng tôi xem đây là cơ hội”, Larry Adam, Giám đốc đầu tư tại Raymond James, cho biết trong một báo cáo.
Vũ Hạo (Theo Financial Times)
FILI
|