Cú sụp của Evergrande sẽ gây ra hậu quả gì?
Các công ty bất động sản đang gặp căng thẳng tài chính tại Trung Quốc có nguy cơ sụp đổ khi tập đoàn bất động sản nặng nợ Evergrande đang trên bờ vực vỡ nợ, Jenny Zeng của AllianceBernstein cảnh báo.
* Chứng khoán Hồng Kông đỏ lửa, Hang Seng sụt gần 1,000 điểm, Evergrande rớt 17%
* NHTW Trung Quốc bơm 14 tỷ USD khi cú sốc Evergrande làm rối thị trường
Trao đổi trên chương trình “Street Signs Asia” của CNBC trong ngày 17/09, Jenny Zeng, Trưởng bộ phận trái phiếu tại AllianceBernstein, cảnh báo về “hiệu ứng domino” từ cú sụp của Evergrande.
“Trên thị trường trái phiếu USD nước ngoài, nhiều tập đoàn phát triển bất động sản đang cho thấy dấu hiệu căng thẳng tài chính trầm trọng”, Zeng cho biết. Những tập đoàn phát triển bất động sản này “không thể tồn tại lâu hơn” nếu kênh tái tài trợ bị đóng cửa trong một khoảng thời gian dài, bà nói thêm.
Evergrande, tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới, đang gánh núi nợ hơn 300 tỷ USD và cảnh báo nhiều lần rằng họ có thể vỡ nợ. Các ngân hàng liên tục từ chối cho vay mới với những người mua dự án khu dân cư chưa hoàn tất của Evergrande, trong khi các hãng xếp hạng tín nhiệm liên tục hạ bậc tín dụng của hãng bất động sản này vì khủng hoảng thanh khoản hiện tại.
Vị thế tài chính của các tập đoàn bất động sản Trung Quốc khác cũng hứng chịu áp lực nặng nề sau khi Chính phủ Trung Quốc đưa ra các quy định để siết cho vay với các công ty bất động sản. Các biện pháp này bao gồm áp tỷ lệ nợ trên dòng tiền, tài sản và vốn của công ty.
Mặc dù các tập đoàn đang gặp khó khăn chỉ có quy mô nhỏ (xét từng công ty) khi so với Evergrande, nhưng xét chung, họ chiếm 10-15% vốn hóa thị trường, bà Zheng nói. Bà cảnh báo cú sụp từ Evergrande có thể gây rủi ro lan truyền tới các lĩnh vực khác của nền kinh tế, đồng thời nói thêm một khi cú sụp bắt đầu, sẽ rất khó mà chặn đứng nó.
Các rủi ro tài chính hoặc xã hội gắn trực tiếp với Evergrande thực ra có thể “được kiểm soát một cách hợp lý”, bà Zheng lý giải. Bà đề cập tới sự phân mảnh trên thị trường bất động sản Trung Quốc như lý do đằng sau điều này.
“Chúng ta đều biết rằng đây là tập đoàn bất động sản lớn nhất của Trung Quốc, thậm chí là lớn nhất thế giới. Tuy vậy, Evergrande chỉ chiếm gần 4% tổng doanh số hàng năm của thị trường”, Zheng cho biết. “Lượng nợ, nhất là nợ trong nước, được hậu thuẫn bằng các khoản thế chấp”.
Lehman Brothers của Trung Quốc?
Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo cú sụp của Evergrande có thể trở thành “khoảnh khắc Lehman” của Trung Quốc. Khoảnh khắc Lehman ý muốn nói tới sự phá sản của Lehman Brothers trong cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn – vốn là yếu tố châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tuy nhiên, ông Simon MacAdam của Capital Economics cho rằng sự so sánh này khá khập khiểng.
“Một vụ vỡ nợ có kiểm soát hoặc thậm chí là cú sụp hỗn loạn của Evergrande chỉ có tác động nhỏ tới toàn cầu”, MacAdam, Chuyên gia kinh tế toàn cầu cấp cao tại Capital Economics, cho hay trong báo cáo ngày 16/09.
“Thậm chí nếu Evergrande nằm trong tập đoàn bất động sản đầu tiên phá sản tại Trung Quốc, chúng tôi cho rằng các nhà quyết sách phải mắc sai lầm về chính sách thì mới khiến kinh tế giảm tốc mạnh”, ông nói.
Tính tới ngày 20/09, cổ phiếu Evergrande đã giảm hơn 80% trong năm 2021.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|