Ngành logistics sẽ dẫn đầu sóng tăng trưởng sau giãn cách?
Khi dịch được kiểm soát, các chuyên gia dự báo nhóm ngành sản xuất xuất nhập khẩu sẽ phục hồi nhanh chóng. Điều này sẽ tác động rất lớn đến nhóm ngành logistics khi đây là mắt xích quan trọng trong công tác lưu thông hàng hóa.
Theo ông Lê Quang Minh - Trưởng phòng phân tích CTCK Mirae Asset, đầu tiên nếu mở cửa trở lại vào tháng 10, nhu cầu xuất nhập khẩu sẽ gia tăng ở cả 2 chiều, giúp kết quả kinh doanh quý 4/2021 của nhóm doanh nghiệp logistics phục hồi.
“Logistics sẽ là ngành đầu sóng tăng trưởng sau giãn cách. Bên cạnh đó, tôi đánh giá doanh nghiệp logistics sẽ bứt phá về cơ bản trong quý 4/2021 cũng như giá cổ phiếu”, ông Minh nói thêm.
Còn theo đánh giá của ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược Thị trường của CTCK KB Việt Nam (KBSV): “Khi hàng hóa được đẩy mạnh, Việt Nam là quốc gia mở, tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP trên 200%. So về độ mở nền kinh tế, chúng ta là nước ở trong top 5 hoặc 6 quốc gia có độ mở kinh tế lớn nhất thế giới. Do đó, khâu logistics là một khâu rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến chi phí đầu ra của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Mặc dù tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP ở mức cao nên Chính phủ đã có những định hướng rất rõ ràng về việc giảm chỉ tiêu này xuống và coi đây là ngành mũi nhọn để chúng ta tập trung phát triển.”
Riêng ông Đức Anh, hiện tại, ngành logistics là ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Trước hết, từ bối cảnh xu hướng vĩ mô, tập trung vào hoạt động xuất nhập khẩu. Thứ hai, được hỗ trợ từ Chính phủ. Thứ ba, chi phí logistics tăng cao giúp doanh nghiệp cảng biển hoặc những doanh nghiệp vận tải biển sẽ được hưởng lợi. Nhìn chung, đây là nhóm ngành có triển vọng tương đối tốt.
Tuy nhiên, cũng có những yếu tố rủi ro liên quan đến nhóm ngành này như tắc nghẽn hàng hóa, thiếu container, chi phí logistics cao cũng sẽ ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa và giảm đơn hàng.
Ông Nguyễn Kim Chi - Nhà sáng lập nhóm đầu tư Hello Stock (trước đó từng là Giám đốc chi nhánh CTCK KIS Việt Nam) lại thận trọng hơn: “Ngành cảng biển, logistics giai đoạn đầu năm đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ khi sự gián đoạn nguồn cung và các chính sách hạn chế các hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, ở giai đoạn hậu giãn cách, hoạt động kinh doanh sẽ tiếp tục duy trì ổn định nhờ nhu cầu xuất nhập khẩu hồi phục trở lại, nhưng dư địa tăng trưởng mạnh và đột biến như các quý đầu năm sẽ không còn quá lớn.”
Ông Chi cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, giá cước vận chuyển trung bình 40 container cho các tuyến từ Thượng Hải đến New York, Thượng Hải đến Los Angeles và Thượng Hải đến Rotterdam lần lượt tăng 48%, 69% và 222% so với cùng kỳ. Mặc dù giá cước quốc tế tăng mạnh nhưng giá cước nội địa không ghi nhận nhiều biến động do bất cân xứng nhu cầu giữa các tuyến cũng như năng lực vận tải của các hãng tàu trong nước vẫn còn thấp chưa đáp ứng được các nhu cầu. Vì vậy, ông Chi đánh giá nhóm ngành này khả năng đã đạt đỉnh về tăng trưởng trong giai đoạn vừa qua.
Theo Báo cáo triển vọng ngành logistics nửa cuối năm 2021, CTCK Rồng Việt (VDSC) dự báo tăng trưởng kinh tế cao của các nền kinh tế phát triển sẽ hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Tăng trưởng GDP toàn cầu hiện dự kiến là 5.8% trong năm 2021 (từ mức 4.2% trước đây), được dẫn dắt bởi các nền kinh tế phát triển - cũng là đối tác thương mại chính của Việt Nam - sau khi các chiến dịch tiêm chủng vắc xin đã giúp họ mở cửa nền kinh tế trở lại.
VDSC dự báo điều này sẽ hỗ trợ cho các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ đó dẫn dắt tăng trưởng lưu lượng hàng hóa thông qua các sân bay và cảng biển trong tương lai.
Ngoài ra, vai trò của cảng nước sâu trong hệ thống cảng biển Việt Nam ngày càng quan trọng khi có càng nhiều hãng tàu ưu tiên cho các cảng nước sâu. Không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của các hãng tàu, các cảng nước sâu cũng đáp ứng hoàn hảo cho các tuyến vận tải kết nối Việt Nam với các đối tác thương mại quan trọng. Trên thực tế, thị phần của các cảng nước sâu và số tuyến vận tải đường dài ngày càng tăng tại Việt Nam.
Bất chấp rủi ro ngắn hạn về gián đoạn sản lượng sản xuất, VDSC dự báo tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển Việt Nam vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số 15% và 14% trong năm 2021 và 2022 nhờ kỳ vọng rằng tỷ lệ tiêm vắc xin có thể tăng đáng kể trong những tháng tới (thực tế các lô vắc xin mới về Việt Nam gần như hàng tuần) và hoàn thành lộ trình tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối quý 1/2022. Điều này cũng sẽ thúc đẩy triển vọng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam đang diễn ra.
Tiên Tiên
FILI
|