Ngân hàng thế giới: 4 bài học để Việt Nam lấy lại ánh hào quang
Các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam đang từ vị trí ngôi sao đã rơi xuống mức dưới trung bình của thế giới sau khi dịch Covid-19 gây thiệt hại quá nặng nề.
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB - ông Jacquest Morisset. TIÊU PHONG
|
Sáng 27.9, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế tổ chức “Tọa đàm tham vấn chuyên gia kinh về kinh tế - xã hội”. Tọa đàm được tổ chức lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội (QH) khóa XV có ý nghĩa quan trọng, nhằm đánh giá diễn biến của thị trường tài chính, đầu tư, thương mại toàn cầu năm 2021; đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế - xã hội của Việt Nam…
Tham luận tại tọa đàm, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới Việt Nam (WB), cho biết trước dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đang là ngôi sao trên toàn cầu với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, thuộc tốp đầu của thế giới, nhưng sau 4 đợt dịch bùng phát đã rơi xuống dưới mức trung bình.
Nguyên nhân chính, do tình hình y tế xấu đi từ cuối tháng 4.2021. Đặc biệt, kể từ cuối tháng 7, tỷ lệ tử vong Covid-19 ở Việt Nam cao hơn mức trung bình ở Trung Quốc và châu Âu. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng nói chung vẫn còn thấp.
Ngoài ra, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ hạn chế di chuyển nghiêm ngặt nhất; các chính sách ứng phó về tài khóa và tiền tệ thiếu cân bằng và chi trợ giúp xã hội ít hơn nhiều so với các nước châu Âu.
WB kiến nghị cần sử dụng nhiều hơn chính sách tài khóa để hỗ trợ cho nền kinh tế. NGỌC THẮNG
|
Vậy làm cách nào để Việt Nam có thể lấy lại vị trí ngôi sao của mình? Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Jacquest Morisset đưa ra 4 bài học.
Thứ nhất, các quốc gia có chương trình tiêm chủng tích cực hơn sẽ tăng trưởng nhanh vào năm 2021. Do đó, Việt Nam cần tăng quy mô tiêm chủng nhưng xét nghiệm vẫn là biện pháp quan trọng nhất để ngăn chặn đại dịch.
Thứ hai, Việt Nam cần hạn chế di chuyển một cách thông minh hơn, qua đó giúp cân bằng sự an toàn và đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế. “Chính phủ tuyên bố đơn giản hóa các quy trình mặc dù đã kiểm soát biên giới. Tại sao vẫn cần 5 tuần để xử lý các thủ tục hành chính trước khi phê duyệt cho du khách?”, chuyên gia này đặt câu hỏi.
Thứ ba, Việt Nam cần tái cân bằng bằng cách hướng sang chính sách tài khóa nhiều hơn và sang chính sách tiền tệ ít hơn. Bởi tài khóa là công cụ mà Chính phủ chưa sử dụng nhiều nhưng lại có thể giúp kích cầu trong ngắn và trung hạn. Theo tính toán của WB, dự địa tài khóa của Việt Nam lớn hơn tất cả các nước vào năm 2020.
Ngoài ra, việc sử dụng chính sách này giúp minh bạch vì các thủ tục được QH giám sát. Trong khi đó, chính sách tiền tệ chỉ hỗ trợ tạm thời cho các DN, nó tương đối kém hiệu quả vì lãi suất thực rất thấp và khoảng một nửa dân số không có tài khoản ngân hàng. Mặt khác, nó làm tăng rủi ro cho khu vực tài chính (nợ xấu tăng cao) và thiếu minh bạch trong gói giải cứu do các NH cung cấp.
Thứ tư, Việt Nam cần có chương trình trợ giúp xã hội hiệu quả hơn để giảm bớt gánh nặng về kinh tế. Bởi hiện tại, mức chi của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu và thế giới nói chung.
Tiêu Phong
Thanh niên
|